Bộ Y tế đề xuất hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí cho sinh viên ngành Y. Ảnh minh họa: HIU. |
Theo báo cáo của Bộ Y tế, cả nước có 214 cơ sở đào tạo nhân lực y tế, gồm 66 trường đại học, 139 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, 9 viện nghiên cứu (đào tạo tiến sĩ). Bộ Y tế quản lý 22 trường và viện. Số bác sĩ tốt nghiệp năm 2023 là 11.297; số dược sĩ tốt nghiệp là 8.470 và số điều dưỡng tốt nghiệp là 18.178.
Quy mô nhân lực y tế của Việt Nam tăng 2,33% trong 10 năm qua. Tuy nhiên, Bộ Y tế đánh giá con số này không đáng kể. Tổng số nhân lực ngành y tế hiện khoảng 431.700 người, thấp hơn nhiều so với mức 632.500 người trong quy hoạch phát triển nguồn nhân lực y tế giai đoạn 2011-2020.
Trước tình hình trên, tại hội nghị triển khai công tác Y tế năm 2025 của Bộ Y tế, bộ này đề xuất Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu để sinh viên Y, Dược được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu của cơ sở đào tạo, được cấp sinh hoạt phí trong thời gian học tập.
Với đề xuất này, đại diện các trường đào tạo khối ngành sức khỏe và chuyên gia bày tỏ nhiều quan điểm khác nhau.
Học y tốn kém cả thời gian, tiền bạc
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng Đại học Y Dược, Đại học Thái Nguyên, bày tỏ sự ủng hộ với đề xuất miễn học phí 100% và hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên ngành Y của Bộ Y tế. Theo ông Dũng, đây là giải pháp mạnh để khích lệ, thu hút nguồn nhân lực y tế trình độ cao, có chất lượng.
“Bản thân ngành Y luôn được Đảng, Nhà nước khẳng định là ngành nghề đặc biệt, được đào tạo, thu hút, đãi ngộ đặc biệt. Đề xuất của Bộ Y tế là thực hiện hóa điều đó”, ông Dũng nói.
Tuy nhiên, cũng theo vị hiệu trưởng, để đảm bảo hiệu quả, chính sách này cần đi kèm với các cam kết cụ thể từ sinh viên.
“Phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng để ban hành chính sách tổng thể. Đề xuất có ý nghĩa tốt đẹp, nhưng để đi vào thực hiện thì phải có sự thống nhất của bộ ngành liên quan, đảm bảo thu hút được người học, đồng thời không lãng phí nguồn lực của xã hội”, theo vị hiệu trưởng.
Chung quan điểm, PGS.TS Lê Thanh Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Điều dưỡng Nam Định, cũng cho rằng việc hỗ trợ học phí cho sinh viên ngành Y là một giải pháp tốt.
Giải thích lý do ủng hộ đề xuất của Bộ Y tế, ông Tùng nêu rằng ngành Y là ngành học rất tốn kém, khối lượng học tập rất nặng. Để theo đuổi ngành này, sinh viên phải dành rất nhiều thời gian, tâm sức và cả tiền bạc. Nếu không có hỗ trợ học phí, sinh viên sẽ khó theo học, nhất là ở những ngành “kém hấp dẫn” như phong, lao, tâm thần…
PGS Tùng cũng đề cập đến công tác tự chủ ở các trường đại học hiện nay. Ví dụ, Đại học Điều dưỡng Nam Định đang tự chủ ở mức 3 nên vẫn nhận một phần hỗ trợ từ nhà nước. Nhưng với các trường đã tự chủ toàn phần - mức học phí được xây dựng dựa trên chi phí đào tạo, học phí có thể lên đến 60-80 triệu đồng. Điều này cũng gây ra áp lực cho người học vì không gánh được chi phí đào tạo.
Do đó, PGS ủng hộ đề xuất hỗ trợ học phí cho sinh viên Y do Bộ Y tế đưa ra. Ông tin rằng đề xuất có thể giảm áp lực học phí cho sinh viên, giúp các bạn yên tâm theo đuổi ngành học.
Một số chuyên ngành đặc thù đã được miễn học phí theo Nghị định 81 như Lao, Phong, Tâm thần, Giám định pháp y... Ảnh: ĐH Phan Châu Trinh. |
Liệu có mất công bằng?
Tại Việt Nam, ngành Y luôn là ngành học nằm trong tốp “hấp dẫn” đối với thí sinh. Minh chứng là điểm chuẩn vào các trường y luôn rất cao, đặc biệt ở ngành Y khoa. Trung bình, thí sinh phải đạt từ 9,1-9,6 điểm mới có thể trúng tuyển vào ngành này ở các trường đại học lớn trên cả nước.
Một thực tế khác là chính sách ưu đãi học phí cho sinh viên ngành Y đã được áp dụng, chỉ là được giới hạn ở một số ngành nhất định. Cụ thể, nghị định số 81/2021/NĐ-CP nêu rằng học sinh, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh học một trong các chuyên ngành Lao, Phong, Tâm thần, Giám định pháp y, Pháp y tâm thần và Giải phẫu bệnh tại các cơ sở đào tạo nhân lực y tế công lập theo chỉ tiêu đặt hàng của Nhà nước được miễn học phí.
Đó cũng là lý do TS Lê Viết Khuyến, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, không ủng hộ đề xuất của Bộ Y tế. Vị tiến sĩ nhìn nhận ngành nghề nào cũng quan trọng như nhau. Sinh viên đi học phải có nghĩa vụ đóng học phí. Miễn học phí ngành Y, Dược sẽ tạo nên sự không công bằng với các ngành nghề khác.
Ông cũng cho rằng ngành Y, Dược nói chung không phải ngành cực kỳ khó khăn. Đây thậm chí còn là ngành hot, không khó để tuyển sinh nên không thể cào bằng, miễn toàn bộ học phí. Nguyên tắc chung phải công bằng, bình đẳng.
Ngoài ra, theo ông Khuyến, nếu phúc lợi xã hội cao, việc miễn hoặc giảm học phí hoàn toàn có thể thực hiện. Tuy nhiên, phúc lợi xã hội của nước ta còn thấp, việc miễn học phí chưa khả thi, có thể gây áp lực lớn lên ngân sách Nhà nước.
“Miễn học phí cũng rất cần thiết, nhưng sự ưu tiên ấy nên dành cho đúng người, đúng việc, không nên đại trà. Những em thiệt thòi, gia đình khó khăn, có công với đất nước hoặc là những ngành khó tuyển sinh nhưng nhà nước cần mới là những trường hợp cần được miễn học phí”, ông Khuyến nhấn mạnh.
Vị này đề xuất thay vì miễn 100% học phí, nên thay bằng chính sách cấp học bổng, vay vốn cho sinh viên hoàn cảnh khó khăn, có năng lực học tập tốt, vượt trội. Bên cạnh đó có thể xem xét ưu đãi học phí và hỗ trợ sinh hoạt phí với trường hợp sinh viên cam kết ra trường làm việc theo sự phân công, phân bổ của Nhà nước về các vùng sâu, vùng xa.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/co-cong-bang-neu-mien-hoc-phi-nganh-y-duoc-a112235.html