Nhận định về việc nạn nhân có dễ dàng lấy lại tiền đã mất hay không, luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch, cho rằng, điều này thường rất khó thực hiện bởi người bị hại không biết kẻ lừa đảo mình là ai, ở đâu để đòi.
Trong nhiều trường hợp, kẻ lừa đảo thường sử dụng tài khoản của người khác và tài khoản ảo để chuyển tiền, khiến việc xác định thực sự trở nên rất khó khăn. Nếu là cá nhân tham gia lừa đảo, cơ quan điều tra có thể sẽ dễ dàng tìm ra kẻ phạm tội hơn. Tuy nhiên đối với lừa đảo có tổ chức thì sẽ cần một thời gian để truy tìm và xử lý.
“ Dù vẫn có khả năng để lấy lại được tiền, tuy nhiên, cơ hội đó vẫn rất mong manh và mất nhiều thời gian ”, ông Tuấn Anh dự báo.
Luật sư Trần Tuấn Anh cho rằng, để ngăn chặn hoạt động lừa đảo trên không gian mạng, cần có sự kiểm soát chặt chẽ từ nhiều phía, đặc biệt là cơ quan chức năng đối với các nền tảng công nghệ.
Trước tiên, pháp luật cần được hoàn thiện với các chế tài nghiêm khắc hơn, yêu cầu các ngân hàng và ví điện tử siết chặt quy trình xác minh tài khoản để ngăn chặn hành vi mua bán tài khoản lừa đảo.
Đồng thời, cần tăng cường quản lý các fanpage và trang web giả mạo bằng cách yêu cầu xác minh chính chủ định kỳ đối với các tài khoản, phối hợp với các nền tảng mạng xã hội để rà soát, gỡ bỏ nhanh chóng các tài khoản có dấu hiệu lừa đảo.
Các ngân hàng cũng cần triển khai hệ thống cảnh báo tự động, giúp khách hàng nhận diện các giao dịch đáng ngờ trước khi chuyển tiền. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh thông qua các chiến dịch truyền thông, giáo dục về an toàn giao dịch trực tuyến và cảnh báo người dân về những thủ đoạn lừa đảo phổ biến.
“ Khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên và nâng cao nhận thức cộng đồng, hoạt động lừa đảo trên không gian mạng sẽ bị hạn chế đáng kể, góp phần bảo vệ tài sản và quyền lợi của người dân ”, ông Tuấn Anh nêu ý kiến.
![Nạn nhân mất tiền tỷ khi đặt phòng khách sạn trên mạng có dễ đòi được tiền?- Ảnh 1. Nạn nhân mất tiền tỷ khi đặt phòng khách sạn trên mạng có dễ đòi được tiền?- Ảnh 1.](https://cafefcdn.com/203337114487263232/2025/2/8/l1-05302940-1738975890315-17389758915791343120833.jpg)
Người phụ nữ bị lừa hơn 1 tỷ đồng khi liên hệ đặt phòng trên mạng. (Ảnh màn hình)
Vì sao người tiêu dùng dễ bị lừa đảo?
Thông qua vụ việc của chị V.T.T, nạn nhân mới đây đã mất cả tỷ đồng khi đặt phòng khách sạn trên fanpage Facebook có tích xanh mang tên Minawa Kênh gà Resort & Spa Ninh Bình, có thể thấy sự tinh vi của những đối tượng lừa đảo cũng như sự chủ quan của nạn nhân có thể gây ra thiệt hại lớn đến mức nào.
“ Những đối tượng lừa đảo dễ dàng thực hiện hành vi do đã rất biết cách lợi dụng lòng tin của nạn nhân, thao túng tâm lý và sử dụng các thủ đoạn tinh vi ”, luật sư Tuấn Anh nhận định.
Trước hết, chúng tạo ra các fanpage giả mạo có dấu tích xanh nhằm tăng sự uy tín cho bị hại, khiến nạn nhân tin rằng đó là trang chính thức của khách sạn.
Trên thực tế, mặc dù tích xanh Facebook đúng là một cách hữu hiệu để tăng độ nhận diện và xác nhận chính chủ của Facebook cung cấp cho các fanpage hoặc các tài khoản cá nhân.
Tuy nhiên, đây không phải là cách xác định uy tín chắc chắn nhất do hoàn toàn có thể làm giả vì những điều kiện để được cấp tích xanh vô cùng lỏng lẻo. Ngoài ra hiện nay, rất nhiều trang web còn hướng dẫn tận tình để làm sao tạo nên những dấu tích xanh giả một cách đơn giản hoặc lấy từ những tài khoản có tích xanh cũ, không còn hoạt động rồi đổi tên là hoàn toàn có một tài khoản có đầy đủ tích xanh, người theo dõi nên rất khó xác định được.
Theo lời kể của nạn nhân, các đối tượng ban đầu tư vấn hết sức nhiệt tình và chu đáo khiến nạn nhân buông lỏng cảnh giác. Trong quá trình dụ dỗ nạn nhân, kẻ gian sử dụng nhiều chiêu trò gây áp lực tâm lý, như liên tục gọi điện giục giã, thông báo sắp hết phòng hoặc báo lỗi giao dịch liên tục, khiến nạn nhân hoang mang và làm theo hướng dẫn để mong lấy lại tiền.
Bên cạnh đó, chúng còn giả danh chuyên nghiệp bằng cách gọi video, tạo âm thanh giả như tiếng nhân viên tư vấn để tăng mức độ tin cậy. Để tránh bị nghi ngờ, kẻ gian không trực tiếp yêu cầu nạn nhân chuyển tiền mà hướng dẫn nhập mã vào ứng dụng ngân hàng, thực chất là lệnh chuyển tiền với nội dung hướng dẫn thực hiện không rõ ràng, dễ gây hiểu lầm.
“Một yếu tố khác giúp chúng dễ dàng thực hiện hành vi là việc khai thác sơ hở trong bảo mật cá nhân. Nhiều người dùng chưa có thói quen kiểm tra kỹ thông tin trước khi giao dịch, trong khi mạng xã hội lại chưa kiểm soát chặt chẽ các fanpage giả mạo. Sau khi lừa đảo thành công, chúng thậm chí còn đánh sập tài khoản Facebook của nạn nhân để ngăn chặn việc cảnh báo cho người khác.
Tất cả những yếu tố trên cho thấy các đối tượng này có kế hoạch tinh vi, bài bản và khả năng thao túng tâm lý rất tốt, khiến nạn nhân bị rối và dễ dàng rơi vào bẫy”, ông Tuấn Anh phân tích.
Theo luật sư Trần Tuấn Anh, thời điểm hiện nay, khi với sự phát triển của xã hội, việc thanh toán bằng tiền tài khoản trở nên phổ biến. Điều này vô hình tạo điều kiện cho hành vi lừa đảo trên không gian mạng trở nên phức tạp hơn bao giờ hết, đặc biệt là hình thức giả mạo doanh nghiệp, fanpage chính thống để lừa người dân chuyển tiền.
Vì vậy, mọi người cần nâng cao cảnh giác và tuyệt đối không chuyển tiền cho các tài khoản cá nhân hoặc tổ chức không rõ ràng trên mạng.
Trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch nào, cần kiểm tra kỹ thông tin đơn vị nhận tiền, xác minh qua các kênh chính thức như website, tổng đài hoặc địa chỉ liên hệ đáng tin cậy và luôn phải tự đặt ra câu hỏi xem sự việc có đang diễn ra hợp lý không.
Đối với các chuyến đi du lịch, nghỉ dưỡng, việc đặt phòng khách sạn, đặt vé du lịch hoặc mua hàng trực tuyến nên ưu tiên các nền tảng hỗ trợ uy tín hoặc các trang thương mại điện tử lớn. Ngoài ra, tuyệt đối không cung cấp mã OTP, mật khẩu tài khoản ngân hàng hay thông tin cá nhân cho bất kỳ ai trên mạng.
Nếu gặp trường hợp nghi ngờ, cần báo ngay cho ngân hàng, cơ quan công an hoặc phản ánh trên các hội nhóm để kịp thời cảnh báo cho người khác. Việc chủ động hơn trong việc tìm hiểu thông tin cũng là điều cần thiết để tránh những vụ lừa đảo diễn ra.
“Với những trường hợp vô tình dính vào những sự việc tương tự, khi bị lừa đảo, việc đầu tiên cần làm là gọi điện tới tổng đài ngân hàng để thông báo chuyển nhầm. Sau khi tiếp nhận thông tin sự việc, phía ngân hàng sẽ tạm thời phong tỏa tài khoản và tiến hàng xác minh. Tuy đây chỉ là biện pháp tạm thời nhưng vô cùng hữu hiệu nhằm kéo dài thời gian, ngăn chặn kẻ gian có thể tiếp cận được số tiền, từ đó giúp nạn nhân hạn chế thiệt hại và tăng cơ hội lấy lại số tiền đã mất” , luật sư Tuấn Anh hướng dẫn.
Sau đó, người bị hại nên trình báo và tố giác sự việc với cơ quan công an nơi cư trú hoặc Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, kèm theo đầy đủ bằng chứng như tin nhắn, số tài khoản nhận tiền và nội dung giao dịch nhằm giúp đỡ quá trình điều tra và giải quyết triệt để.