Trưởng phòng nghiên cứu khoa học ở Huế đạo 12 trang luận án tiến sĩ

Đại học Huế kết luận luận án tiến sĩ của bà Lê Thị An H., Trưởng phòng nghiên cứu khoa học ở Thừa Thiên - Huế, có 12 trang đạo văn.

Trụ sở Đại học Huế.

Ngày 22/11, Đại học Huế công bố kết luận nội dung tố cáo bà Lê Thị An H. có hành vi đạo văn luận án tiến sĩ.

Theo Đại Học Huế, trước đó, bà Lê Thị An H. là nghiên cứu sinh khoá năm 2013 tại Đại học Khoa học (Đại học Huế). Tháng 3/2018, bà H. bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ của Đại học Huế với đề tài “Lịch sử Việt Nam: Quá trình hình thành, phát triển và biến đổi lễ hội cung đình ở Huế từ năm 1802 đến năm 1945”.

Tuy nhiên, sau khi luận án tiến sĩ của bà H. được công bố, một người gửi đơn tố cáo nhiều nội dung trong đó sử dụng ý tưởng của người khác, không trích dẫn nguồn, vi phạm về lỗi đạo văn. Sau khi tiếp nhận đơn tố cáo, Đại học Huế thành lập hội đồng thẩm định, đánh giá lại luận án tiến sĩ của bà Lê Thị An H..

Sau quá trình xác minh, Đại học Huế kết luận luận án tiến sĩ Lịch sử (chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam, mã số: 62.22.03.13) của bà Lê Thị An H. vi phạm lỗi đạo văn.

“Nội dung luận án tiến sĩ của bà Lê Thị An H. có nhiều đoạn sử dụng các ý tưởng, đoạn văn giống với các công trình của các tác giả khác đã công bố trước đó. Nhiều chi tiết trong luận án không được bà H. trích dẫn nguồn cụ thể. Lỗi đạo văn được xác định là 12 trang”, kết luận của Đại học Huế nêu rõ.

Giám đốc Đại học Huế đề nghị tác giả luận án nghiêm túc tiếp thu, chỉnh sửa những nội dung đã được chỉ ra trong kết luận nội dung tố cáo và nộp lưu chiểu theo quy định hiện hành.

Đại học Khoa học - Đại học Huế chủ trì phối hợp với Ban Đào tạo và Công tác sinh viên Đại học Huế theo dõi và xác nhận việc chỉnh sửa luận án của tác giả theo kết luận nội dung tố cáo.

Ngoài ra, Đại học Huế kiến nghị Bộ trưởng GD&ĐT thành lập hội đồng thẩm định nội dung luận án tiến sĩ của bà Lê Thị An H. để giải quyết theo thẩm quyền.

Sách về nghề giáo

Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:

Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.

Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên.

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/truong-phong-nghien-cuu-khoa-hoc-o-hue-dao-12-trang-luan-an-tien-si-a107426.html