Bảo đảm môi trường dân chủ, kỷ cương để các nhà giáo tâm huyết, yên tâm với nghề
Sáng 20/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo.
Phát biểu góp ý tại phiên họp, đại biểu Trần Văn Tuấn (Đoàn Bắc Giang) cho rằng, dự án Luật Nhà giáo hiện nay đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ đông đảo các nhà giáo và xã hội.
Theo đại biểu, trong quá trình xây dựng dự án Luật này, cần quan tâm đến việc xây dựng được môi trường dân chủ, kỷ cương để các nhà giáo tâm huyết, yên tâm với nghề.
Bởi hiện nay còn thiếu quy định cụ thể về mối quan hệ giữa giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh, hệ thống pháp luật chưa có quy định rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong mối quan hệ này, vì vậy, giáo viên gặp khó khăn trong việc thực hiện biện pháp kỷ luật đối với học sinh.
Có nhiều giáo viên cảm thấy học sinh và cha mẹ học sinh đang có quá nhiều quyền, trong khi quyền của giáo viên chỉ mang tính hình thức. Khi cần thực hiện các biện pháp nghiêm khắc, giáo viên còn lo ngại về phản ứng tiêu cực từ dư luận xã hội, thậm chí là tố cáo, khiếu kiện từ phía gia đình học sinh.
Do vậy, một số giáo viên có xu hướng làm việc không tích cực, không phát huy hết năng lực, trí tuệ và tâm huyết. Nguyên nhân là do áp lực công việc ngày càng cao, cảm thấy không được tự chủ và thiếu sự tôn trọng, hợp tác từ phía học sinh và cha mẹ học sinh, dẫn đến tình trạng chán nản, muốn chuyển nghề hoặc về nghỉ hưu sớm…
Do vậy, đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị cần bổ sung thêm các chính sách nhằm tạo lập môi trường giáo dục dân chủ, kỷ cương để các nhà giáo phát huy đầy đủ phẩm chất, năng lực, trí tuệ và tâm huyết với nghề. Đại biểu cho rằng, quyền, nghĩa vụ của các chủ thể cần được thiết lập và bổ sung các quy định cụ thể hơn, tạo cơ sở pháp lý để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) bày tỏ: "Luật này quy định nhà giáo được xã hội bảo vệ, kính trọng, tôn vinh, tuy nhiên, tôi nghĩ cái mà thầy cô đang mong muốn hơn là luôn được người học, phụ huynh kính trọng".
Các thế hệ trước, gần như không xảy ra việc phụ huynh hành hung giáo viên hay học sinh xúc phạm thầy cô. Thời gian gần đây, những sự việc trên đôi lúc xảy ra làm ảnh hưởng đến hình ảnh người thầy, ảnh hưởng đến cả truyền thống tôn sư, trọng đạo của dân tộc.
Vì vậy, đại biểu đề nghị dự án Luật Nhà giáo cần bổ sung quy định những điều phụ huynh, người học không được làm đối với Nhà giáo, khi thầy cô vượt quá giới hạn cho phép, phụ huynh, người học cũng không được giải quyết mâu thuẫn trực tiếp với nhà giáo mà phải thông qua nhà trường, ban đại diện cha mẹ, cơ quan nhà nước.
Đối với quy định về nghĩa vụ của nhà giáo, đại biểu đề nghị điều chỉnh thành nghĩa vụ và trách nhiệm của nhà giáo; đối với một số trách nhiệm của nhà giáo, cần bổ sung nội dung có sự phối hợp của phụ huynh và người học.
Nhấn mạnh nhà giáo cần được bảo đảm môi trường an toàn trong hoạt động nghề nghiệp, đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền (Đoàn Nghệ An) cũng nêu thực trạng nhiều giáo viên né tránh, ngại xử lý vi phạm của học sinh, hạn chế trao đổi thông tin đối với gia đình và học sinh. Việc này sẽ làm gia tăng tình trạng lệch chuẩn trong nhà trường, gia tăng bạo lực học đường, gia tăng và phát sinh những căn bệnh xã hội đối với tuổi học trò.
Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung những quy định về quyền nhà giáo trước những tác động của cá nhân, tổ chức, cơ quan trong và ngoài nhà trường. Đối với nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp, cần khuyến khích việc áp dụng kỷ luật tích cực trong nhà trường và có những quy định cụ thể từ phía ngành, sự ủng hộ của gia đình và phụ huynh cũng như là của xã hội.
Nâng cao chuẩn mực đạo đức nhà giáo
Nêu ý kiến, đại biểu Nguyễn Thị Hà (Đoàn Bắc Ninh) bày tỏ ủng hộ điều khoản quy định những việc tổ chức cá nhân không được làm đối với nhà giáo để nhấn mạnh và tạo hành lang pháp lý vững chắc, toàn diện, nhằm bảo vệ nhà giáo.
Đối với quy định về công tác đào tạo, nâng cao chuẩn mực đạo đức nhà giáo, đại biểu cho biết, thời gian gần đây một số vụ việc giáo viên có những hành vi, lời nói thiếu chuẩn mực, có hành vi phản cảm trong môi trường tôn nghiêm trong môi trường sư phạm, vi phạm đạo đức nhà giáo và ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần, thể chất của học sinh, cũng như giảm sút uy tín, hình ảnh của người thầy.
Tại khoản 3 Điều 10 đã quy định giao Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định quy tắc ứng xử của nhà giáo nhưng cần rà soát quy định tại các điều, khoản khác để làm rõ hơn các quy định của nhà giáo, tính nêu gương của nhà giáo.
Đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định bảo vệ nhà giáo trước các hành vi, bạo lực xúc phạm nhà giáo đến từ học sinh, phụ huynh. Các chế tài xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo cần cụ thể và rõ ràng hơn.
Ngoài ra, trong dự án Luật Nhà giáo, quy định về bồi dưỡng nhà giáo chỉ mới tập trung vào việc bồi dưỡng kiến thức chuyên môn hoặc năng lực quản lý, mà chưa có nội dung về bồi dưỡng đạo đức nhà giáo. Vì vậy, đại biểu đề nghị ban soạn thảo bổ sung quy định nội dung về đào tạo nâng cao chuẩn mực đạo đức và hành vi cho nhà giáo.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) bày tỏ nhất trí với việc không được lan truyền, phát tán thông tin không chính xác về nhà giáo, gây ảnh hưởng tiêu cực tới uy tín, danh dự và nhân phẩm của nhà giáo. Tuy nhiên, cần xem xét lại việc không công khai thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của nhà giáo.
Theo đại biểu, hoạt động của nhà giáo không phải bí mật quốc gia; nhà giáo cũng như mọi công dân trong mọi lĩnh vực khác của xã hội nên trong quá trình hoạt động phải tuân thủ mọi quy định pháp luật và phải chịu sự giám sát của nhân dân, của phụ huynh và của cả học sinh về hoạt động của mình.
Nếu nhà giáo sai phạm thì người dân có quyền phản ánh; trong quá trình thanh tra, kiểm tra, các cơ quan thông tấn, báo chí có quyền đưa tin cũng là một hình thức công khai trước dư luận.
Hải Giang
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/can-co-quy-dinh-bao-ve-nha-giao-giam-thieu-tinh-trang-bao-luc-hoc-duong-a107180.html