'Nâng' điểm học bạ cho học sinh đang được 'bình thường hóa'?

Việc nâng điểm cho học sinh đang dần trở thành "luật ngầm" ở trường học, khiến cho điểm học bạ ngày càng "lạm phát" và ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào đại học.

Cô K.A. nhận thấy việc nâng điểm cho học sinh đang dần trở thành điều bình thường ở trường học. Ảnh: Duy Hiệu.

Những ngày gần đây, ngành giáo dục liên tục thảo luận về việc Bộ GD&ĐT dự kiến siết xét tuyển sớm và đưa ra kế hoạch thay đổi trong việc xét học bạ. Đọc những bài viết nói về vấn đề này, tôi chỉ nghĩ: “Đáng ra việc này nên được thực hiện sớm hơn".

Điểm học bạ "tăng phi mã"

Điểm trung bình vốn là yếu tố đánh giá khả năng học tập, rèn luyện của học sinh theo cách khách quan và công bằng. Nhưng những năm gần đây, khi xét tuyển học bạ nở rộ, tôi thấy phần điểm này không còn công bằng nữa vì được “nâng” một cách vô lý.

Tôi là giáo viên bộ môn, chỉ phụ trách một số lớp nhất định. Vào dịp cuối kỳ hoặc cuối năm học, giáo viên chủ nhiệm của các lớp lại gặp riêng tôi, ngỏ ý nhờ tôi “hỗ trợ nâng điểm” cho các học sinh với lý do “điểm các cháu ổn thì mới yên tâm xét học bạ được”.

Thậm chí, một phụ huynh từng đến tận nhà tìm tôi, mang theo quà để nhờ tôi nâng điểm cho con, nhưng tôi từ chối. Đến khi ra về, phụ huynh đó vẫn nói “trăm sự nhờ cô giáo”. Tôi cũng không hiểu vì sao trăm sự nhờ tôi, trong khi việc học là nhiệm vụ của con họ.

Thời gian đầu dạy học, tôi chưa có kinh nghiệm nên từ chối mọi lời nhờ vả nâng điểm. Nhưng dần dần, tôi nhận thấy việc “cải thiện điểm số cho học sinh” đã và đang trở thành “luật ngầm” trong trường học. Không riêng tôi, giáo viên ở nhiều trường khác cũng làm điều tương tự, thậm chí nâng điểm rất mạnh tay. Nên nếu tôi không làm, tôi sẽ trở thành người lạc loài.

Vì thế, tôi cũng bắt đầu quen với việc nâng điểm cho học sinh, từ điểm kiểm tra miệng cho đến điểm các bài kiểm tra 15 phút và một tiết trên lớp. Nhưng tôi nâng điểm vẫn có chọn lọc, chỉ nâng cho những học sinh thực sự có khả năng học tập, nhưng chưa thể hiện tốt trong các bài kiểm tra. Tôi không thể biến một học sinh học lực trung bình trở thành học sinh khá giỏi được. Tôi không làm như vậy vì điều đó là gây hại cho các em, khiến các em nghĩ bản thân mình đã giỏi rồi bỏ bê việc học.

xet tuyen hoc ba anh 1

Cô K.A. không ủng hộ việc xét tuyển học bạ rộng rãi như hiện nay. Ảnh minh họa: Khương Nguyễn.

Bộ GD&ĐT cần mạnh tay hơn

Nhiều năm qua, xét tuyển đại học bằng học bạ vẫn luôn gây tranh cãi, nhưng các trường đại học vẫn sử dụng, thậm chí áp chỉ tiêu khá lớn. Tôi hiểu vì sao các trường làm như vậy.

Bây giờ, đại học trong nước không phải là con đường duy nhất của học sinh. Các em có thể đi du học, xuất khẩu lao động hoặc học nghề để đi làm nhanh hơn. Đại học công lập tồn tại mạnh mẽ, đại học tư thục lại mọc lên như nấm, nhưng số thí sinh có nguyện vọng đại học tăng không nhiều, khiến cung bắt đầu lớn hơn cầu. Khi cung lớn hơn, một số trường buộc phải tìm cách để thu hút người học, và phương thức xét tuyển học bạ chính là giải pháp tối ưu nhất.

Cá nhân tôi nghĩ hiện tượng nâng điểm học bạ hàng loạt như hiện tại cũng có một phần lỗi của các trường. Khi các trường đặt ra chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ - có thể xét kết hợp cùng yếu tố khác hoặc xét độc lập - học sinh sẽ muốn cải thiện điểm tổng kết năm học để nâng cao cơ hội trúng tuyển. Khi đó, giáo viên - những người rất quan tâm đến cơ hội vào đại học của học sinh - sẽ tìm cách để hỗ trợ các em làm đẹp học bạ.

Tôi cũng thấy việc xét tuyển sớm bằng học bạ của nhiều trường hiện nay chưa thực sự ổn. Các trường thường cho phép học sinh nộp hồ sơ ngay trong năm học và chỉ sử dụng điểm của 5 học kỳ (trừ học kỳ 2 lớp 12). Chuyện này bất cập ở chỗ học sinh có thể có tâm lý chểnh mảng việc học ở học kỳ còn lại, trong khi học kỳ đó rất quan trọng vì là giai đoạn nước rút để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Do đó, khi Bộ GD&ĐT có kế hoạch siết chỉ tiêu xét tuyển sớm và đặt lại quy định xét học bạ, tôi rất ủng hộ và mong bộ xúc tiến kế hoạch này càng sớm càng tốt. Bản thân tôi cũng mong bộ mạnh tay hơn nữa trong công tác quản lý xét tuyển học bạ ở các trường, tránh để tình trạng đầu vào thả cửa, khiến học sinh thiếu kỹ năng, kiến thức rồi khó theo đuổi chương trình đại học.

Ngoài ra, tôi cũng muốn gửi gắm kỳ vọng đến các trường đại học về việc cân nhắc lại công tác xét tuyển học bạ. Thay vì xét học bạ độc lập như một số trường đang làm hiện nay, tôi mong đầu điểm này chỉ nên là yếu tố phụ, hoặc trở thành một dạng điểm cộng trong tuyển sinh, giống như cộng điểm vùng, miền hoặc điểm ưu tiên.

Về phía các học sinh, tôi mong các em hiểu rằng việc học ở trường là vì bản thân và tương lai của các em. Do đó, thay vì trông đợi vào việc được giáo viên nâng điểm để dễ vào đại học, các em nên đặt mục tiêu rèn luyện từ sớm, vừa cải thiện điểm số, vừa nâng cao kiến thức để hoàn thành tốt trong các bài thi vào đại học.

Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.

Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.

Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/nang-diem-hoc-ba-cho-hoc-sinh-dang-duoc-binh-thuong-hoa-a108285.html