Bác sĩ Nguyễn Thị Lâm, nguyên phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết đường ngọt hay đồ uống có đường không có protein, vitamin, khoáng chất, chất xơ..., sử dụng nhiều làm tăng lượng calo và tăng cân nhanh.
"Càng tích trữ nhiều thì càng tăng năng lượng, dẫn tới thừa cân, béo phì", theo bác sĩ.
Thông thường, trong 1g đường ngọt cung cấp 40 calo, trong khi phải đi bộ 30 phút mới tiêu thụ 100 calo. Do đó, càng sử dụng đường ngọt càng dễ dẫn đến tích trữ năng lượng hơn. Đặc biệt, đồ uống ngọt dạng lỏng, dễ dung nạp, khiến cơ thể không kịp phản ứng khi tiếp nhận lượng calo lớn. Lúc này, cơ thể sẽ tiếp tục nạp năng lượng một cách không kiểm soát, dẫn tới dư thừa năng lượng. Đồ uống này dùng có sử dụng chất tạo ngọt nhân tạo cũng không tốt cho sức khỏe.
Bác sĩ Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết đường tạo cảm giác ngọt, thường dùng trong pha chế đồ ăn, thức uống tạo cảm giác ngon miệng. Tuy nhiên, đường cung cấp nhiều năng lượng cho cơ thể hơn mức bình thường, biến đổi năng lượng thành chất béo. Đường là năng lượng rỗng, không có giá trị dinh dưỡng.
"Ăn nhiều thì tích lũy mỡ nhiều, đặc biệt là mỡ bụng", bác sĩ nói.
Ăn quá nhiều đường còn khiến cơ thể làm việc nhiều, thậm chí vượt quá khả năng chuyển hóa, dẫn đến tăng đường trong máu, gây các bệnh về rối loạn chuyển hóa, nguy cơ tiểu đường, huyết áp, tim mạch. Trẻ nhỏ nghiện đồ ngọt có nguy cơ lười ăn, dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng, dậy thì sớm.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận trung bình một người Việt ăn 46,5 g đường mỗi ngày, cao gấp đôi khuyến cáo, tiêu thụ đồ uống có đường tăng gấp 10 lần trong hai thập niên.
Năm 2002, trung bình một người Việt tiêu thụ 6,04 lít đồ uống có đường. Năm 2021, con số này là 55,78 lít, tức tăng gấp 10 lần. Kết quả điều tra sức khỏe học sinh sinh viên năm 2019 của WHO tại Việt Nam cho thấy 34% học sinh 13-17 tuổi sử dụng nước ngọt có ga ít nhất một lần trong ngày. Điều tra tương tự vào năm 2013, cũng của WHO, tỷ lệ này là 30%.
Bác sĩ khuyên không dừng đột ngột việc sử dụng đường mà nên cắt giảm một cách từ từ. Không lạm dụng nước ngọt, nước có ga, nước ép có đường.
Lựa chọn các món ăn vặt ít đường, ưu tiên hạt dinh dưỡng, sữa chua không đường và trái cây tươi. Nên nấu ăn tại nhà để chủ động lượng đường có trong món ăn. Mọi người duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh, tập thể dục mỗi ngày để cơ thể vận động. Hạn chế chất kích thích, rượu bia, thuốc lá...
WHO khuyến cáo mỗi người nên ăn dưới 25 g đường một ngày (kể cả uống), bằng một nửa so với mức trung bình một người Việt ăn hiện nay. Người lớn và trẻ em nên giảm lượng đường tự do xuống dưới 10% tổng năng lượng nạp vào cơ thể hàng ngày. Tỷ lệ này nếu dưới 5%, tương đương 25 g hoặc 5 muỗng cà phê, sẽ có lợi hơn cho sức khỏe. Trẻ em dưới hai tuổi không nên dùng bất cứ loại thực phẩm hoặc đồ uống nào có thêm đường.
Thùy An
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/duong-gay-tang-can-beo-phi-the-nao-a107561.html