Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters. |
Gần đây, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đe dọa giành lại quyền kiểm soát kênh đào Panama, New York Times đưa tin. Dù không có căn cứ, ông cáo buộc Panama cho phép quân đội Trung Quốc nắm tuyến đường vận chuyển quan trọng này và tính phí quá cao với tàu thuyền Mỹ.
Ông Trump nói Panama tính phí tàu của Mỹ “cao cắt cổ” và cảnh báo nếu họ không giảm giá sau khi ông nhậm chức vào tháng 1/2025, Mỹ sẽ đòi lại kênh đào “toàn bộ, nhanh chóng và không cần bàn cãi”.
Hôm 25/12, ông Trump tiếp tục nhắc lại quan điểm này. Khi công bố lựa chọn cho vị trí Đại sứ Mỹ tại Panama Kevin Marino Cabrera, tổng thống đắc cử cáo buộc chính phủ Panama “lừa đảo chúng ta về kênh đào Panama, vượt xa những giấc mơ hoang đường nhất của họ”.
Trong một bài viết trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump chúc “những người lính tuyệt vời của Trung Quốc đang điều hành kênh đào” có một Giáng sinh vui vẻ. Ông cũng phàn nàn Mỹ “bỏ ra hàng tỷ USD” bảo trì kênh đào “nhưng không có quyền trong bất cứ chuyện gì”.
Ai sở hữu kênh đào Panama?
Mỹ xây dựng kênh đào Panama từ năm 1904-1914 và quản lý trong nhiều thập niên. Điều này dẫn tới căng thẳng với Panama trong nhiều năm. Vào năm 1964, các cuộc bạo loạn chống Mỹ đã nổ ra tại khu vực kênh đào.
Diễn biến này dẫn tới việc tái đàm phàn các hiệp ước về kênh đào Panama. Vào năm 1977, ông Carter cùng nhà lãnh đạo Omar Efraín Torrijos ký Hiệp ước Torrijos - Carter nhằm đảm bảo tính trung lập vĩnh viễn của kênh đào Panama. Sau một thời gian vận hành chung, các hiệp ước kêu gọi Mỹ từ bỏ quyền vào năm 2000.
Panama nắm quyền kiểm soát hoàn toàn vào năm 1999 và kể từ đó điều hành thông qua Cơ quan quản lý kênh đào Panama.
Ông Trump cáo buộc Panama tính phí tàu Mỹ “cao cắt cổ”. Ảnh: New York Times. |
Mặc dù chưa rõ lý do khiến ông Trump những ngày gần đây ám ảnh với kênh đào Panama, một số đảng viên Cộng hòa từ lâu đã phản đối đưa kênh đào cho Panama nắm giữ.
Khi tranh cử tổng thống Mỹ, ông Ronald Reagan tuyên bố người dân Mỹ “là chủ sở hữu hợp pháp của kênh đào” và nhận được sự hưởng ứng từ khán giả với câu nói: “Chúng ta đã mua nó, chúng ta đã trả tiền cho nó và chúng ta đã xây dựng nó”.
“Có một bộ phận đảng viên Cộng hòa luôn hoài nghi về quyết định này”, Ryan C. Berg - Giám đốc chương trình châu Mỹ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế - nhận định. “Những lời phàn nàn thường xuất hiện trong khoảng thời gian kỷ niệm, và hiện tại có vẻ lên tới đỉnh điểm vì vấn đề Trung Quốc và mong muốn cạnh tranh với Trung Quốc trong khu vực”.
Trong một tuyên bố hôm 22/12, Tổng thống Panama José Raúl Mulino khẳng định "mỗi m2 của kênh đào Panama và khu vực lân cận đều thuộc về PANAMA”.
Ông Mulino cho biết Panama không tính phí quá cao với tàu Mỹ và mức phí tính cho tàu thuyền và tàu hải quân “không hề ngẫu hứng”.
Theo một phát ngôn viên của ông Trump, Mỹ là quốc gia sử dụng kênh đào thường xuyên nhất nên việc tăng phí ảnh hưởng nhiều nhất tới họ.
Các quan chức Panama cho biết tất cả quốc gia chịu mức phí như nhau, tăng giảm tùy thuộc vào kích thước tàu. Ông Mulino nhấn mạnh con số này được Cơ quan quản lý kênh đào Panama công khai và tính đến các điều kiện thị trường, cạnh tranh quốc tế, chi phí vận hành và bảo dưỡng.
Tuy nhiên, mức phí gần đây đã tăng. Từ năm 2023, Panama trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng do El Niño và biến đổi khí hậu. Do mực nước tại hồ Gatun, nguồn dự trữ thủy văn chính của kênh đào, ở mức thấp kỷ lục, giới chức đã giảm lượng tàu thuyền qua kênh đào để bảo tồn nguồn nước ngọt của hồ.
Ông Trump vốn cho rằng biến đổi khí hậu là “trò lừa bịp”.
Trung Quốc có kiểm soát Kênh đào Panama không?
Quân đội Trung Quốc không “điều hành” kênh đào Panama như ông Trump tuyên bố.
“Không có lính Trung Quốc nào ở kênh đào. Thế giới được tự do di chuyển đến kênh đào”, ông Mulino phát biểu hôm 26/12.
Một công ty có trụ sở tại thành phố Hong Kong, CK Hutchison Holdings, quản lý hai cảng ở lối vào kênh đào. Một số chuyên gia cho rằng điều này làm dấy lên mối lo ngại về cạnh tranh và an ninh với Mỹ.
Ví dụ, ông Berg lưu ý công ty có thể nắm dữ liệu về tất cả tàu đi qua Kênh đào Panama, mang lại lợi thế về dữ liệu. Trung Quốc từng sử dụng vận chuyển và hàng hải để thu thập thông tin tình báo nước ngoài và tiến hành hoạt động gián điệp.
"Trung Quốc thực hiện hoặc có thể thực hiện một số yếu tố giám sát nhất định ngay cả khi không có xung đột quân sự", ông Berg cho biết. "Tôi nghĩ có lý do để (Mỹ) lo lắng".
Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn các hiệp ước trung lập hóa vĩnh viễn kênh đào Panama vào năm 1978. Ảnh: New York Times. |
Mao Ninh - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc - hôm 24/12 nhấn mạnh Bắc Kinh “sẽ luôn tôn trọng chủ quyền của Panama" đối với kênh đào.
Trung Quốc là quốc gia sử dụng kênh đào Panama lớn thứ hai sau Mỹ. Năm 2017, Panama cắt đứt quan hệ ngoại giao với đảo Đài Loan, công nhận chính sách “Một Trung Quốc” và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh.
Mỹ có thể lấy lại quyền kiểm soát không?
Ông Mulino nói rõ kênh đào Panama không phải để bán, lưu ý các hiệp ước đã thiết lập tính trung lập vĩnh viễn và "đảm bảo hoạt động mở và an toàn của kênh đào cho tất cả quốc gia". Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn các hiệp ước về kênh đào Panama vào năm 1978.
Mick Mulvaney - cựu Chánh văn phòng của ông Trump - nhận xét những tuyên bố khiêu khích chỉ là một phần của chiến thuật đàm phán giảm giá phí qua lại.
“Tôi không thể hình dung quân đội Mỹ sẽ tiến vào và chiếm lại kênh đào”, song cũng sẽ có người nào đó ngoài kia băn khoăn về những gì ông Trump dám làm, ông Mulvaney nói.
Trong khi đó, ông Berg nói thỏa thuận về tính trung lập khiến Panama khó cấp mức thuế đặc biệt cho Mỹ. Vị chuyên gia cũng đề cập ông Mulino “rất ủng hộ nước Mỹ” và có thể mong muốn giúp chính quyền Trump giải quyết các vấn đề như nhập cư bất hợp pháp.
“Tổng thống Mulino sẽ là đồng minh tuyệt vời của Mỹ”, ông Berg cho biết. “Chúng ta không nên biến chuyện này thành xung đột chính trị vì chúng ta sẽ cần Tổng thống Mulino trong một số vấn đề”.
Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế
Mục Thế giới giới thiệu cuốn “Quốc gia thăng trầm: Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế” được NXB Thế giới cho ra mắt vào năm 2018. Tác phẩm làm rõ sự phát triển và đi xuống của nền kinh tế thế giới từ cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2000. Cuốn sách vạch ra 10 quy luật để nhận diện về chu kỳ kinh tế dẫn đến vận mệnh tăng trưởng hay suy thoái của một quốc gia.
> Độc giả có thể xem thêm tại đây.
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/vi-sao-ong-trump-bong-dung-muon-doi-lai-kenh-dao-panama-a112915.html