Tiêu chuẩn bổ nhiệm chủ tịch hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập

Chủ tịch hội đồng quản lý có trách nhiệm giám sát, đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu chiến lược, kết quả hoạt động của đơn vị.

Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư hướng dẫn về Hội đồng quản lý (HĐQL) trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, gồm 4 chương, 12 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 25/3/2025.

Những kỹ năng cần có trong quản lý cơ sở giáo dục mầm non

Thông tư nhằm hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, quy chế hoạt động của HĐQL trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, mối quan hệ giữa HĐQL với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập và cơ quan quản lý cấp trên; tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, miễn nhiệm các thành viên HĐQL, Chủ tịch HĐQL trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Đối tượng áp dụng của thông tư này là các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo được cấp có thẩm quyền thành lập theo quy định tại Điều 2 Nghị định 120 của Chính phủ; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thành lập và hoạt động của HĐQL trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Điểm đáng chú ý trong Thông tư là điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm Chủ tịch HĐQL. Người này phải là công chức hoặc viên chức; có uy tín, năng lực và kinh nghiệm quản lý đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Tiêu chuẩn bổ nhiệm chủ tịch hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập - Ảnh 1.

Đại học Kinh tế Quốc dân là một trong những đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ GD&ĐT.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch HĐQL là tổ chức giám sát, đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu chiến lược, kết quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, kết quả quản lý điều hành của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập; chỉ đạo xây dựng kế hoạch hoạt động theo nhiệm kỳ/hàng năm, từng tháng/từng quý; lãnh đạo thực hiện các nghị quyết của HĐQL.

Ký văn bản thuộc thẩm quyền ban hành; phân công nhiệm vụ và giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của các thành viên trong HĐQL; thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật, quy chế của HĐQL và quy chế tổ chức, hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập...

Số lượng thành viên HĐQL phải là số lẻ; số lượng tùy theo quy định tại khoản 4, điều 7, Nghị định 120 của Chính phủ trong đó có Chủ tịch, Phó Chủ tịch (nếu có), Thư ký và các thành viên khác của HĐQL. Những người này phải do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập bổ nhiệm.

HĐQL làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số, trừ trường hợp quy chế hoạt động của HĐQL quy định tỉ lệ biểu quyết cao hơn. Quyết định của HĐQL được thể hiện bằng hình thức nghị quyết. Đại diện cơ quan quản lý cấp trên của đơn vị sự nghiệp công lập trong HĐQL làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

HĐQL được sử dụng con dấu và bộ máy tổ chức của đơn vị sự nghiệp công lập để triển khai công việc của HĐQL. Định kỳ 3 tháng hoặc đột xuất theo yêu cầu, Chủ tịch HĐQL báo cáo cấp có thẩm quyền về kết quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/tieu-chuan-bo-nhiem-chu-tich-hoi-dong-quan-ly-trong-don-vi-su-nghiep-cong-lap-a115771.html