Trình Quốc hội Luật về quản lý tài sản mã hóa

Sáng 23/11, Chính phủ trình Quốc hội Luật Công nghiệp công nghệ số, trong đó có một chương quy định về tài sản số, tài sản mã hóa.

Theo dự thảo, tài sản số là tài sản vô hình, được thể hiện dưới dạng dữ liệu số, được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực bởi công nghệ số trên môi trường điện tử và được pháp luật bảo hộ quyền tài sản phù hợp với quy định pháp luật dân sự, sở hữu trí tuệ và pháp luật khác có liên quan.

Tài sản mã hóa là một loại tài sản số được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực bằng công nghệ chuỗi khối, công nghệ sổ cái phân tán hoặc công nghệ số khác tương tự.

Thay mặt Chính phủ đọc tờ trình, Phó thủ tướng Lê Thành Long cho biết dự luật quy định nhiều nguyên tắc để xác định tài sản số gồm: thể hiện dưới dạng dữ liệu số; xác định được quyền sở hữu; có thể giao dịch, chuyển giao bằng phương tiện điện tử; có giá trị kinh tế; tồn tại và hoạt động mà không cần gắn liền với tài sản vật chất; bảo đảm tính toàn vẹn, bảo mật; xác thực được tính hợp pháp và nguồn gốc; bảo đảm minh bạch thông tin, trách nhiệm giải trình.

Theo dự thảo, quản lý tài sản số bao gồm các quy định về quyền sở hữu, chuyển nhượng, sử dụng tài sản số; quy định về thuế, tài chính; hợp tác quốc tế và chia sẻ thông tin; quy định về bảo mật, an toàn thông tin, an ninh mạng, sở hữu trí tuệ, bảo vệ người tiêu dùng; quản lý theo vòng đời; phòng chống, ngăn chặn, quản lý rủi ro.

Phó thủ tướng Lê Thành Long. Ảnh: Media Quốc hội

Phó thủ tướng Lê Thành Long. Ảnh: Media Quốc hội

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý tài sản số trong ngành, lĩnh vực, địa bàn phụ trách theo quy định của pháp luật. Chính phủ quy định chi tiết loại hình, tiêu chí, nguyên tắc quản lý tài sản số, các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản số, quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan tùy thuộc vào điều kiện thực tiễn.

Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nói việc quy định về tài sản số trong dự luật là cần thiết. Tuy nhiên, quản lý tài sản số là vấn đề mới, phức tạp nên cần cân nhắc kỹ. Trong đó, Chính phủ cần nghiên cứu phân loại tài sản số và xây dựng quy định quản lý tương ứng.

Ngoài ra, dự luật cần bổ sung chế định về quyền sở hữu, thừa kế và sử dụng; biện pháp bảo mật, giao dịch tài sản số, xử lý khiếu nại của người dùng, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ phù hợp với thông lệ quốc tế, thuận lợi cho các giao dịch; chống rửa tiền và minh bạch hóa thị trường.

Hồi tháng 4, ông Cao Đăng Vinh, Vụ phó Pháp luật dân sự - Bộ Tư pháp, cho hay trên thế giới vẫn còn nhiều khái niệm khác nhau về tài sản ảo, tiền kỹ thuật số, tiền mã hóa. Các nước có cách tiếp cận cũng khác nhau. Đơn cử, Mỹ không ban hành khung pháp lý riêng cho tiền ảo, tài sản ảo mà dùng các luật chuyên ngành điều chỉnh.

Ông Vinh đánh giá tài sản ảo, tiền ảo "tiềm ẩn nhiều rủi ro dễ bị lợi dụng chiếm đoạt", nhưng Việt Nam chưa có quy định cụ thể và chưa coi tiền mã hóa là một loại tài sản.

Vì vậy thời gian tới, ông Vinh cho rằng cần xây dựng khuôn khổ pháp lý để quản lý tài sản ảo, tiền ảo. "Cần có quy định cấm các hành vi mang tính rủi ro hoặc lợi dụng chiếm đoạt tiền ảo, tài sản ảo", ông Vinh nói và cho hay, khi Bộ Tài chính đưa ra đề xuất cụ thể, Bộ Tư pháp sẽ có quan điểm rõ ràng hơn.

Các loại tiền số như Bitcoin, Ethereum... được coi là tài sản ảo phổ biến. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có định nghĩa cụ thể. Các quy định hiện mới đề cập khái niệm tiền điện tử neo theo tiền pháp định, tồn tại dưới dạng thẻ trả trước ngân hàng, ví điện tử.

Hồi tháng 2, Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản này, hoàn thành trong tháng 5/2025. Việc này nhằm hạn chế rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố liên quan tới loại tài sản này.

Theo số liệu của Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) vào tháng 9/2023, giá trị tiền ảo Việt Nam nhận về tương đương gần 91 tỷ USD trong một năm (từ 10/2021 đến 10/2022). Trong đó, các hoạt động bất hợp pháp là 956 triệu USD.

Sơn Hà

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/trinh-quoc-hoi-luat-ve-quan-ly-tai-san-ma-hoa-a107468.html