App gọi xe nhỏ chật vật tìm đường sống

Dù nỗ lực bám trụ thị trường nhưng các ứng dụng gọi xe nhỏ lẻ vẫn khó có cơ hội bứt phá

Sau khi Gojek chính thức rút khỏi thị trường Việt Nam, thị phần gọi xe công nghệ vẫn do "ông lớn" Grab chiếm lĩnh với hơn 40%, kế đến là Be nắm giữ khoảng 30% thị phần và Xanh SM của tỉ phú Phạm Nhật Vượng dần mở rộng hơn với khoảng 20%. Như vậy, chỉ còn 10% dung lượng thị trường chia đều cho nhiều đơn vị khác, bao gồm các hãng taxi lớn như Vinasun, Mai Linh và các ứng dụng (app) nhỏ như Tada, Emddi, GV Taxi...

Giành giật từng chút

Mất thị phần về tay các hãng xe công nghệ, ngay từ trước dịch COVID-19, nhiều hãng taxi đã nhận đặt xe trên app song song với hình thức gọi xe truyền thống (gọi tổng đài, bắt xe trên đường). Tuy vậy, mất một thời gian dài, các app của một số hãng xe như Vinasun, Mai Linh... hoạt động chưa trơn tru, còn nhiều lỗi, gần đây mới chạy "mượt" hơn.

Báo cáo tài chính hợp nhất của Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) cho thấy quý III/2024, doanh thu của công ty đạt 246 tỉ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái, do thị trường gọi xe cạnh tranh quá khốc liệt. Theo lãnh đạo Vinasun, việc phát triển thêm hình thức đặt xe qua app đã góp phần giúp hãng xe giữ được thị phần. Đến nay, số lượng khách đặt xe từ app đạt gần 40% tổng lượt khách sử dụng dịch vụ taxi của hãng.

Cũng chiếm thị phần ít ỏi, app gọi xe Tada đến từ Singapore vẫn cố gắng tìm mọi cách để tồn tại ở thị trường Việt Nam. Có mặt từ đầu năm 2019, Tada lúc đầu chỉ cung cấp duy nhất dịch vụ gọi xe 4 bánh, sau đó phát triển thêm dịch vụ gọi xe 2 bánh. Tada thậm chí phải tạm ngưng hoạt động khoảng 2 năm, rồi quay lại thị trường từ năm 2022 đến nay.

Để có được thị phần, Tada chấp nhận chịu lỗ bằng cách không thu chiết khấu của tài xế. Tuy nhiên, đại diện Tada cho biết công ty vẫn có doanh thu bù đắp từ các đối tác cho thuê, bán, sửa chữa xe và dịch vụ bảo hiểm xe. Ngoài ra, Tada còn là doanh nghiệp công nghệ blockchain và đây mới là mảng đem lại doanh thu chính.

Tài xế xe ôm công nghệ Tada “ế” khách

Tài xế xe ôm công nghệ Tada “ế” khách

Với app gọi xe GV Taxi, mặc dù có đủ các dịch vụ đặt xe máy, taxi, ô tô tải và đặt vé xe khách song suốt 4 năm hãng có mặt tại thị trường, nhiều người tiêu dùng vẫn chưa biết đến. Nhằm xoay chuyển tình thế, GV Taxi đã chọn con đường hợp tác với các đơn vị khác. Mới đây, GV Taxi hợp tác với HTX Taxi Hòa Bình triển khai dịch vụ đặt xe qua app tại Đà Lạt (Lâm Đồng); hợp tác với HTX Sao Đỏ (Tây Ninh), HTX Taxi Hương Giang (Bắc Giang)... để mở rộng hoạt động ở các địa phương. Hướng đi này được đánh giá là phù hợp đối với hãng gọi xe nhỏ để củng cố thị phần, từ đó "xâm lấn" dần sang các thành phố lớn.

Một app gọi xe khác là Emddi cũng có cách tiếp cận thị trường riêng với một hệ thống phần mềm gọi xe. Đây là nền tảng phục vụ các đơn vị vận tải taxi, xe máy, xe tải, xe hợp đồng và giao hàng ở các tỉnh, thành. Emddi không tham gia vào hoạt động của thị trường và định giá cước nên không lo lời, lỗ.

Những bài học xương máu

Theo đại diện Tada, dù chiếm thị phần nhỏ nhưng hãng vẫn sẽ đủ sức trụ lại thị trường vì không "đốt tiền" để giành giật. Theo kế hoạch, Tada sắp tới không chỉ hoạt động tại TP HCM mà còn mở rộng sang các tỉnh, thành lân cận để giúp đối tác tài xế có thêm thu nhập. Đại diện Tada cũng thừa nhận nhờ Gojek rút lui nên app gọi xe này phát triển khá hơn. "Chúng tôi tự tin với giá cước thấp hơn 10%-15% so với các hãng xe khác, từ đó khách hàng sẽ tìm đến nhiều hơn" - đại diện Tada nói.

Ông Nguyễn Chí Luận, nguyên tổng giám đốc app Go-ixe, cho biết đã mất hơn 40 tỉ đồng chỉ trong 2 năm 2017-2018 cho dịch vụ gọi xe này nhưng vẫn không thể "đấu" nổi với đối thủ lớn nên đành bỏ cuộc. "Chúng tôi làm cách nào cũng bị đối thủ "vây". Biết không thể đối đầu trực tiếp ở thị trường lớn nên chúng tôi chọn những thị trường nhỏ ở khu vực tỉnh lẻ, bên cạnh 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM. Tuy nhiên, khi đối thủ biết Go-ixe có được giấy phép tại các địa phương thì ngay lập tức tung ưu đãi cho hành khách ở đó. Mới đầu, chúng tôi cũng "chạy" ưu đãi nhưng chỉ một thời gian là "cạn" vốn" - ông Luận kể.

Ông Huỳnh Lê Phú Phong, nguyên tổng giám đốc hãng gọi xe công nghệ Aber, cho hay thời điểm bắt đầu đi vào hoạt động, Aber có đầy đủ các dịch vụ gọi xe taxi, xe máy và giao hàng tại 4 tỉnh, thành. Hãng cũng có chiến lược phát triển thêm mảng xe tải. Thế nhưng, Aber chỉ cầm cự được trong 2 năm 2018-2019.

Theo ông Phong, Aber có định hướng đầu tư lâu dài vào mảng vận tải xanh và logistics vì đây là xu hướng của thế giới. Áp lực cạnh tranh ở lĩnh vực này cũng chưa quá lớn, còn cơ hội phát triển. "Có một số quỹ đầu tư muốn tham gia nhưng HĐQT Aber lúc đó không thống nhất được phương án. Chúng tôi thất bại vì vốn không đủ. Nếu lúc đó triển khai dịch vụ bán vé tàu, xe thì sẽ có cơ hội thành công vì còn khá ít đơn vị tham gia thị trường này" - ông Phong tiếc nuối. 

Tài chính mạnh sẽ thắng thế

Về thị trường gọi xe hiện nay, ông Huỳnh Lê Phong nhìn nhận các doanh nghiệp nhỏ lẻ không có khả năng cạnh tranh với hãng xe công nghệ quy mô lớn có tiềm lực tài chính mạnh cùng khả năng "chinh chiến" đường dài. Đặc biệt, với xu hướng di chuyển xanh ngày càng phổ biến, hãng gọi xe Xanh SM sẽ thống lĩnh thị trường nhờ có lợi thế lớn, thu hút được các đơn vị khác cùng hợp tác, liên kết... để tiêu thụ và sử dụng xe điện.


Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/app-goi-xe-nho-chat-vat-tim-duong-song-a107508.html