Sỏi thận đào thải khỏi cơ thể thế nào

Sỏi thận có kích thước dưới 6 mm thường tự đào thải trong vòng ba tuần, trong khi sỏi lớn trên 10 mm có thể mất nhiều thời gian hơn, thậm chí phải can thiệp y tế.

Quá trình đào thải sỏi thận diễn ra theo từng giai đoạn, bắt đầu bằng quá trình hình thành sỏi trong thận, sau đó sỏi di chuyển đến niệu quản, bàng quang và cuối cùng là niệu đạo.

Thời gian để sỏi thận đào thải khỏi cơ thể phụ thuộc phần lớn vào kích thước, tức sỏi nhỏ sẽ đi qua hệ tiết niệu nhanh hơn loại lớn. Song các yếu tố khác như vị trí hình thành sỏi, hình dạng sỏi và giải phẫu hệ tiết niệu của từng người cũng có thể ảnh hưởng đến thời gian này.

Kích thước sỏi

Hầu hết sỏi thận không gây ra triệu chứng cho đến khi di chuyển từ thận vào niệu quản (ống dẫn nước tiểu đến bàng quang). Kích thước của sỏi ảnh hưởng đến nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, đồng thời ảnh hưởng đến thời gian mà sỏi di chuyển. Hiệp hội Tiết niệu Mỹ (AUA) cho hay sỏi dưới 2 mm thường mất 8 ngày để ra khỏi cơ thể, với sỏi 3 mm là 12 ngày, sỏi 4-16 mm mất 22 ngày.

Theo nghiên cứu của Viện Chất lượng Chăm sóc Sức khỏe Đức, hầu hết sỏi thận có đường kính dưới 5 mm đều được đẩy ra khỏi đường tiết niệu mà không gặp trở ngại. Khoảng một nửa số sỏi có đường kính 5-10 mm tự đào thải khỏi cơ thể. Khi sỏi lớn hơn 6 mm, thời gian đào thải tăng lên và nhu cầu can thiệp y tế cũng tăng theo. Những viên sỏi có đường kính lớn hơn 10 mm thường không có khả năng tự đào thải và người bệnh cần được can thiệp y tế để lấy sỏi ra ngoài.

Viên sỏi san hô trong thận của một bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Viên sỏi san hô trong thận của một bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Vị trí sỏi

Bác sĩ có thể xác định vị trí sỏi bằng các xét nghiệm hình ảnh như siêu âm hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT) vùng bụng và xương chậu. Các triệu chứng thường phát triển khi sỏi thận đi vào niệu quản. Những viên sỏi nằm xa thận hơn có nhiều khả năng được đào thải nhanh hơn sỏi nằm gần thận.

Theo một nghiên cứu tổng hợp của các chuyên gia tại Mỹ, hầu hết sỏi xa sẽ di chuyển ra khỏi cơ thể mà không gặp sự cố, trong khi tỷ lệ này ở sỏi gần chưa đến một nửa. Với những viên sỏi nằm ở giữa niệu quản, khoảng 60% tự đào thải.

Khi sỏi thận vượt qua được rào cản ban đầu, chúng sẽ di chuyển vào bàng quang và cuối cùng vào niệu đạo - nơi nước tiểu thoát ra khỏi cơ thể. Từ đó, sỏi thường được đào thải trong vòng vài ngày.

Các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến thời gian di chuyển của sỏi thận hoặc dự báo khả năng sỏi thể không di chuyển và cần điều trị y tế bao gồm:

Cân nặng: Người có chỉ số khối cơ thể (BMI) thấp có nhiều khả năng tự đào thải sỏi thận hơn những người có BMI cao (thừa cân, béo phì). Điều này là do cơ thể của người thừa cân hoặc béo phì có xu hướng tạo ra những viên sỏi lớn và dễ tái phát hơn.

Tuổi tác: Người lớn thường có tỷ lệ đào thải sỏi tự nhiên cao hơn trẻ em do sự khác biệt về mặt giải phẫu.

Thận ứ nước: Đây là tình trạng một hoặc cả hai quả thận bị phình ra do tắc nghẽn dòng nước tiểu. Điều này cho thấy niệu quản bị tắc nghiêm trọng và khả năng sỏi tự đào thải thấp.

Số lượng bạch cầu cao: Số lượng bạch cầu (WBC) tăng cao ở người bị sỏi thận có thể cho thấy nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc tình trạng viêm nghiêm trọng. Người bệnh cần được chăm sóc y tế kịp thời vì nhiễm trùng có thể làm phức tạp sỏi thận.

Người bệnh được chẩn đoán mắc sỏi thận nên đến bác sĩ khám ngay nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào như đau hông dữ dội không khỏi, sốt cao kèm theo ớn lạnh, nôn mửa, có máu trong nước tiểu, nước tiểu có mùi hôi hoặc đục, đau hoặc nóng rát khi đi tiểu.

Anh Ngọc (Theo Verywell Health)

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh thận tại đây để bác sĩ giải đáp

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/soi-than-dao-thai-khoi-co-the-the-nao-a107540.html