Du khách cần làm gì khi lừa đảo "bủa vây" trên mạng xã hội?

Khi ngày càng nhiều vụ lừa đảo xảy ra liên quan đến dịch vụ du lịch khách sạn, các chuyên gia cho rằng du khách nên thay đổi cách thức mua tour, đặt phòng trên mạng xã hội; cũng như trang bị thêm một số câu hỏi, kỹ năng kiểm tra đối tượng giao dịch trước khi chuyển tiền.

Thời gian gần đây, các vụ lừa đảo liên quan đến dịch vụ du lịch, khách sạn, lữ hành... xảy ra ngày càng nhiều, đặc biệt vụ việc du khách bị kẻ xấu giả mạo khách sạn ở Ninh Bình để lừa đảo, chiếm đoạt số tiền rất lớn. Thủ đoạn lừa đảo cũng giống như nhiều vụ trước đây, khi kẻ xấu lợi dụng mạng xã hội để giả mạo các đơn vị lữ hành, khách sạn, resort... để tư vấn và thu tiền dịch vụ của khách hàng, cuối cùng là biến mất sau khi chiếm đoạt tài sản.

Theo đó, các đối tượng lừa đảo sẽ lập ra các trang web, fanpage, trang mạng xã hội… có giao diện gần giống trang web, fanpage chính thức của các đơn vị lữ hành, khách sạn, resort… có uy tín; sau đó bắt đầu liên hệ, tư vấn cho du khách và gửi kèm nhiều hình ảnh, nhận xét của khách hàng khác nhằm tạo niềm tin với du khách... Đối tượng sẽ yêu cầu du khách chuyển tiền đặt cọc trước với lý do khách sạn, resort quá tải, nếu không đặt trước sẽ không giữ được phòng; hoặc sử dụng nhiều chiêu trò khác để thúc giục khách hàng chuyển tiền... Sau đó, du khách vì thiếu cảnh giác, chuyển tiền cho đối tượng (thường vào các tài khoản cá nhân) thì sẽ bị chiếm đoạt số tiền này và bị cắt đứt liên lạc.

Du khách cần làm gì khi lừa đảo "bủa vây" trên mạng xã hội?- Ảnh 1.

Fanpage bị phát hiện mạo danh một công ty du lịch uy tín tại Hà Nội

Cần đặt câu hỏi khi mua tour, đặt phòng trên mạng xã hội

Theo ông Hồ Xuân Phúc - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch, Thương mại Và Đầu tư Hà Nội (Hanotours), các vụ lừa đảo về dịch vụ du lịch, khách sạn liên tục xảy ra gần đây là "hồi chuông" cảnh báo người tiêu dùng cần thay đổi cách thức mua tour, đặt phòng và cần kiểm tra kỹ trước khi giao dịch trên mạng xã hội.

Các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi với công nghệ cao, cách nói chuyện có bài bản, tạo ra tình huống dẫn dắt tâm lý... chứ không còn thô sơ như trước. Không chỉ những người ít kinh nghiệm mới bị lừa, mà hiện nay các đối tượng giăng sẵn cạm bẫy trên mạng xã hội nhắm vào cả khách hàng có kinh nghiệm, có điều kiện về tài chính, như việc chuẩn bị fanpage có lượng like cao, ngụy tạo uy tín với hình ảnh đẹp, thông tin chuyên nghiệp...

"Những trang fanpage có dấu tích xanh vẫn có thể bị mạo danh; kẻ xấu cũng có thể gửi hình ảnh, tư vấn một cách chuyên nghiệp... vì vậy giao dịch trên mạng xã hội tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho khách hàng. Để giảm thiểu nguy cơ bị lừa đảo, khách hàng chỉ nên chuyển tiền thanh toán dịch vụ với tài khoản ngân hàng doanh nghiệp đã công bố chính thức hoặc đã đăng ký với cơ quan nhà nước. Quan trọng nhất, trước khi bắt đầu liên hệ và tư vấn với một cá nhân, đơn vị trên mạng xã hội, khách hàng phải đặt câu hỏi để kiểm tra mình liên hệ với ai và yêu cầu cung cấp họ tên, mã số nhân viên, phòng ban, số điện thoại...

Nếu giao dịch với các nhân viên, cộng tác viên bán hàng qua mạng xã hội, du khách nên đề nghị cung cấp các giấy phép hoạt động kinh doanh, giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa hoặc quốc tế của công ty... Ngoài ra nếu đặt phòng khách sạn, khách hàng có thể yêu cầu người bán xuất trình hợp đồng đại lý hoặc hợp đồng mua voucher, đêm nghỉ trong đó có hiển thị rõ bên A và bên B, gồm khách sạn và các cá nhân hoặc đại lý bán phòng. Nhiều công ty du lịch hiện nay cũng công bố số điện thoại của ban giám đốc, ban quản lý, nên du khách chỉ cần gọi điện thoại vào các số này là có thể kiểm tra tính xác thực của dịch vụ cũng như danh tính của nhân viên, cộng tác viên", ông Hồ Xuân Phúc nêu giải pháp.

Du khách cần làm gì khi lừa đảo "bủa vây" trên mạng xã hội?- Ảnh 2.

Hàng năm, các doanh nghiệp du lịch uy tín sẽ được vinh danh tại các chương trình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức.

Tìm đến các công ty du lịch uy tín

Ngoài ra, các chuyên gia du lịch cho rằng với những khách hàng ít kinh nghiệm, không có thời gian tìm hiểu, xác minh về người bán thì tốt nhất nên tìm đến các công ty lữ hành uy tín, lâu năm. Các công ty này đóng vai trò thẩm định, đảm bảo chất lượng dịch vụ và trung gian giải quyết các vấn đề phát sinh giữa khách hàng và nhà cung ứng dịch vụ du lịch như nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi...

Hiện nay có rất nhiều công ty lữ hành, khách hàng có thể tìm đến các doanh nghiệp đã đạt giải thưởng, được tặng bằng khen bởi các cơ quan, đơn vị uy tín như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Sở Du lịch Hà Nội… Khi giao dịch và chuyển tiền vào tài khoản của doanh nghiệp, chắc chắn người tiêu dùng sẽ được cam kết bằng văn bản và được bảo vệ trước pháp luật.

Trong khi đó, việc tìm kiếm và thanh toán, giao dịch chỉ qua mạng xã hội thì người mua và người bán không biết nhau, việc chuyển tiền là giao dịch dân sự nên cũng khó quy kết trách nhiệm khi xảy ra sự cố. Sau khi chuyển tiền, nếu người bán chặn số, hủy kết bạn thì người mua cũng không thể "cầu cứu" được ai.

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/du-khach-can-lam-gi-khi-lua-dao-bua-vay-tren-mang-xa-hoi-a115578.html