Mạnh dạn đầu tư trồng cây "không lá" gai góc, anh nông dân thu lãi 500 triệu/năm rất nhẹ nhàng

Nghỉ việc ở công ty chuyển sang trồng loại cây không lá, anh Thái Đắc Trọng (ngụ tại quận Ô Môn, Tp.Cần Thơ) thu lãi hơn 500 triệu đồng/năm.

Trang trại xương rồng của anh Thái Đắc Trọng rộng hơn 1.000 m2, nằm giữa cánh đồng thuộc phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, Tp.Cần Thơ. Bên trong nhà kính, anh trồng những loại xương rồng không chịu được nắng mưa trực tiếp, như: hồng ngọc, sô cô la, nhím biển, bánh sinh nhật, gymno, aster… Bên ngoài, trồng những loại có sức chống chịu thời tiết khắc nghiệt, như xương rồng tai thỏ, xương rồng trụ…

Anh Trọng chia sẻ, trước đây, anh làm việc tại Khu công nghiệp Trà Nóc, với mức lương gần 10 triệu đồng/tháng. Với niềm đam mê cây kiểng, đến năm 2018, anh xin nghỉ để phát triển mô hình trồng xương rồng kiểng.

Mạnh dạn đầu tư trồng cây

Anh Thái Đắc Trọng có nguồn thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm nhờ trồng xương rồng. Ảnh: Duy Tân/báo Thanh Niên

Ban đầu, anh chỉ trồng các loại xương rồng phổ thông, kích thước nhỏ xinh vì phù hợp với nhu cầu của học sinh, sinh viên mua về trang trí. Đến năm 2019, anh mạnh dạn thuê đất, đầu tư hàng trăm triệu đồng cải tạo đất, dựng nhà kính để mở rộng quy mô trồng. Tuy nhiên, lúc này anh lại gặp nhiều khó khăn trong việc trộn giá thể, nhân giống, chăm sóc… Do không có kinh nghiệm và kỹ thuật, anh phải tự tìm hiểu qua sách báo, internet để cập nhật kiến thức.

Mạnh dạn đầu tư trồng cây

Xương rồng decor có giá từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng/cây (tùy dòng và kích thước). Ảnh: Duy Tân/báo Thanh Niên

"Thời gian đầu, tôi trồng thử số lượng ít, nhưng do chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên cây chậm phát triển, có nhiều cây bị thối rễ chết. Không đầu hàng với khó khăn, tôi lên mạng học hỏi kinh nghiệm để cây xương rồng phát triển tốt. Sau khi khắc phục được các loại bệnh của cây, tôi tách được 200 cây con để trồng và chăm sóc ", anh Trọng kể với báo Kinh tế & Đô thị .

Nhận thấy cây xương rồng bắt đầu phát triển tốt, đến năm 2021, anh Trọng mạnh dạn đầu tư nhà kính và thuê 1.000m2 đất ở phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn để trồng và mở shop bán xương rồng. Đồng thời nhập thêm nhiều chủng loại xương rồng đang được ưa chuộng.

Mạnh dạn đầu tư trồng cây

Khu vườn xương rồng của anh Đắc Trọng. Ảnh Hồng Thắm/Kinh tế & Đô thị

Hiện tại, trang trại của anh Trọng trồng hơn 500 giống xương rồng. Đặc biệt, anh chuyên trồng các loại dùng để decor (trang trí), như: tai thỏ, tai voi, trụ sony, trụ nến vàng, trụ thanh sơn, trụ long khỉ, trụ mytilo, kim lăng trụ, kim hổ, nanh heo… Ngoài ra, anh còn trồng các giống xương rồng phổ thông, kích thước nhỏ, bông đẹp, giá thành bình dân như các dòng gym lobi, echino, aster…

"Những năm gần đây, xu hướng sử dụng xương rồng làm tiểu cảnh kết hợp với cây kiểng, vật trang trí khác trở nên phổ biến, bởi vừa độc đáo, đẹp mắt, vừa mang ý nghĩa phong thủy. Những tiểu cảnh này mang vẻ đẹp khỏe khoắn, hoang dại và đầy sức sống của sa mạc. Nắm bắt xu hướng thị trường, tôi tập trung trồng những giống xương rồng decor, mang lại hiệu quả kinh tế cao", anh Trọng chia sẻ.

Theo anh Trọng, cây xương rồng từ lúc gieo hạt đến trưởng thành và bán được phải tốn từ 2 đến 3 năm. Tuy nhiên, nếu nắm vững kỹ thuật tháp ghép để "đốt cháy" giai đoạn thì chỉ cần khoảng từ 3 đến 5 tháng.

Mạnh dạn đầu tư trồng cây

Những cây xương rồng gym lem, kích thước nhỏ xinh được nhiều bạn trẻ ưa thích. Ảnh: Duy Tân/báo Thanh Niên

"Kỹ thuật ghép phải cần có nhiều kinh nghiệm, tính nhẫn nại bởi rất khó. Khó nhất trong việc trồng xương rồng phải canh thời gian nắng, mưa để phun thuốc phòng bệnh cho cây", anh Trọng chia sẻ với báo Thanh Niên .

Chị Lê Thị Lan Hương (vợ anh Trọng) cũng từ bỏ công việc thu nhập ổn định tại trường học để lui về làm hậu phương vững chắc cho chồng, đồng hành cùng anh trong ngày nắng mưa, chăm sóc khu vườn.

"Trồng cây này, phải có đam mê mới theo nghề được, vì chăm cây nên suốt ngày hai vợ chồng cứ phơi nắng dầm mưa. Công việc tuy hơi cực nhưng được vợ chồng được đồng hành cùng nhau và đem lại thu nhập ổn định cho gia đình", chị Lan Hương chia sẻ.

Hiện, anh Trọng chủ yếu bán hàng trực tuyến. Khách mua hàng từ Bắc tới Nam. Giá bán thấp nhất 100.000 đồng/cây, cao nhất 3,5 triệu đồng/cây (tùy dòng và kích thước). Đặc biệt, các loại xương rồng kim hổ, nanh heo, trụ mytilo, trụ 6 cạnh được ưa chuộng và đắt hàng. Nhờ đó, mỗi năm sau khi trừ chi phí, anh Trọng lãi hơn 500 triệu đồng.

"Thời gian tới, tôi tiếp tục nghiên cứu phương pháp lai tạo những giống xương rồng đột biến để tăng số lượng cung cấp cho thị trường. Đồng thời, tăng cường việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm để mở rộng thị trường", anh Trọng chia sẻ về dự định tương lai.


Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/manh-dan-dau-tu-trong-cay-khong-la-gai-goc-anh-nong-dan-thu-lai-500-trieunam-rat-nhe-nhang-a107913.html