Nhiều phụ huynh chủ động tìm hiểu trường tiểu học cho con từ sớm. Ảnh: Ngọc Trang. |
Tháng 9/2025, con trai chị Minh Thy (TP.HCM) mới chính thức vào lớp 1. Nhưng từ hơn một năm trước, nữ phụ huynh đã bắt đầu hỏi thăm người quen để tìm hiểu các trường tiểu học.
“Con lên 4 tuổi là tôi bắt tay vào tìm trường tiểu học rồi. Mỗi trường một ưu, nhược điểm khác nhau, muốn con có môi trường tốt, tôi phải chuẩn bị sớm”, chị Thy chia sẻ.
Lớp 1 là giai đoạn đầu tiên, quan trọng trong hành trình học tập của trẻ. Việc chuyển đổi từ môi trường mầm non sang tiểu học đòi hỏi trẻ phải thích nghi với nhiều thay đổi mới.
Thế nhưng, không chỉ trẻ bỡ ngỡ, nhiều phụ huynh cũng bối rối, trăn trở với loạt câu hỏi nên cho con học trường nào, trường công hay trường tư, làm thế nào để chọn được trường tốt…
Khảo sát cả chục nơi để tìm trường cho trẻ
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, chị Minh Thy cho biết đã tìm hiểu một số trường, từ công lập đến tư thục, quốc tế. Mỗi loại hình trường học đều có đặc điểm riêng, phương pháp đào tạo, chương trình học cũng khác nhau. Phụ huynh phải tìm hiểu sớm để xem có phù hợp với định hướng gia đình không.
Vì là “tập đầu”, chị Thy còn nhiều bỡ ngỡ. Để an toàn, với trường công lập, chị thường hỏi thăm qua người quen, bạn bè. Trong khi đó, trường tư thục/quốc tế thì mất công hơn. Sau khi tìm hiểu qua người quen, chị sẽ liên lạc trường để biết thêm thông tin.
Theo chị, trường công gần nhà có học phí rẻ, tiện đưa đón con, song chương trình học nặng, chị cũng không ưng chất lượng đào tạo lắm, chỉ chấm 5-6 điểm trên thang điểm 10. Trong khi đó, trường tư thục hay quốc tế chất lượng tốt thì chi phí đắt đỏ, lại xa nhà, chị không có nhiều lựa chọn.
Cuối cùng, sau một năm tìm hiểu, không phương án nào khả thi, chị Thy đành chấp nhận “chốt” cho con học trường công gần nhà vì đúng tuyến, dù còn nhiều thứ chị không ưng ý.
“Tôi cũng muốn tốt cho con nhưng điều kiện kinh tế gia đình không cho phép”, chị Thy nói.
Giống như chị Thy, đầu năm 2024, khi con mới 4,5 tuổi, chị Hải Linh (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng bắt đầu nghĩ đến việc con sẽ học trường tiểu học nào. Ban đầu, chị phân vân trường công, song trong quá trình quan sát, chị thấy con phù hợp với trường tư thục hơn.
Không chậm trễ, người mẹ bắt tay ngay vào tìm kiếm, bởi các trường tư thục thường tổ chức các buổi tham quan trường học sớm, chị không muốn bỏ lỡ dịp này. Ngoài ra, các trường tư chất lượng tốt thường có yêu cầu đầu vào với trẻ như phỏng vấn, làm bài kiểm tra để đánh giá tư duy, nhận thức. Phụ huynh cần tìm hiểu sớm để chủ động trong việc ôn tập cho trẻ.
Cùng với việc nhờ người quen tư vấn, chị Linh tham gia loạt hội, nhóm review trường tiểu học trên mạng xã hội. Cứ có bài nào liên quan đến các trường gần nhà, chị đều đọc hết.
Sau khi khảo sát 8 trường, chị Linh mới tạm chốt 2 trường là Tiểu học Lý Thái Tổ và Tiểu học song ngữ Brendon. Hai trường này ở gần nhà chị, mức học phí phù hợp, đánh giá đầu vào cũng nhẹ nhàng, phù hợp với yêu cầu vợ chồng chị đặt ra.
“Các trường còn lại, trường thì xa quá hoặc ngược đường, mất thêm khoản phí đưa đón, có trường thì học phí quá cao, trường thì đầu vào khắt khe nên vợ chồng tôi không chọn”, chị Linh nói bây giờ chỉ đợi các trường tổ chức tham quan là “chốt”.
Tìm trường như thế nào ở tuổi tiểu học là điều nhiều cha mẹ băn khoăn. Ảnh minh họa: Phương Lâm. |
Ba yếu tố cần cân nhắc để chọn trường cho trẻ
Tháng 10, các trường mới rục rịch thông báo tuyển sinh năm học 2025-2026, nhưng không riêng chị Thy hay chị Linh, trên các hội nhóm mạng xã hội, hàng loạt bài viết của phụ huynh được đăng tải để xin review, tư vấn về các trường tiểu học.
Thậm chí, phụ huynh có con sinh năm 2022, tức mới 2 tuổi, cũng sốt sắng tìm hiểu. Hầu hết phụ huynh đều nói rằng "cứ tìm hiểu dần để chủ động", tránh trường hợp nước đến chân mới nhảy.
Chị P.Q. (phụ huynh tại Hà Nội) cho biết gia đình định hướng cho con học các trường tư thục “hot” tại Hà Nội như Nguyễn Siêu, Archimedes, Ngôi sao Hà Nội. Vì vậy, con mới 2 tuổi, chị cũng đã bắt đầu tìm thông tin để chuẩn bị sớm vì các trường yêu cầu làm bài kiểm tra đầu vào.
Còn theo chị Hải Linh, để tìm được ngôi trường phù hợp, phụ huynh cần xác định được định hướng của gia đình trong việc giáo dục, phát triển trẻ. Khi có định hướng rồi, phụ huynh tiếp tục quan sát để đánh giá con phù hợp mô hình trường công hay tư.
Con chị Linh hơi khó tập trung, chương trình học nặng như ở trường công sẽ dễ đuối. Bên cạnh đó, gia đình chị định hướng con học ở môi trường nhẹ nhàng, ít học sinh, nhiều hoạt động ngoại khóa và ưu tiên ngoại ngữ.
Ngoài ra, việc sàng lọc đầu vào sẽ giúp con chị được học trong môi trường với những bạn cùng trình độ. Vì vậy, chị ưu tiên chọn trường tư.
Từ quá trình chọn trường tư cho con, người mẹ thấy 3 yếu tố cần cân nhắc. Đầu tiên là chương trình học phải phù hợp với định hướng giáo dục của gia đình.
Thứ hai là vấn đề kinh tế. Hiện nay, các trường tư khá đa dạng về học phí nên phụ huynh sẽ có nhiều lựa chọn hơn để phù hợp với thu nhập gia đình. Gia đình chị dự tính chi khoảng 15-20 triệu đồng/tháng cho việc học của con.
Mức này chiếm khoảng 1/3 thu nhập của vợ chồng chị, khá lớn nên chị Linh khuyên các phụ huynh nên chuẩn bị chi phí từ sớm, lên kế hoạch tài chính vì việc học là lâu dài, tránh để “đứt gánh giữa đường”.
“Các trường tư thường có ưu đãi giảm học phí nếu đóng theo kỳ, theo năm. Vì vậy, phụ huynh có thể chuẩn bị trước để tận dụng ưu đãi này”, phụ huynh nói.
Yếu tố thứ ba chị Linh nhắc đến địa điểm. Chị ưu tiên chọn trường gần nhà bởi đảm bảo được giờ giấc sinh hoạt của con, cha mẹ lại không phải vất vả trong việc đưa đón con mỗi ngày hoặc tốn thêm khoản phí xe tuyến.
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/con-moi-2-tuoi-phu-huynh-da-bat-tay-tim-truong-tieu-hoc-a107208.html