"Công việc văn phòng phải ngồi nhiều một chỗ khiến bụng và eo rất to mà không thể giảm được", Hân chia sẻ, cho biết cố gắng ăn kiêng, tập luyện theo nhiều cách nhưng chỉ giảm cân còn mỡ vùng bụng vẫn "lì lợm". Mất quá nhiều thời gian, công sức mà kết quả không như mong muốn khiến Hân nản chí và muốn bỏ cuộc. Dần dần, Hân thường xuyên mất ngủ, dễ cáu gắt, da mặt nổi mụn, xỉn màu, đến bệnh viện khám bất ngờ phát hiện một loạt vấn đề sức khỏe gồm máu nhiễm mỡ, tăng đường huyết, tăng acid uric máu.
Bác sĩ cho biết tỷ lệ mỡ nội tạng của Hân cao mặc dù chỉ số BMI bình thường. Ngoài ra, Hân có lượng cơ bắp ít, lâu ngày gây ra hội chứng chuyển hóa, nhiều mỡ bụng, tăng đường huyết lúc đói, huyết áp tăng. Đó là tiền đề nguy cơ của một số bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, ung thư... nếu không có biện pháp cải thiện.
Cô gái được hướng dẫn chế độ ăn, thiết kế kế hoạch vận động toàn diện kết hợp giáo án tập tăng cơ bắp. Bác sĩ yêu cầu giảm thời gian ngồi, đi lại nhiều hơn trong ngày để cải thiện tình trạng tích mỡ bụng.
Thực tế, trường hợp ăn ít, tập luyện nhiều nhưng vẫn béo bụng như Hân không hiếm. Béo bụng là tình trạng tích tụ mỡ thừa xung quanh vùng bụng và eo, được đo lường phổ biến bằng chỉ số vòng bụng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vòng bụng lớn hơn 90 cm ở nam và 80 cm ở nữ được coi là dấu hiệu béo bụng và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa.
Béo bụng có thể được chia thành 3 hình thái chính dựa trên vị trí tích tụ mỡ gồm béo bụng toàn bộ, trên và dưới. Trong đó, tích tụ mỡ ở phần bụng dưới, khu vực từ rốn trở xuống, là một dạng béo bụng thường gặp ở những người có lối sống ít vận động, đặc biệt là người làm việc văn phòng. Dáng bụng phình phía dưới gây cảm giác nặng nề và áp lực cho cột sống và lưng, dẫn đến nguy cơ đau nhức mãn tính. Béo bụng dưới cũng là dấu hiệu của sự suy giảm lưu thông máu và tích tụ mỡ lâu dài, nhất là ở những người có thói quen ngồi nhiều giờ liên tục.
PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật ống tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết nguyên nhân tình trạng béo bụng có thể là yếu tố di truyền, nội tiết tố, môi trường, bao gồm thiếu hoạt động thể chất, chế độ ăn uống không lành mạnh (nhịn ăn, bỏ bữa, thiếu protein, đặc biệt là ăn nhiều thực phẩm siêu chế biến, thức uống có đường), hút thuốc lá, uống rượu.
Ở dân văn phòng, thói quen ngồi nhiều dẫn đến lượng calo không được sử dụng sẽ chuyển hóa thành năng lượng dự trữ dưới hình thức là các chất béo và tế bào mỡ. Người làm văn phòng thường ăn trưa ngay trên bàn làm việc, có thể vừa ăn vừa làm việc riêng. Việc ăn uống mất tập trung khiến mọi người ăn nhiều hơn do không có cảm giác no.
Bên cạnh đó, tình trạng stress cũng là nguyên nhân quan trọng gây tích mỡ quanh bụng, ngay cả ở người ăn uống, tập luyện lành mạnh. Stress kéo dài khiến cơ thể sản xuất ra cortisol - một hormone khuyến khích cơ thể bám vào chất béo xung quanh bụng làm vùng bụng "đột nhiên" tăng kích thước. Căng thẳng có thể dẫn đến mất ngủ, làm gián đoạn việc sản xuất leptin, các hormone giúp điều chỉnh sự thèm ăn và chuyển hóa. Việc này kích thích ăn nhiều hơn khi mệt mỏi, dễ thèm và ăn nhiều đồ ngọt, chất béo.
Theo PGS Tuấn, béo bụng không chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình mà còn mang lại nhiều nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng. Mỡ nội tạng tích tụ quanh các cơ quan quan trọng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Theo nghiên cứu tại Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ (NIH), những người có hình thái béo bụng toàn bộ có nguy cơ mắc bệnh tim cao gấp 2 lần so với người không có mỡ bụng. Điều này khiến cho béo bụng toàn bộ trở thành một trong những yếu tố nguy cơ chính dẫn đến tử vong do bệnh lý tim mạch.
Mỡ bụng, đặc biệt là mỡ nội tạng, có thể làm tăng nguy cơ kháng insulin, dẫn đến tiểu đường type 2. Người bị béo bụng cũng dễ gặp các vấn đề như cholesterol cao và huyết áp cao, làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch và các bệnh lý mạch máu khác.
Một số dấu hiệu cảnh báo chuyển hóa cơ thể đang không tốt, như tăng acid uric máu, dễ bị viêm nhiễm. Đây là tiền đề dẫn đến các bệnh lý nguy hiểm. Nhiều trường hợp nặng hoặc trở thành mạn tính, phải uống thuốc điều trị suốt đời, chất lượng sống không thể trở lại.
Để giảm mỡ bụng nhanh, tăng số lượng cơ, chuyên gia khuyến cáo nên làm việc với bác sĩ dinh dưỡng hoặc huấn luyện viên để lên các hướng dẫn ăn uống, vận động cá nhân hóa.
Một số nguyên tắc chung, bao gồm hạn chế các thực phẩm siêu chế biến (thường có ít nhất 5 thành phần: đường, dầu ăn, chất béo, muối, chất chống oxy hóa, chất ổn định, chất bảo quản). Hạn chế đường và thức uống có đường, tinh bột hấp thu nhanh. Chế độ ăn bổ sung đủ protein (1 g/kg cân nặng/ngày), cùng trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt.
Bỏ thói quen làm việc riêng trong khi ăn, nên ăn chậm và nhai kỹ, uống nhiều nước để giảm cảm giác thèm ăn. Thay những loại đồ ăn nhanh bằng trái cây và các loại hạt. Đặc biệt, sự kết hợp giữa sữa chua và trái cây là món ăn vặt rất tốt giúp hệ tiêu hóa làm việc hiệu quả, kích thích đốt cháy năng lượng, đẩy lùi nguy cơ béo bụng.
Lối sống năng động, giảm thời gian ngồi, đặt mục tiêu ít nhất 5.000-7.000 bước chân/ngày. Tập thể dục ít nhất 30-45 phút mỗi ngày bằng các bài có tính kháng lực, giúp tăng lượng cơ bắp.
Cần phải thay đổi tư thế ngồi làm việc thường xuyên để phần cơ bụng được hoạt động giúp tránh việc mỡ tụ lại một chỗ, gây béo bụng. Ngồi với tư thế thẳng lưng và thoải mái không chỉ giúp tránh bị cong vẹo cột sống mà còn có thể sở hữu "tấm lưng ong" chuẩn.
Học cách quản lý stress hiệu quả và cải thiện chất lượng giấc ngủ, giúp giảm cảm giác thèm ăn các đồ không lành mạnh, cũng như tăng tốc độ sinh tổng hợp cơ bắp, giảm tình trạng đề kháng insulin.
Mỹ Ý
*Tên nhân vật được thay đổi
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/dan-van-phong-an-it-tap-nhieu-van-beo-bung-a107364.html