Theo CNBC, với nhịp sống nhanh và sự cạnh tranh về thành tích ngày này, nuôi dạy một đứa trẻ không phải là điều dễ dàng. Nhiều phụ huynh thường tập trung vào việc nuôi dạy con cái trở nên xuất sắc về học tập, nhưng lại bỏ qua một yếu tố quan trọng khác là trí tuệ cảm xúc (EQ). Sau nhiều năm nghiên cứu hành vi của hơn 200 trẻ em, cùng với việc thực hành nuôi con, chuyên gia nuôi dạy con cái Reem Raouda đã phát hiện ra 7 chiến lược mà cha mẹ của những đứa trẻ có EQ cao áp dụng từ sớm. |
1. Họ hiểu sức mạnh của sự im lặng: Cha mẹ của những đứa trẻ EQ cao thường cho trẻ thời gian để tự mình xử lý cảm xúc, suy nghĩ và tìm cách vượt qua khó khăn. Khi trẻ buồn bã, thay vì vội vàng an ủi bằng lời nói, những bậc phụ huynh này hiểu rằng đôi khi, sự im lặng cũng là một cách thể hiện sự đồng cảm và tôn trọng không gian cảm xúc của trẻ. Họ tin rằng trẻ có khả năng tự khám phá và hiểu rõ cảm xúc của mình. Ảnh: Pexels. |
2. Họ thường xuyên chia sẻ cảm xúc của mình: Bằng cách chia sẻ cảm xúc qua lời nói, như "Mẹ đang cảm thấy thất vọng" hoặc "Mẹ đang rất vui", họ dạy cho con mình nhận thức về cảm xúc và đưa ra cho chúng những từ ngữ để diễn đạt bản thân. Điều này giúp trẻ nhìn nhận cảm xúc như một điều bình thường và chia sẻ chúng một cách cởi mở thay vì kìm nén. |
3. Họ xin lỗi con mình: Các phụ huynh cho con thấy rằng sai lầm là một phần của cuộc sống và biết chịu trách nhiệm là một điểm mạnh. Việc xin lỗi xây dựng lòng tin và thể hiện sự tôn trọng, khiến trẻ cảm thấy được trân trọng. Nó cũng thể hiện sự đồng cảm và dạy cho trẻ cách hàn gắn mối quan hệ. |
4. Họ không ép buộc "làm ơn", "cảm ơn" hoặc "xin lỗi": Điều này có vẻ không bình thường, nhưng họ biết rằng lòng tốt và sự tôn trọng không thể bị ép buộc. Thay vào đó, họ làm gương những hành vi này và tin tưởng rằng con sẽ noi theo. Nếu trẻ quên nói cảm ơn, cha mẹ sẽ nói thay cho chúng và bài học này sẽ "ngấm" dần theo thời gian. Tuy nhiên, cách này đòi hỏi sự can đảm và kiên nhẫn từ phụ huynh. |
5. Không phải lúc nào họ cũng đưa ra giải pháp: Cách tốt nhất để dạy trẻ kỹ năng ra quyết định là khuyến khích chúng tự đưa ra quyết định của mình. Thay vì giải quyết vấn đề, các phụ huynh sẽ hỏi "Con nghĩ chúng ta nên làm gì?". Điều này giúp tăng cường tư duy phản biện, sự tự tin và tính độc lập ở trẻ. |
6. Họ không gạt bỏ những lo lắng nhỏ nhặt: Họ coi trọng những mối lo ngại của con mình, dù đó là một món đồ chơi bị mất hay gặp rắc rối với bạn bè. Bằng cách xác nhận cảm xúc của trẻ, các phụ huynh cho con thấy rằng cảm xúc là quan trọng. Điều này nuôi dưỡng lòng tự trọng, sự an toàn về mặt cảm xúc và sự tôn trọng đối với trải nghiệm của chúng. |
7. Họ chấp nhận sự nhàm chán: Họ sẵn sàng đẻ trẻ cảm thấy nhàm chán, điều này giúp chúng cảm thấy thoải mái với sự tĩnh lặng, dần dần xây dựng khả năng sáng tạo, tự điều chỉnh và giải quyết vấn đề. Những đứa trẻ sẽ học cách tận hưởng sự cô đơn và tìm thấy niềm vui trong những khoảnh khắc đơn giản, như nhìn ra ngoài cửa sổ xe thay vì cần đến màn hình điện thoại. |
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/cha-me-cua-tre-eq-cao-thuc-hien-7-dieu-nay-tu-som-a113547.html