Chữa đột quỵ bằng "ho mạnh, sấy vào gáy", bác sĩ lên tiếng

BS. Mạnh khẳng định việc ho mạnh hay sấy vào gáy đều không có tác dụng chữa đột quỵ như thông tin lan truyền trên mạng.

Làm chậm "giờ vàng" cứu chữa

Thời gian gần đây, thời tiết đang trong những ngày giá lạnh, nhiệt độ thấp và không khí lạnh kéo dài là tác nhân khiến nhiều bệnh lý gia tăng, đặc biệt là đột quỵ.

Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền một bài viết liên quan đến đột quỵ thu hút sự chú ý, chia sẻ của nhiều người.

Theo đó, tài khoản có tên T.Đ.C. viết: "Dạo này đột quỵ, tai biến nhiều quá. Giờ các bạn bỏ túi nè: Nạn nhân phải cố gắng ho thật mạnh khi cảm thấy tê và đau bất cứ cánh tay nào. Người thân lấy ngay cái máy sấy tóc làm ấm phần gáy lên đến đoạn đầu và toàn thân để đánh tan cục máu đông. Biết thì chích lễ để giải tỏa áp lực máu".

Chữa đột quỵ bằng "ho mạnh, sấy vào gáy", bác sĩ lên tiếng- Ảnh 1.

Thông tin lan truyền trên mạng xã hội (Ảnh: Chụp màn hình).

Trước thông tin này, chia sẻ với Người Đưa Tin, Ths.BS Đoàn Dư Mạnh - Thành viên Hội Bệnh Mạch máu Việt Nam cho hay, khi xảy ra đột quỵ, việc sơ cứu đúng sẽ giúp nạn nhân tránh khỏi những di chứng nặng nề. Ngược lại, sơ cứu sai có thể để lại hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là đe dọa tính mạng.

BS. Mạnh khẳng định việc ho mạnh hay sấy vào gáy đều không có tác dụng chữa đột quỵ như thông tin lan truyền trên mạng.

"Trong trường hợp bệnh nhân xảy ra đột quỵ làm những việc này thậm chí còn làm chậm "giờ vàng" cấp cứu cho bệnh nhân", BS. Mạnh nói.

Theo BS.Mạnh, mọi người đang bị hiểu lầm đột quỵ và cảm lạnh (trúng gió). Trường hợp cảm lạnh do đi ra ngoài về hoặc tắm lạnh xong có triệu chứng hơi đau đầu tê người do lạnh. Nếu dùng máy sấy làm ấm cơ thể sẽ có cảm giác dễ chịu hơn.

Nếu thực sự bệnh nhân bị đột quỵ não, nhồi máu cơ tim thì ho và sấy không có tác dụng. Thực hiện những mẹo này sẽ làm chậm thời gian cấp cứu, bệnh nhân tử vong nhanh hơn.

Phòng đột quỵ trong mùa lạnh

Ths.BS. Nguyễn Minh Anh - Trung tâm Đột Quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, đột quỵ là tổn thương tại não, dấu hiệu diễn ra rất nhanh, chậm cấp cứu có thể tử vong hoặc di chứng tàn phế.

Nguyên nhân trời lạnh khiến số ca đột quỵ tăng là do nhiệt độ thấp có thể làm mạch máu co lại, gây tăng huyết áp, máu cô đặc dẫn đến hình thành cục máu đông gây đột quỵ. Trong mùa này, nhiều người lười vận động, tập thể thao hơn, có thể là một yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ.

Triệu chứng của trúng gió là cảm giác bủn rủn, mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt. Người bệnh có thể thêm triệu chứng sổ mũi, gai rét, sốt nhẹ.

BS. Minh Anh, đột quỵ là vấn đề xảy ra ở não, biểu hiện khu trú hơn, nhanh hơn. Dấu hiệu được gói gọn trong 4 chữ: FAST.

Chữa đột quỵ bằng "ho mạnh, sấy vào gáy", bác sĩ lên tiếng- Ảnh 2.

Đột quỵ là tổn thương tại não, dấu hiệu diễn ra rất nhanh.

FACE: Miêu tả sự biến đổi của khuôn mặt, bệnh nhân có thể bị liệt, méo miệng, nhân trung (đoạn nối giữa điểm dưới mũi đến môi trên) bị lệch, thể hiện rõ nhất khi bệnh nhân cười mở miệng lớn. Khi đó, bạn yêu cầu người bệnh nói xem mặt có lệch, miệng méo không.

ARM: Bệnh nhân cử động khó hoặc không thể cử động tay chân, tê liệt 1 bên cơ thể. Cách xác nhận nhanh chóng nhất là yêu cầu bệnh nhân giơ 2 tay lên cùng lúc, cân bằng. Nếu 1 tay thấp hơn hoặc không thể giơ lên được bạn nghĩ ngay tới đột quỵ.

SPEECH: Bệnh nhân khó nói, phát âm không rõ, nói dính chữ, nói ngọng bất thường. Bạn kiểm tra bằng cách yêu cầu người nghi ngờ bị đột quỵ lặp lại một câu đơn giản. Bạn xem người bệnh nói có tròn vành rõ chữ như thường ngày không. Hoặc người bệnh hơi lú lẫn nói không liên quan như hỏi tên nhưng trả lời tuổi.

Nếu 1 người có 1 trong 3 dấu hiệu trên thì khả năng 70% là đột quỵ não. Khi đó, bạn phải thực hiện chữ T cuối cùng.

TIME: Khi ai đó xuất hiện đột ngột các triệu chứng trên hãy nhanh chóng gọi 115 hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Khi cơn đột quỵ xảy ra, cứ mỗi phút trôi qua sẽ làm mất 2 triệu tế bào thần kinh. Do đó, phải tiếp cận điều trị càng sớm càng tốt. Tuyệt đối không áp dụng các mẹo điều trị, uống bất cứ loại thuốc gì làm chậm quá trình can thiệp cho nạn nhân.

Tập thể dục vào mùa đông, bác sĩ lưu ý thế nào để phòng đột quỵ?

Các chuyên gia cho rằng, mùa lạnh dễ bị đột quỵ do nhiệt độ giảm xuống, cơ thể con người có phản xạ tăng tiết catecholamine làm co các mạch máu ngoại vi để giữ nhiệt làm ấm cơ thể. Khi co mạch sẽ làm tăng trương lực mạch máu dẫn đến huyết áp tăng cao.

Điều này khiến cho người bệnh dễ bị chảy máu trong não, gây nên xuất huyết não, đặc biệt ở người bệnh có kèm theo xơ vữa động mạch.

Để phòng đột quỵ trong mùa lạnh, việc giữ ấm cơ thể là rất cần thiết. Trong những ngày rét đậm, nếu không có việc cần thiết, nên tránh đi ra ngoài trời lạnh, mặc nhiều lớp áo để giữ ấm, tránh uống đồ lạnh, đồ uống có cồn, giữ ấm cơ thể, ăn uống đầy đủ.

Khi người dân thấy có những dấu hiệu sau cần được xử trí và đưa đến cơ sở y tế nhanh nhất có thể: Đột ngột mất thăng bằng, chóng mặt, đau đầu dữ dội và mất khả năng phối hợp vận động; mờ mắt (giảm thị lực) hoặc mất hoàn toàn thị lực của 1 hoặc cả 2 mắt; 

Bị liệt, méo miệng, nhân trung (đoạn nối giữa điểm dưới mũi đến môi trên) bị lệch, thể hiện rõ nhất khi bệnh nhân cười mở miệng lớn; cử động khó hoặc không thể cử động tay chân, tê liệt 1 bên cơ thể.

Cách xác nhận nhanh chóng nhất là yêu cầu bệnh nhân giơ 2 tay lên và giữ lại cùng 1 lúc; Khó nói, phát âm không rõ, nói dính chữ, nói ngọng bất thường, có thể kiểm tra bằng cách yêu cầu người nghi ngờ bị đột quỵ lặp lại một câu đơn giản bạn vừa nói.

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/chua-dot-quy-bang-ho-manh-say-vao-gay-bac-si-len-tieng-a110952.html