Trẻ em ăn thực phẩm, uống nước bị ô nhiễm, lẫn trứng giun hoặc không được nấu chín dễ mắc bệnh, nguy cơ nhiễm trùng giun sán. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Dinh, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết sau khi vào vật chủ, giun hấp thu vitamin, protein... khiến cơ thể trẻ suy dinh dưỡng, giảm sức đề kháng. Trường hợp nhiễm giun nặng, bé có thể bị tắc ruột, tắc hoặc nhiễm trùng ống dẫn mật, viêm tụy tạng.
Ấu trùng giun sán có thể di trú đến nhiều cơ quan khác ngoài đường tiêu hóa như mắt, phổi, não. Lúc này trẻ phải đối mặt với nhiều nguy cơ xuất huyết mắt, giảm thị lực, mù lòa, khó thở, viêm mũi, viêm màng não, rối loạn tri giác, liệt nửa người, hôn mê. Khi nhiễm giun, trẻ có một số triệu chứng như gầy yếu, đau bụng vùng rốn tái lại nhiều lần, rối loạn tiêu hóa, biếng ăn, khó ngủ, buồn nôn, nôn.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trẻ 12-23 tháng, trẻ 1-14 tuổi ở vùng có tỷ lệ nhiễm giun sán ở trẻ em hơn 20% nên tẩy giun 1-2 lần mỗi năm. Nếu ở vùng có tỷ lệ nhiễm giun sán hơn 50%, trẻ cần tẩy giun hai lần mỗi năm. Trẻ dưới 12 tháng tuổi không nên tẩy giun, ngoại trừ trường hợp có chỉ định đặc biệt của bác sĩ.
Uống thuốc giun khi cơ thể khỏe mạnh
Bác sĩ Dinh lưu ý phụ huynh nên cho bé uống thuốc giun khi khỏe mạnh. Hiện không có khuyến cáo trẻ phải kiêng tẩy giun khi có lịch tiêm chủng, bị sốt nhẹ hoặc đang điều trị bệnh mạn tính. Trường hợp trẻ đang mắc bệnh cấp tính nặng (sốt cao, nhiễm trùng nặng) hoặc đang điều trị một số bệnh mạn tính nặng (suy gan, suy thận giai đoạn cuối, ung thư...), phụ huynh nên hỏi ý kiến bác sĩ. Thuốc tẩy giun cần được sử dụng đúng liều lượng theo độ tuổi và cân nặng của trẻ để tránh gây hại gan.
Ăn nhẹ trước khi tẩy giun
Phụ huynh có thể cho trẻ ăn nhẹ trước khi uống thuốc tẩy giun. Thuốc có thể dùng sau bữa ăn chính 1-2 giờ. Sau uống thuốc, cha mẹ có thể cho trẻ uống thêm nước, sữa... để hỗ trợ cơ thể đào thải các chất cặn bã và thuốc dư thừa. Chế độ dinh dưỡng sau điều trị cần tăng ăn thực phẩm như thịt, cá, trứng, rau xanh và trái cây.
Theo dõi phản ứng của trẻ trong 24 giờ
Phụ huynh nên quan sát kỹ phản ứng của trẻ sau uống thuốc trong vòng 24 giờ. Những tác dụng phụ như mệt mỏi, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy... thường gặp và sẽ tự hết. Tuy nhiên, nếu bé có biểu hiện nổi mề đay, ngứa, khó thở, nôn ói nhiều... nên đưa bé đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị.
Trường hợp nghi ngờ trẻ nhiễm giun nặng hoặc có triệu chứng như sụt cân, chán ăn, cần đưa trẻ đi khám để kiểm tra phân hoặc máu. Bác sĩ xác định loại giun cụ thể và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, hiệu quả.
Để tránh lây nhiễm chéo giữa các loại giun, mỗi lần nên tẩy giun cho tất cả thành viên trong gia đình. Song song với tẩy giun bằng thuốc, phụ huynh nên hướng dẫn con giữ thói quen vệ sinh cá nhân sạch sẽ, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch ít nhất 20 giây trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, cắt móng tay chân sạch sẽ, không mút tay, cắn móng tay hoặc ngậm đồ chơi.
Tập cho trẻ thói quen mang dép, giày khi ra ngoài để tránh tiếp xúc trực tiếp với đất. Vệ sinh chăn gối, quần áo và các đồ dùng cá nhân của trẻ bằng nước nóng để tiêu diệt trứng giun. Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với môi trường đất cát bẩn, nước bị ô nhiễm.
Cha mẹ cho bé uống nước đun sôi để nguội, tránh uống nước từ các nguồn nước công cộng không được xử lý khử trùng. Không cho bé ăn các món sống, nhúng tái hoặc chưa được chế biến kỹ. Nên rửa sạch hoa quả dưới vòi nước chảy hoặc ngâm trong dung dịch rửa rau quả chuyên dụng.
Trịnh Mai
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/luu-y-khi-tay-giun-cho-tre-a113056.html