Nam sinh Sư phạm là Á vương Sinh viên thanh lịch 2024

Nguyễn Tùng Sơn - sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội - là Á vương 1 cuộc thi Sinh viên thanh lịch năm nay.

Chau Nguyen Tung Son anh 1

Vượt qua gần 200 thí sinh đến từ 40 trường đại học, cao đẳng, học viện trên cả nước, Nguyễn Tùng Sơn (21 tuổi) giành danh hiệu Á vương 1 Sinh viên thanh lịch năm 2024. Đây là cuộc thi do Đoàn Thanh niên Khối các cơ quan Trung ương phối hợp với Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức. Tùng Sơn quê ở Nghệ An, hiện là sinh viên năm 4, ngành Sư phạm Ngữ văn tại Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Chau Nguyen Tung Son anh 4

Sơn cho hay Sinh viên thanh lịch có nhiều vòng thi với nhiều thử thách khác nhau. Ở vòng sơ khảo, nam sinh chọn hát dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh để thể hiện tài năng và trả lời câu hỏi của ban giám khảo. “Mình may mắn vì gây ấn tượng với ban giám khảo nhờ chia sẻ câu chuyện bản thân từng bị trầm cảm và vượt qua nó”, nam sinh nói. Ngoài ra, trước đây, Sơn cũng rất nhút nhát, gặp áp lực khi nhiều người không ủng hộ việc con trai theo đuổi môn Ngữ văn. Sau khi tham gia các cuộc thi học sinh giỏi và đoạt giải, nam sinh mới tự tin hơn để theo đuổi ước mơ trở thành giáo viên Ngữ văn. Ảnh: NVCC.

Chau Nguyen Tung Son anh 5

Ở vòng bán kết, Sơn trải qua 3 vòng thi gồm hô tên, trình diễn trang phục dân tộc và phần thi tài năng. Khác với những thí sinh còn lại, Sơn chọn diễn xướng hầu đồng Chầu Bé Bắc Lệ. Nam sinh nói từng đắn đo khá nhiều trước khi chọn tiết mục này bởi phải hóa thân thành cô đồng. “Tuy nhiên, mình thấy diễn xướng hầu đồng có giá trị văn hóa, là nét đẹp trong thực hành tín ngưỡng nên chọn vì muốn lan tỏa đến nhiều người”, Sơn nói. Ảnh: NVCC.

Chau Nguyen Tung Son anh 8

Chia sẻ thêm về ước mơ trở thành giáo viên của mình, Tùng Sơn cho hay từ bé đã được truyền cảm hứng từ bố là giáo viên tiểu học và các giáo viên dạy Ngữ văn và Lịch sử năm cấp 3. Nam sinh cũng muốn trao đi những kiến thức, kinh nghiệm của mình cho các thế hệ tiếp nối. Dù vậy, Sơn thừa nhận học Sư phạm Ngữ văn rất khó bởi lượng kiến thức nhiều, sinh viên phải chủ động tìm tòi, nghiên cứu, giảng viên đóng vai trò định hướng. Ngoài ra, học sư phạm còn phải chú trọng nghiệp vụ sao cho chỉn chu. Ảnh: Ngọc Trang.

Chau Nguyen Tung Son anh 9

Năm nhất, chưa quen cách học, Sơn khá chật vật, phải hỏi kinh nghiệm của anh chị khóa trước để thích nghi. Đến bây giờ, để học tốt, nam sinh thường vẽ sơ đồ tư duy, hệ thống lại kiến thức, từ đó rút ra vấn đề. Ngoài duy trì việc học trên trường và tham gia các hoạt động ngoại khóa, từ năm nhất đại học, Sơn đã mở một lớp dạy thêm môn Ngữ văn, đã có học trò đã trở thành thủ khoa khối C00 một trường đại học. Sơn nói đây là động lực lớn để tiếp tục xây dựng lớp học của mình. Ảnh: Ngọc Trang.

Chau Nguyen Tung Son anh 10

Gắn bó với Sơn một học kỳ, PGS.TS Đặng Thu Thủy (Trưởng bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại, khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội) đánh giá Tùng Sơn là một sinh viên chăm chỉ, nghiêm túc, khiêm tốn và có phần hơi trầm lặng. Chính vì vậy, cô khá bất ngờ khi nam sinh sôi nổi, hoạt bát trong các hoạt động ngoại khóa và rèn luyện nghiệp vụ. Trên sân khấu, Sơn bộc lộ nhiều tố chất, phát huy được sở trường và tỏa sáng. “Khi Sơn có danh hiệu, tôi vừa động viên, cũng vừa nhắc nhở em bình tĩnh đón nhận tin vui nhưng không vì thế mà sao nhãng việc học. Em hãy coi đó là động lực để trưởng thành hơn”, cô Thủy chia sẻ. Ảnh: Ngọc Trang.

Sách về nghề giáo

Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:

Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.

Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên.

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/nam-sinh-su-pham-la-a-vuong-sinh-vien-thanh-lich-2024-a108059.html