Việt Nam chốt mở kho báu lớn thứ 2 thế giới, Mỹ đã 4 lần xúc tiến, Trung Quốc 2 lần ngỏ ý hợp tác, công nghệ 2 siêu cường xịn thế nào?

Việt Nam có kho báu lớn thứ 2 thế giới mà nhiều siêu cường thèm khát.

Việt Nam chốt mở kho báu lớn thứ 2 thế giới, Mỹ đã 4 lần xúc tiến, Trung Quốc 2 lần ngỏ ý hợp tác, công nghệ 2 siêu cường xịn thế nào?- Ảnh 1.

Theo Cục Khảo sát địa chất Mỹ, Việt Nam có kho báu đất hiếm khoảng 22 triệu tấn, lớn thứ 2 thế giới, chỉ xếp sau Trung Quốc (44 triệu tấn).

Theo quyết định số 866/QĐ-TTg phê duyệt vào tháng 7/2023 về "quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050", Việt Nam dự kiến khai thác khoảng 2 triệu tấn quặng đất hiếm nguyên khai/năm. Trong đó, có mỏ được tập trung đầu tư để khai thác là Yên Phú (Yên Bái) và Đông Pao (Lai Châu).

Ngay sau đó, đã rất nhiều nước trên thế giới quan tâm đến đất hiếm của Việt Nam, điển hình như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Như Mỹ, vào tháng 9/2023, trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Joe Biden, hai nước đã ký biên bản ghi nhớ về hỗ trợ xác định trữ lượng đất hiếm của Việt Nam. Đến tháng 10/2023, Nhà kinh tế trưởng thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ Emily Blanchard sang thăm, làm việc tại Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh rằng, Mỹ sẵn sàng cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong việc tổ chức đấu thầu trong lĩnh vực khai khoáng, bao gồm khai thác đất hiếm.

Tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ diễn ra vào tháng 11/2023, bà Susan Burns, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TPHCM cho biết, đối với lĩnh vực khai khoáng, Việt Nam được đánh giá là đang có trữ lượng đất hiếm lớn thứ 2 sau Trung Quốc và chưa được khai thác, do vậy, Mỹ sẽ cùng Việt Nam thực hiện đa dạng hóa chuỗi cung ứng, thu hút đầu tư Hoa Kỳ để khai thác.

Đến tháng 7/2024, hai nhà đầu tư tới từ Mỹ và Hàn Quốc là Zoetic Global và Trident Global Holdings đã công bố việc hợp tác chiến lược cùng tập đoàn Hưng Hải của Việt Nam với mục tiêu khai thác và phát triển các mỏ đất hiếm.

Cùng với đó, với Nhật Bản, tại buổi làm việc ở Việt Nam vào tháng 11/2023, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết, Nhật Bản mong muốn hợp tác với Việt Nam trong việc khảo sát, khai thác, chế biến đất hiếm và phát triển các ngành công nghiệp liên quan.

Bên cạnh Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc cũng đã nhiều thể hiện sự quan tâm tới đất hiếm tại Việt Nam. Vào tháng 4/2024, Công ty Nhà nước Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc (CREG), một trong những công ty đất hiếm lớn nhất thế giới, hiện nắm 37,6% hoạt động khai thác đất hiếm của Trung Quốc đã bày tỏ mong muốn được hợp tác khai thác, chế biến đất hiếm tại Việt Nam.

Đáng chú ý, đây là lần thứ hai Tập đoàn Trung Quốc này ngỏ lời đầu tư vào đất hiếm Việt Nam. Trước đó, tại buổi làm việc giữa Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp với Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc vào 23/11/2023, CREG cũng đã mở lời mong muốn hợp tác.

Với Hàn Quốc, trong chuyến thăm Hàn Quốc vào tháng 7/2024, Thủ tướng đã tiếp 6 doanh nghiệp hàng đầu Hàn Quốc đang làm ăn tại Việt Nam. Trong đó, Tập đoàn Posco - 1 trong top 5 doanh nghiệp kinh doanh tại Hàn Quốc với doanh thu năm 2023 đạt 59 tỉ USD bày tỏ quan tâm tới lĩnh vực năng lượng sạch, nhiệt điện khí và mong muốn tham gia khai thác, chế biến đất hiếm tại Việt Nam

Thực tế, công nghệ khai thác và chế biến đất hiếm tại Việt Nam dù được nghiên cứu từ rất sớm nhưng chủ yếu vẫn dừng ở quy mô phòng thí nghiệm, chưa có công nghệ nào được áp dụng thực tế.

Trong khi đó, Trung Quốc hiện dẫn đầu thế giới về công nghệ khai thác, chế biến đất hiếm. Quốc gia này đã tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào quy trình sản xuất, giúp kiểm soát chất lượng và nâng cao năng suất gấp đôi. Tuy nhiên, ngành đất hiếm Trung Quốc vẫn đối mặt với ba thách thức lớn: khó đo lường giá trị thực sự của AI, thiếu hệ thống quản lý dữ liệu hiệu quả và khan hiếm nhân lực có chuyên môn sâu cả về AI lẫn đặc thù ngành.

Tại Mỹ, theo trang Mining News, các công nghệ khai thác và đo lường đất hiếm đang phát triển mạnh mẽ theo hướng bền vững và hiệu quả cao. Các hệ thống khoan tự động và drone thăm dò được triển khai nhằm tăng năng suất và đảm bảo an toàn trong khai thác mỏ. Đồng thời, các giải pháp quản lý năng lượng và hiệu suất dựa trên công nghệ số giúp tinh giản quy trình vận hành và tối ưu hóa tài nguyên.

Đặc biệt, Mỹ đang tập trung cải tiến công nghệ đo lường đất hiếm để nâng cao độ chính xác và tính ứng dụng thực tế. Việc tích hợp AI và cảm biến kỹ thuật số giúp phân tích dữ liệu địa chất, xác định các mỏ đất hiếm tiềm năng với độ chính xác cao. Không chỉ hỗ trợ định vị khu vực khai thác, công nghệ này còn góp phần tối ưu hóa quy trình sản xuất và giảm tác động môi trường.

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/viet-nam-chot-mo-kho-bau-lon-thu-2-the-gioi-my-da-4-lan-xuc-tien-trung-quoc-2-lan-ngo-y-hop-tac-cong-nghe-2-sieu-cuong-xin-the-nao-a115506.html