Hành trình biến loài cây dại trên rừng thành "mỏ vàng" của anh thanh niên "gàn dở"

Hơn một thập kỷ qua, anh Nguyễn Ngọc Quỳnh đã di thực thành công 3.000 gốc trà hoa vàng về trồng trên diện tích 2ha. Từ cây trà quý này, anh đã chế biến thành sản phẩm OCOP của địa phương, bán với giá hàng triệu đồng mỗi kilogram.

Bén duyên với cây trà hoa vàng ở vùng đất đại ngàn

Năm 2008, anh Nguyễn Ngọc Quỳnh (SN 1979, quê tỉnh Bắc Giang) tốt nghiệp ngành Công nghệ thực phẩm tại Trường đại học Thủy sản Nha Trang, mang theo nhiều ước mơ và hoài bão. Để hiện thực hóa giấc mơ của một kỹ sư công nghệ thực phẩm, sau khi ra trường, anh đã rời quê hương, lang thang khắp các tỉnh, thành để tìm kiếm cơ hội việc làm.

Vào năm 2012, nhân duyên đã đưa anh đến với vùng đất đầy nắng gió tại thôn 12 (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) - nơi anh quyết định gắn bó cuộc đời mình với cây trà hoa vàng.

Nở nụ cười hiền, anh Quỳnh chia sẻ: "Sau khi đặt chân đến xã Vụ Bổn, tôi đã theo chân người dân địa phương lên núi để khám phá vẻ đẹp của đại ngàn Đắk Lắk. Nhưng lúc đó, nơi đây chỉ còn những quả đồi trơ trọi. Mỗi ngày, người dân cũng lên đốt rừng làm rẫy".

Hành trình biến loài cây dại trên rừng thành "mỏ vàng" của anh thanh niên "gàn dở"- Ảnh 1.

Những cây trà hoa vàng được anh Quỳnh trông giữ nhiều năm nay.

Trong một lần lang thang đến ngọn núi cao bị đốt cháy trơ trụi, anh Quỳnh bắt gặp một cây xanh có hoa, nụ màu vàng, thân cây to bằng bắp chân, cao khoảng 3m, dưới gốc có nhiều hoa rụng đã khô.

"Tôi hỏi những người dân đi cùng nhưng không ai biết đây là cây gì. Họ chỉ nhớ rằng, trước đây, loại cây này mọc rất nhiều trên rừng và được người dân dùng cho nhiều mục đích khác nhau. Theo đó, nhiều người lấy lá của cây này về cho dê ăn, hay nấu nước tắm cho trẻ bị ghẻ lở, mụn nhọt. Thậm chí, người dân còn cho biết đã dùng loại lá cây này để nấu nước uống, làm canh ăn... Tuy nhiên, sau này trong quá trình làm nương rẫy, người dân đã chặt bỏ hết", anh Quỳnh chia sẻ.

Sau chuyến đi rừng đó, anh Quỳnh quyết định thuê 6 người dân địa phương lên rừng đào cây xanh nói trên về trồng, chăm sóc với mong muốn giữ lại chút đại ngàn còn sót lại. Không phụ công anh, cây xanh này phát triển xanh tốt và nở hoa sum suê. Nhiều người dân địa phương đã đến xin lá về làm thuốc.

Hành trình biến loài cây dại trên rừng thành "mỏ vàng" của anh thanh niên "gàn dở"- Ảnh 2.

Hằng ngày, anh Quỳnh đều tận tụy chăm sóc những cây trà quý.

Từ thông tin của người dân cung cấp, anh lấy lá của loại cây này nấu nước uống thì thấy không bị cồn cào trong ruột khi đói, cũng không gây mất ngủ như những loại trà khác. Anh còn dùng hoa của cây này để ngâm mật ong để trị ho, dùng lá ngâm rượu để uống thì thấy thơm, ngọt,...

Trực giác mách bảo đây có thể là một loại dược liệu quý cần bảo tồn, anh Quỳnh tiếp tục lặn lội lên những cánh rừng chưa bị chặt phá để tìm những cây xanh nói trên di thực về vườn nhà trồng.

Thấy vậy, nhiều người cho rằng anh gàn dở, làm chuyện ngược đời. Thế nhưng, với tình yêu thiên nhiên mãnh liệt, anh Quỳnh không bỏ cuộc mà không ngừng tìm cách khắc phục, nuôi trùn quế dưới đất để giúp cây tái sinh, phát triển tốt.

Sau đó, anh Quỳnh đã chụp hình loại cây này đăng lên mạng xã hội để hỏi bạn bè, những người đam mê chơi cây cảnh. Quá trình đó, Tiến sĩ Lương Văn Dũng, công tác tại Trường đại học Đà Lạt đã liên hệ với anh Quỳnh để hỏi về cây này.

Hành trình biến loài cây dại trên rừng thành "mỏ vàng" của anh thanh niên "gàn dở"- Ảnh 3.

Những cây trà hoa vàng phát triển xanh tốt dưới tán rừng tái sinh.

Năm 2020, Tiến sĩ Lương Văn Dũng và nhóm cộng sự tại Trường đại học Đà Lạt đã trực tiếp đến xã Vụ Bổn – nơi anh Quỳnh đang gìn giữ cây xanh di thực từ trên rừng về để tìm hiểu, nghiên cứu, lấy hoa, quả, lá mang về phân tích.

Qua nghiên cứu của các nhà khoa học, đến năm 2022, giống trà do anh Quỳnh phát hiện đã được công nhận là loài trà hoa vàng mới, loại trà đặc hữu bản địa Đắk Lắk được công bố trên Tạp chí Khoa học Đại học Đà Lạt, với tên khoa học là Camellia Quynhii (tên tiếng Việt: Trà quỳnh). Đây là một bước tiến quan trọng trong hành trình bảo tồn và phát huy giá trị của loại trà đặc hữu này.

Biến trà hoa vàng thành sản phẩm OCOP

Không chỉ dừng lại ở những thành công ban đầu, anh Quỳnh đã đầu tư hàng trăm triệu đồng trong suốt những năm qua để thuê người dân bản địa tìm kiếm và đưa những gốc trà hoa vàng về trồng.

Hơn một thập kỷ qua, anh đã di thực thành công 3.000 gốc trà hoa vàng về trồng trên diện tích 2ha, kết hợp với các cây trồng bản địa ở Đắk Lắk.

Khát vọng bảo tồn không ngừng thôi thúc anh Quỳnh nghiên cứu và khai thác tiềm năng của cây trà quý này.

"Sau khi phát hiện cây trà hoa vàng, tôi đã áp dụng kiến thức chuyên môn của mình, kết hợp với kinh nghiệm của người dân bản địa và học hỏi từ các chuyên gia về trà để chế biến trà túi lọc mang tên "Trà hoa vàng", anh Quỳnh chia sẻ.

Hành trình biến loài cây dại trên rừng thành "mỏ vàng" của anh thanh niên "gàn dở"- Ảnh 4.

Những bông trà hoa vàng được thu hái để làm trà túi lọc.

Để có nguyên liệu chế biến, từ tháng 3 đến tháng 6 hằng năm, anh tiến hành thu hoạch lá trà hoa vàng. Theo anh, đây là thời điểm mà lá đã già và tích lũy năng lượng từ những cây trà lâu năm, đồng thời thời tiết cũng thuận lợi cho việc thu hoạch.

Cuối năm 2023, sản phẩm "Trà hoa vàng" của anh đã tham gia phân hạng sản phẩm OCOP của huyện Krông Pắk và được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao vào đầu năm 2024. Sản phẩm này đang được anh bán ra thị trường với giá khoảng 2 triệu đồng/kg.

"Để làm ra loại trà này, tôi phải trải qua 11 công đoạn. Trong đó, công đoạn lên men và xử lý nấm mốc là quan trọng nhất và cũng khó khăn nhất. Quá trình lên men tạo ra hương vị đặc trưng, còn nấm mốc là mối nguy hại cho sức khỏe", anh Quỳnh nói.

Lợi nhuận từ việc bán trà túi lọc không chỉ giúp anh duy trì hoạt động kinh doanh mà còn tạo nguồn kinh phí để tiếp tục thuê người đi tìm những cây trà hoa vàng cổ thụ về bảo tồn và phát triển.

Hành trình biến loài cây dại trên rừng thành "mỏ vàng" của anh thanh niên "gàn dở"- Ảnh 5.

Trà túi lọc mang tên "Trà hoa vàng" được anh Quỳnh mang đến các hội chợ để giới thiệu cho người tiêu dùng.

"Hiện nay, tại Tây Nguyên, người dân đang tập trung vào các loại cây trồng như sầu riêng, cà phê, và lúa nên cây trà hoa vàng đang bị bỏ ngỏ. Vì vậy, nguồn nguyên liệu để phục chế biến trà túi lọc từ cây trà hoa vàng còn hạn chế.

Bằng việc làm của mình, tôi mong muốn lan tỏa và kêu gọi người dân cùng nhau giữ gìn, bảo tồn nguồn gen quý và phát triển, nhân giống cây trà hoa vàng. Bởi cây trà hoa vàng có thể trồng xen canh với các loại cây trồng khác như: sầu riêng, cà phê, cao, điều, tiêu... Từ đó, tạo ra hệ sinh thái đa dạng, góp phần bảo vệ môi trường xung quanh và tạo sinh kế, tăng thêm thu nhập cho người dân địa phương", anh Quỳnh tâm sự.

Ngoài ra, anh cũng mong muốn các tổ chức, cá nhân hợp tác, hỗ trợ để tạo ra vườn ươm cây giống trà hoa vàng nhằm gìn giữ cây đặc hữu bản địa và cung cấp cho bà con địa phương nhân rộng mô hình.

Hành trình biến loài cây dại trên rừng thành "mỏ vàng" của anh thanh niên "gàn dở"- Ảnh 6.

Anh Quỳnh (người thứ 2 từ trái qua) giới thiệu cho mọi người về sản phẩm "Trà hoa vàng" .

Ông Trần Văn Sáu, Chủ tịch UBND xã Vụ Bổn, thông tin, cây trà hoa vàng có giá trị kinh tế rất cao. Hiện nay, tại địa phương, chỉ mới có một mình anh Quỳnh bảo tồn được trà hoa vàng.

Sản phẩm trà túi lọc làm từ trà hoa vàng cũng là sản phẩm OCOP duy nhất của địa phương đến thời điểm hiện nay. Bước đầu, mô hình này đã góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình anh Quỳnh và tạo công ăn việc làm cho một số lao động tại địa phương.

Trao đổi với Người Đưa Tin, Tiến sĩ Lương Văn Dũng, Trường đại học Đà Lạt, cho hay: "Trà quỳnh là một loài trà hoa vàng quý hiếm. Về mặt khoa học, Trà quỳnh là cây đặc hữu của Việt Nam và mới ghi nhận phân bố tại khu vực xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk, đến nay chưa gặp ở vùng nào ngoài Đắk Lắk. Trên thế giới lại càng chưa ghi nhận loài trà này. Đặc biệt hơn, Đắk Lắk là vùng có khí hậu khô hạn rất hiếm có trà hoa vàng phân bố. Anh Quỳnh là người đầu tiên phát hiện ra loại trà này. Sau khi thấy hình ảnh về cây trà hoa vàng mà anh Quỳnh đã đăng trên mạng xã hội, chúng tôi đã trực tiếp tìm về xã Vụ Bổn để khảo sát, đánh giá, lấy mẫu phân tích các hợp chất và làm thủ tục công bố loài trà mới này trên Tạp chí Khoa học Đại học Đà Lạt với tên khoa học là Camellia quynhii".

Hành trình biến loài cây dại trên rừng thành "mỏ vàng" của anh thanh niên "gàn dở"- Ảnh 7.

Tiến sĩ Lương Văn Dũng, Trường Đại học Đà Lạt (người đầu tiên bên trái) trực tiếp khảo sát tại mô hình bảo tồn trà hoa vàng của anh Quỳnh.

Theo Tiến sĩ Dũng, về mặt giá trị sử dụng thì cần phải có những đánh giá, nghiên cứu sâu. Tuy nhiên, qua phân tích các hợp chất, cơ bản ban đầu có thể khẳng định, đây là cây dược liệu có tiềm năng. Loài trà này có tác dụng chống ôxi hóa, hỗ trợ tiêu hóa, thậm chí chống mất ngủ.

Từ những thông tin nói trên, Tiến sĩ Dũng khẳng định, cây Trà quỳnh là cây đặc hữu và rất cần được bảo tồn. Tuy nhiên, hiện nay có rất ít người biết về loài cây trà này. Do đó, cơ quan quản lý cần vào cuộc và xem đây nhiệm vụ bảo tồn của tỉnh, của địa phương để làm cơ sở nhân giống, chế biến sau này. Đồng thời, đưa loài trà này vào các chương trình để phát triển sản phẩm chế biến sâu hơn.


Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/hanh-trinh-bien-loai-cay-dai-tren-rung-thanh-mo-vang-cua-anh-thanh-nien-gan-do-a107746.html