Trả lời:
Chạy bộ đúng cách giúp khớp được bôi trơn, trở nên dẻo dai, khỏe mạnh hơn. Song một số trường hợp runner có thể gặp các chấn thương hoặc bệnh lý xảy ra trong lúc chạy hoặc sau khi chạy, dẫn đến đau chân.
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội gần đây ghi nhận nhiều bệnh nhân đến khám trong tình trạng đau chân sau chạy đường dài giống trường hợp của bạn. Hai nguyên nhân phổ biến gây đau là căng, rách cơ và viêm phù nề gân cơ khoeo.
Căng, rách cơ
Chạy marathon đường dài khiến chân phải hoạt động liên tục, có thể gây tổn thương các sợi cơ và mô liên kết, dẫn đến cơ bị kéo giãn quá mức hoặc rách, từ đó xuất hiện triệu chứng đau.
Nguyên nhân phổ biến dẫn tới hiện tượng này là do chạy tốc độ cao, tăng quãng đường chạy đột ngột và cường độ luyện tập quá mức. Những người chạy nhiều sau khoảng thời gian nghỉ hoặc khởi động không kỹ trước khi chạy cũng có nguy cơ cao bị chấn thương này.
Viêm phù nề gân cơ khoeo
Bạn cũng có thể mắc hội chứng viêm, phù nề gân cơ khoeo, triệu chứng đặc trưng là đau ở một phần ba trên cẳng chân, mặt sau gối, tương tự với bạn mô tả. Đây là tình trạng cấp tính, cần điều trị khắc phục sớm.
Gân cơ khoeo nằm trong bao cơ khoeo. Về mặt động học, phần gân cơ này đóng vai trò quan trọng với các động tác xoay, gấp duỗi gối. Khi chạy, gân cơ khoeo phải làm việc liên tục, cọ xát qua lại trong bao cơ sẽ gây viêm, phù nề. Chẩn đoán chính xác viêm phù nề gân cơ khoeo cần dựa vào hình ảnh chụp MRI. Nếu không được điều trị kịp thời, phù nề kéo dài dẫn đến hiện tượng thiếu máu cơ mạn tính, làm xơ hóa cơ khiến cơ chân giảm sức kéo, vận động chân ngày càng yếu đi.
Người bệnh được chỉ định dùng thuốc giảm đau chống viêm và chườm lạnh làm dịu triệu chứng đau. Sau khi hết viêm, chân có thể hoạt động lại bình thường mà không lo gặp trở ngại.
Nếu cảm giác đau bắp chân sau chạy bộ kéo dài hơn một tuần và không có dấu hiệu giảm, bạn cần đi khám trực tiếp để bác sĩ xác định chính xác nguyên nhân, điều trị phù hợp.
Để phòng tránh các chấn thương khi chạy bộ đường dài, bạn nên khởi động kỹ, bắt đầu với cung đường bằng phẳng, đoạn đường ngắn, tốc độ chậm để cơ bắp có thời gian thích nghi. Sau khi cơ bắp quen dần với cường độ có thể tăng thời gian, tốc độ và quãng đường chạy. Bạn có thể sử dụng băng dán chống căng cơ, có tác dụng nâng đỡ, cố định các cơ khi chạy.
TS.BS Chế Đình Nghĩa
Phó khoa Chấn thương chỉnh hình
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/tai-sao-dau-chan-sau-khi-chay-42-km-a107351.html