Phát hiện bệnh hiểm nghèo từ triệu chứng quen thuộc

AnhTừ biểu hiện lạnh cóng bàn tay vào mùa đông, Scott Nell, 47 tuổi, phát hiện mình mắc chứng xơ cứng bì toàn thân nghiêm trọng.

Tình trạng này tàn phá nhiều cơ quan như phổi, đường tiêu hóa, tim và thận. Nó cũng khiến da dày, viêm và căng. Ở một số bệnh nhân, tứ chi cực kỳ nhạy cảm với nhiệt độ thấp, do các mạch máu nhỏ ở tay bị co lại. Triệu chứng có thể xuất hiện vài tháng, đôi khi vài năm trước khi các dấu hiệu khác biểu hiện rõ ràng.

Nell quyết định chia sẻ câu chuyện hôm 22/12 để nâng cao nhận thức về căn bệnh này.

Tháng 11/2017, ông bắt đầu cảm thấy lạnh bất thường ở tay khi làm việc dưới trời tuyết. Các ngón tay chuyển trắng bệch, căng cứng, khiến ông phải đi khám. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân có yếu tố SCL70, một dấu hiệu của bệnh xơ cứng bì.

Đến tháng 3/2018, Nell bị khó thở về đêm. Ngay khi ông nghiêng người sang một bên, đường thở lập tức đóng lại. Ông cố gắng ngủ ngồi nhưng không hiệu quả. Các bác sĩ kê đơn morphin để cải thiện khó thở, nhưng Nell được khuyên đến gặp bác sĩ chuyên khoa. Lúc này, ông mới được chính thức chẩn đoán mắc bệnh xơ cứng bì toàn thân khuyếch tán, một dạng rất nặng của bệnh.

Scott Nell, 47 tuổi, phát hiện bản thân mắc bệnh đa xơ cứng từ triệu chứng lạnh tay. Ảnh: Scott Nell

Scott Nell, 47 tuổi, phát hiện bản thân mắc bệnh đa xơ cứng từ triệu chứng lạnh tay. Ảnh: Scott Nell

Tình trạng này ảnh hưởng đến khoảng 19.000 người Anh, có thể gây tàn tật và nguy hiểm đến tính mạng. Sau khi được chẩn đoán, Nell phải hóa trị để làm mềm da và mô xung quanh cơ quan nội tạng. Liệu pháp không mạnh như với bệnh nhân ung thư, ông rụng ít tóc. Bên cạnh đó, ông phải uống thêm khoảng 250 viên thuốc mỗi tuần.

"Tôi đang uống thuốc để ngăn tiêu chảy, ngăn nôn mửa, thuốc ức chế miễn dịch. Rất nhiều. Tôi nghĩ một số loại thuốc của tôi là để chống lại cảm giác ốm yếu từ các loại thuốc khác", ông chia sẻ.

Nell cũng cần sử dụng bình oxy để trợ thở. Ông chỉ có thể ngủ ở ghế sofa. Tình trạng khiến da Nell căng cứng. Ông khuyên những người cùng bệnh không hoảng sợ, kiên trì đi khám đến khi được chẩn đoán chính xác.

"Luôn có những phương pháp điều trị mới ra đời. Chẩn đoán sớm là chìa khóa. Điều trị càng sớm, thời gian sống sót càng lâu, bạn càng có nhiều thời gian với gia đình", Nell nói.

Thục Linh (Theo Daily Mail)

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/phat-hien-benh-hiem-ngheo-tu-trieu-chung-quen-thuoc-a111125.html