Một số KOL Trung Quốc đã chi 2.500 USD để thuê phòng hội nghị của Liên Hợp Quốc và 49.999 USD để tham dự lễ nhậm chức của Trump. Tất cả đều nhằm nỗ lực trau dồi "hình ảnh tinh anh". Ảnh: SCMP. |
Shirley Lin, một sinh viên 22 tuổi tại Đại học New York, sở hữu hơn 7,2 triệu người theo dõi trên Douyin, phiên bản TikTok tại Trung Quốc. Lin thường chia sẻ về cuộc sống sinh viên và tài năng âm nhạc của mình.
Nhưng điều khiến cô thực sự thu hút sự chú ý chính là những khoảnh khắc xuất hiện bên cạnh các nhân vật tầm cỡ thế giới. Cô từng đăng tải video dùng bữa cùng tỷ phú Bill Gates và tham dự sự kiện cùng ngôi sao Eileen Gu.
“Mua” cơ hội xuất hiện tại các sự kiện danh giá
Ngày 2/11, Lin đăng tải đoạn video cô phát biểu tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York về chủ đề "Lãnh đạo trẻ" (Youth Leadership). Đoạn video nhanh chóng đạt hơn 2 triệu lượt thích trong vòng một tuần. Nhiều bình luận bày tỏ sự ngưỡng mộ với cô gái trẻ.
Một người dùng viết: “Lin thật hoàn hảo - vừa đẹp, giỏi tiếng Anh, lại còn phát biểu tại tổ chức danh giá như Liên Hợp Quốc. Đúng là hình mẫu lý tưởng của sự thành công”.
Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến trái chiều. Một số cư dân mạng cho rằng những trải nghiệm của Lin mang tính dàn dựng hơn là thực chất. Họ chỉ ra rằng các cơ hội phát biểu và chụp ảnh tại Liên Hợp Quốc có thể được mua bằng tiền.
Lin đăng tải đoạn video cô phát biểu tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York. Ảnh: Shirley Lin/Xiaohongshu. |
Theo trang web chính thức của Liên Hợp Quốc, du khách có thể tham quan trụ sở với mức phí 26 USD/người hoặc tham gia các buổi thảo luận nội bộ với giá từ 165 USD. Tại đây, họ được nghe giới thiệu về các hoạt động như gìn giữ hòa bình hay phát triển bền vững.
Ngoài ra, hãng tin Vista Hydrogen Business nội địa cho biết việc thuê một phòng hội nghị tại Liên Hợp Quốc để tổ chức sự kiện có giá 2.500 USD/ngày.
Do đó, sự xuất hiện của Lin tại Liên Hợp Quốc được nhiều người xem là cách cô xây dựng hình ảnh “tầng lớp tinh anh”. Một bình luận nhận xét: “Trong khi đa số mọi người dành cả đời để đạt được những điều bình thường, Lin chỉ cần những chiêu trò như ‘ăn tối cùng Bill Gates’ hay ‘phát biểu tại Liên Hợp Quốc’ để biến mình thành biểu tượng thành công, khơi dậy sự tò mò và mong muốn đạt được thành tích cao của công chúng”.
Theo SCMP, Lin không phải là trường hợp duy nhất. Gần đây, một tấm poster được lan truyền trên mạng xã hội Xiaohongshu, quảng cáo các ghế ngồi hàng đầu tại lễ nhậm chức của ông Donald Trump vào tháng 1/2025 với giá 49.999 USD, bao gồm cả nhiếp ảnh gia riêng. Một công ty du lịch xác nhận rằng các vé này đã được bán hết.
Hay đơn cử như Xinxuan, một KOL âm nhạc kiêm sinh viên y khoa tại Đại học Bắc Kinh. Ngày 5/11, cô chia sẻ về trải nghiệm tham gia một buổi họp mô phỏng đàm phán giữa Liên Hợp Quốc và WHO về vấn đề kháng kháng sinh tại Geneva.
Nhiều người đã ca ngợi thành tựu của Xinxuan và tìm kiếm lời khuyên về cách xin thực tập tại các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, theo trang web chính thức của Liên Hợp Quốc, thực tập tại đây thường không được trả lương. Chương trình này dành cho sinh viên đại học hoặc sau đại học, kéo dài từ 3-6 tháng với các nhiệm vụ như quản lý mạng xã hội, nghiên cứu dự án và sản xuất video.
Dù vậy, một số công ty tư vấn tại Trung Quốc vẫn cung cấp dịch vụ hỗ trợ xin thực tập với giá lên đến 34.800 nhân dân tệ (khoảng 4.800 USD), bao gồm khâu chuẩn bị hồ sơ, chỗ ở và hướng dẫn phỏng vấn. Song, Liên Hợp Quốc khẳng định không thu bất kỳ khoản phí nào trong quá trình tuyển dụng.
“Tầng lớp tinh anh” mới trên mạng xã hội
Một số phương tiện truyền thông Trung Quốc còn tiết lộ rằng thực tập có lương là một “bí mật mở”, là điều ai cũng biết, trong ngành tài chính và công nghệ.
Xinxuan đã thực tập trong một cuộc họp mô phỏng do Liên Hợp Quốc và WHO tổ chức. Ảnh: Xinxuan/Xiaohongshu. |
“Việc sinh viên chi 20.000-50.000 nhân dân tệ để được thực tập tại các công ty danh tiếng nhằm cải thiện hồ sơ của họ là điều rất bình thường”, một nhà tư vấn du học ở Trung Quốc nói với SCMP.
Những câu chuyện xoay quanh trào lưu xây dựng hình ảnh “tầng lớp tinh anh” đã tạo nên những cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội Trung Quốc. Một bình luận phổ biến trên WeChat viết: “Thay vì ghen tị với người khác, hãy tập trung vào nỗ lực của chính mình. Những hình tượng ‘thượng lưu’ trên mạng giống như những hoàng tử và công chúa trong truyện cổ tích - phần lớn chỉ là hư cấu. Thành công thực sự không cần phô trương”.
Một số ý kiến khác bày tỏ sự bất bình khi các giá trị cao cả của Liên Hợp Quốc bị lợi dụng. Một người dùng viết: “Nhân viên Liên Hợp Quốc làm việc không ngừng để chống lại đói nghèo toàn cầu và hỗ trợ người tị nạn, nhưng nỗ lực của họ lại bị một số người sử dụng tiền bạc để xây dựng hình ảnh cá nhân. Thật mỉa mai!”.
Ngược lại, một cư dân mạng nhận xét: “Dù động cơ của những KOL này là gì, họ đã giúp tăng cường sự chú ý đến các hoạt động của Liên Hợp Quốc, khiến nhiều người hiểu và ủng hộ tổ chức này hơn”.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/cach-phong-bat-moi-cua-kol-trung-quoc-a108727.html