6 mẹo đơn giản hỗ trợ hô hấp

Sử dụng thảo dược, ăn thực phẩm giàu vitamin C, ngủ đủ giấc giúp cải thiện sức khỏe đường hô hấp, hạn chế các bệnh mạn tính khởi phát.

Thạc sĩ, bác sĩ Thân Thị Ngọc Lan, khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết ô nhiễm không khí, khói thuốc lá có thể khiến bệnh hô hấp trở nặng. Người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen suyễn, xơ phổi... cần theo dõi và đánh giá sức khỏe định kỳ. Song áp dụng một số phương pháp dễ thực hiện tại nhà cũng hỗ trợ chức năng của hệ hô hấp.

Sử dụng liệu pháp thảo dược

Một số gia vị như gừng, tỏi hỗ trợ sức khỏe hô hấp. Gừng với đặc tính chống viêm và kháng khuẩn có thể làm dịu cơn ho, giảm đau họng. Tỏi có khả năng tăng cường hệ miễn dịch, giảm triệu chứng của các bệnh hô hấp. Mỗi người nên thêm các loại gia vị này vào chế độ ăn uống hàng ngày.

Một số tinh dầu như khuynh diệp, oải hương, bạc hà... có tác dụng giảm các triệu chứng như thở khò khè, nghẹt mũi và khó thở. Tuy nhiên, hít phải một số loại tinh dầu có thể gây ra các triệu chứng hen suyễn ở người nhạy cảm hay khởi phát đợt cấp ở người mắc bệnh COPD.

Uống đủ nước

Uống đủ nước mỗi ngày giúp loại bỏ độc tố, làm loãng chất nhầy trên niêm mạc đường thở, ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng, phổi khỏe hơn. Lượng nước được khuyến cáo mỗi ngày với người trưởng thành khỏe mạnh khoảng 6-8 cốc (1,5 lít) và nên chia đều trong ngày.

Bổ sung nước đầy đủ hỗ trợ cải thiện hệ hô hấp. Ảnh: Khuê Lâm

Bổ sung nước đầy đủ hỗ trợ cải thiện hệ hô hấp. Ảnh: Khuê Lâm

Bổ sung thực phẩm giàu dinh dưỡng

Thực phẩm giàu vitamin C như cam, chanh, kiwi... tăng cường hệ miễn dịch, trong khi cá hồi và cá thu chứa omega-3 có tác dụng giảm viêm trong cơ thể. Rau chân vịt, bông cải xanh cung cấp chất chống oxy hóa, nhiều dưỡng chất cần thiết cho phổi. Chế độ ăn uống cân bằng, giàu dinh dưỡng góp phần duy trì chức năng hô hấp, hỗ trợ sức khỏe tổng thể.

Xông hơi

Thông thường các triệu chứng ở người mắc bệnh phổi hoặc bệnh hô hấp thường nặng khi thời tiết chuyển lạnh hoặc khô vì lớp chất nhầy trong đường thở khô hơn. Xông hơi nước làm tăng hơi ấm, độ ẩm ở đường thở, loãng chất nhầy bên trong đường thở, phổi. Đây là cách hiệu quả có tác dụng giảm đau ngay tức thì, đường thở thông thoáng.

Không nên xông hơi khi cơ thể suy nhược, mới ốm dậy, uống rượu, vừa ăn no, mang thai, đang trong chu kỳ kinh nguyệt, sốt cao. Người cao tuổi và người mắc bệnh lý nền cần lưu ý thời gian xông hơi.

Tập yoga và luyện hít thở

Các bài tập thở sâu kết hợp yoga giúp tăng cường khả năng hô hấp, cải thiện lưu thông không khí trong đường thở. Bên cạnh yoga, người bệnh có thể tham khảo các môn thể thao cường độ nhẹ như đi bộ, đạp xe... Người bệnh nên tập luyện phù hợp theo tình trạng sức khỏe, khởi động kỹ, chú ý theo dõi nhịp thở trong quá trình tập.

Cải thiện chất lượng giấc ngủ

Giấc ngủ ngon cũng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe hô hấp, tái tạo và phục hồi cơ thể. Thiếu ngủ có thể làm giảm khả năng miễn dịch, dễ mắc bệnh hô hấp. Nên tạo môi trường yên tĩnh, thoải mái, thực hiện các thói quen ngủ lành mạnh, đi ngủ vào một khung giờ cố định trong ngày.

Người mắc bệnh đường hô hấp cần hạn chế tiếp xúc với các tác nhân kích thích như khói thuốc, ô nhiễm, dị ứng. Đeo khẩu trang khi ra ngoài và có thể sử dụng máy lọc không khí trong nhà để làm sạch không khí, giảm nguy cơ dị ứng và các vấn đề hô hấp khác. Tiêm vaccine cũng giảm nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp. Người mắc bệnh hô hấp mạn tính cần khám định kỳ, tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.

Khuê Lâm

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/6-meo-don-gian-ho-tro-ho-hap-a107694.html