Chức năng lọc máu của người bệnh thận bị suy giảm làm tăng các chất thải tích tụ trong cơ thể. Người bệnh cần tuân theo chế độ ăn ít natri, protein, kali và phốt pho. Dưới đây là những loại rau củ quả chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe nhưng cung cấp lượng kali lớn, người bệnh thận nên cân nhắc khi tiêu thụ.
Quả bơ: Theo Quỹ Thận Quốc gia Mỹ, bất kỳ loại thực phẩm nào vượt quá 200 mg kali trong mỗi khẩu phần được xem là hàm lượng kali cao. Một quả bơ khoảng 200 g chứa 975 mg kali. Người bệnh thận vẫn có thể ăn bơ nhưng lượng ít.
Chuối: Một quả chuối lớn chứa 487 mg kali, tương tự nhiều loại quả nhiệt đới khác. Dứa có thể là một lựa chọn thay thế phù hợp vì chứa một lượng kali ít hơn chuối.
Cam và nước cam: Một quả cam nhỏ cung cấp 174 mg kali, trong khi 250 g nước cam chứa tới 441 mg kali. Các loại quả có lượng kali thấp hơn bao gồm nho, táo và nam việt quất.
Quả sấy khô: Đây là nguồn cô đặc của nhiều chất dinh dưỡng trong quả tươi nên hàm lượng các chất có thể vượt quá lượng khuyến nghị hằng ngày. Người theo chế độ ăn thân thiện với thận nên tránh mơ, chà là, mận khô và nho khô bởi tất cả đều nhiều kali.
Cà chua: Một khẩu phần 245 g nước sốt cà chua chứa tới 728 mg kali.
Khoai: Khoai tây và khoai lang đều giàu kali. Một củ khoai tây nướng cỡ vừa khoảng 610 mg kali, còn một củ khoai lang cỡ vừa chứa 542 mg kali. Ngâm nước hoặc luộc là cách giúp giảm hàm lượng kali cao trong khoai tây.
Rau lá xanh: Người bệnh thận cũng nên hạn chế các loại rau như cải cầu vồng, rau chân vịt... do chứa nhiều kali. Súp lơ, rau diếp, hành tây, ớt chuông và củ cải là những lựa chọn thay thế phù hợp.
Ngũ cốc cám, granola: Nhiều loại ngũ cốc chứa hỗn hợp kali, phốt pho và natri. Người theo chế độ ăn tốt cho thận nên tránh những thực phẩm này. Ví dụ, một khẩu phần 30 g cám mảnh thường dùng làm ngũ cốc ăn sáng có 160 mg kali, 135 mg phốt pho và 162 mg natri. Một khẩu phần granola 100 g chứa 539 mg kali.
Gạo lứt: Dù bổ dưỡng nhưng gạo lứt có hàm lượng phốt pho và kali cao hơn gạo trắng. Một cốc 155 g gạo lứt nấu chín là 149 mg phốt pho và 94,6 mg kali.
Sữa: Người bệnh thận mạn uống quá nhiều sữa có thể gây hại cho sức khỏe xương bởi đây là nguồn phốt pho và kali tự nhiên. Một cốc 244 g sữa nguyên chất chứa 205 mg phốt pho và 322 mg kali. Tổn thương thận có thể khiến lượng phốt pho dư thừa tích tụ trong máu (được gọi là tăng phốt pho máu). Tình trạng này có thể khiến cơ thể lấy canxi từ xương, dẫn đến xương mỏng và yếu. Sữa dừa có lợi hơn cho người bệnh thận do hàm lượng kali, natri và oxalat thấp.
Bánh mì nguyên cám: Hàm lượng phốt pho và kali trong bánh mì nguyên cám đều cao, do đó những người bệnh thận nên chọn bánh mì trắng. Ví dụ, một lát bánh mì nguyên cám cung cấp 76,3 mg phốt pho và 90 mg kali, gấp đôi so với bánh mì trắng.
Dù không lạm dụng kali, người bệnh thận cũng không nên thiếu khoáng chất này. Kali là chất dinh dưỡng thiết yếu để duy trì cân bằng chất lỏng và chất điện giải trong cơ thể, phục vụ chức năng của một số cơ quan bao gồm tim, thận và não. Người bệnh thận mạn tính cần theo dõi lượng kali trong chế độ ăn uống, chỉ nạp 1.500-2.000 mg kali mỗi ngày. Tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để xác định lượng phù hợp với thể trạng.
Anh Ngọc (Theo Medical News Today)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thận tại đây để bác sĩ giải đáp |
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/nhung-thuc-pham-giau-kali-nguoi-benh-than-han-che-an-a107839.html