Nhiều học sinh bị ép đi học thêm. Ảnh: VietNamNet. |
Còn nhớ, gần 30 năm trước, khi tôi vào mẫu giáo, cả hai xóm phải học chung một lớp với một cô giáo duy nhất. Mẹ tôi kể hồi ấy, đi học cả năm chỉ cần nộp vài yến lúa. Dù nghịch ngợm và thường xuyên bị phạt, tôi vẫn rất yêu quý cô giáo.
10 năm vẫn ám ảnh
Ở cấp 1 và cấp 2, việc học thêm chỉ dành cho học sinh giỏi chuẩn bị thi huyện, tỉnh hoặc những em yếu cần phụ đạo, và đều miễn phí. Các thầy cô thường động viên chúng tôi tới nhà để được hướng dẫn thêm. Có thầy cô còn cho mượn sách để tự học.
Nhờ sự tận tâm ấy, tôi đỗ vào một lớp chuyên của tỉnh. Tuy nhiên, từ lớp 11, áp lực học thêm tăng lên. Tôi thường xuyên trễ giờ hoặc bỏ học thêm môn Hóa (học 14-16h) vì vẫn quen ngủ trưa.
Vì điều này, tôi bị cô giáo nhìn bằng ánh mắt khác. Cô luôn giao cho tôi bài khó và “tặng” ngay điểm 4 nếu làm không được. Trong khi đó, bạn học kém nhất lớp vẫn được cô giao bài dễ và cho 6-7 điểm. Cô còn hay chê bai tôi trước mặt các bạn trong lớp.
Tôi nhớ, thời điểm đó mình hay chơi với bạn X. Một lần, nghe X hỏi về cách dạy của cô, tôi thật thà bảo rằng bài trong sách luyện thi đại học cô dạy khá khó hiểu với học sinh lớp 11 như tôi. Vài ngày sau, cô nói lại nguyên văn câu đó trước lớp, kèm lời mỉa mai “Có bạn lười học, học kém mà còn nói như vậy”. Ánh mắt cô từ đó càng lạnh nhạt, cô thường xuyên cho tôi điểm thấp và chấm bài rất khắt khe.
Tôi không biết phải làm sao, chỉ thấy chán nản với môn học của cô. Sau này, tôi mới hiểu cô nghĩ tôi bỏ học thêm ở nhà cô để học chỗ khác nên mới có thái độ như vậy.
Năm cuối cấp 3, tôi cố gắng đọc sách tham khảo và khi thi tốt nghiệp đạt gần 28 điểm (Toán 10; Lý 9,25; Hóa 8,5) - cao thứ 2 lớp. Vào đại học, tôi may mắn được học và làm đồ án với những thầy cô tâm huyết yêu nghề, yêu sinh viên.
Có dịp, tôi được thầy chủ nhiệm hướng dẫn tới 12h đêm, không thu một đồng nào. Tôi cảm nhận rõ nét nghề giáo thực sự cao quý và tin rằng đa phần thầy cô thương yêu học trò.
Tốt nghiệp đại học với điểm số cao rồi vào làm tại một doanh nghiệp nước ngoài, hiện, mức lương của tôi đã trên 100 triệu/tháng. Nhưng mỗi khi đọc thông tin về dạy thêm học thêm, tôi vẫn ám ảnh chuyện cô giáo hồi cấp 3.
Dạy thêm, học thêm phải có chừng mực
Mấy năm gần đây, được tiếp xúc với nhiều học sinh và lắng nghe những câu chuyện, vui có, buồn có về việc học thêm, tôi càng ưu tư khi biết nhiều em cũng từng rơi vào hoàn cảnh như mình 20 năm trước.
Xã hội muốn phát triển, tất yếu cần có sự cạnh tranh, và giáo dục là nơi con người - ở đây là học sinh - bắt đầu nhen nhóm tính cạnh tranh. Tôi không phản đối xu thế đó. Quả thực, với lớp học tới gần 50 học sinh, làm sao thầy cô có thể dìu dắt từng em? Dạy dễ quá thì học sinh khá giỏi sẽ nản, dạy khó quá các em trung bình, yếu sẽ như bị bỏ rơi.
Ngoài ra, việc tìm đến lớp học thêm một phần do ý thức tự học của nhiều học sinh vẫn thấp, cộng với sự chênh lệch trình độ của các em trong một lớp. Tất nhiên, giáo viên vẫn dạy hết bài, có điều không phải ai cũng hiểu và nắm được bài ngay, chưa nói tới nâng cao và vận dụng. Trong khi đề thi thường khó, cộng với việc phụ huynh đua nhau cho con vào bằng được trường chuyên, lớp chọn, nên càng khó tránh chuyện học thêm.
Tôi không phản đối việc dạy thêm học thêm nhưng phải có chừng mực, có giới hạn và xuất phát từ sự tự nguyện. Không thể cả tuần đi học từ thứ hai tới chủ nhật, từ 7h tới 22h mới về tới nhà.
Mỗi môn Toán, Văn, Anh… lại học thêm nhiều thầy cô, mỗi thầy cô 2 buổi/tuần. Như vậy quá mệt mỏi, và đa số học sinh không còn thời gian tự học, suy nghĩ và nghiền ngẫm nên rất thụ động, không tự đọc sách, hầu như không có tính sáng tạo trong cách học, cách làm bài.
Gần đây, khi ra một quán sách cũ, tôi phát hiện 99% sách giáo khoa và sách bài tập đã dán nhãn (được hiệu sách thu mua lại) có vẻ chưa được giở ra bao giờ. Điều này hoàn toàn trái ngược với thời chúng tôi - những cuốn sách được truyền nhau đọc, làm với chi chít chữ, sờn bìa, rách gáy... Chẳng lẽ bây giờ, học sinh nghe gì biết nấy, bảo gì làm nấy, mà không cần đọc sách?
Gần nhà tôi có một học sinh lớp 11. Khi tôi hỏi những câu cơ bản như sin30 (độ), sin45 (độ), 90×4, 360+90 bằng mấy…, em phải bấm máy tính, trong khi điểm thi vào 10 của em là 8,5 môn Toán.
Một cô giáo ở thị trấn quê tôi nổi tiếng dạy Tiếng Anh giỏi và tâm huyết, mỗi tháng có vài trăm học sinh theo học và cô thu về không dưới 80 triệu đồng (cô thu 400 nghìn đồng/học sinh/tháng).
Điều đáng nói là học sinh của cô đến từ nhiều xã ở xa, xin học vì biết tiếng cô chứ không phải vì cô làm chủ nhiệm. Tôi cho rằng việc cô dạy thêm và có thu nhập cao là rất xứng đáng, thậm chí cần nhân rộng để ngày càng thu hút nhiều học sinh giỏi vào sư phạm.
Tôi ủng hộ quy định không cho giáo viên dạy thêm với học sinh chính khóa. Nhưng trên thực tế, việc này vẫn diễn ra âm thầm, vì những mối quan hệ xã hội phức tạp.
Dạy thêm đúng cách có thể giúp học sinh tiến bộ nhưng cũng không tránh khỏi những hệ lụy. Một số học sinh học miễn cưỡng hoặc bị cô giáo “đối xử đặc biệt” vì không tham gia học thêm. Đáng buồn, thực trạng này lại không hề hiếm.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/di-lam-10-nam-luong-thang-100-trieu-toi-van-am-anh-chuyen-hoc-them-a114179.html