Hàng ngoại nhập "áp đảo" hàng Việt
Để bảo vệ hàng Việt cũng như sản xuất trong nước, ngoài nỗ lực của bản thân các doanh nghiệp, nhiều chuyên gia cho rằng cơ quan chức năng cần sớm có các giải pháp như xây dựng hàng rào thuế quan đối với hàng nhập giá rẻ và có chính sách hỗ trợ về vốn, hạ tầng, hệ thống logistics... Nếu không, hàng Việt sẽ bị "bức tử" trên sân nhà, sản xuất trong nước cũng ngày càng teo tóp.
Vào một fanpage Facebook có tên "Chuyên thời trang Quảng Châu..." với hơn 105.000 thành viên, ghi nhận mỗi ngày có hàng chục bài đăng bán lượng lớn quần áo, giày dép Quảng Châu (Trung Quốc) với giá chỉ từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng được đông đảo người mua quan tâm.
Theo Tuổi Trẻ ngày 17/1, bà Ngô Thị Hoa, chủ một kênh livestream bán hàng thời trang, cho biết trước đây thường bán xen kẽ hàng Việt và Trung. Nhưng hơn 1 năm nay, bà chuyển sang bán hàng Trung Quốc vì hàng nhập về quá dễ dàng, mẫu mã đa dạng.
"Một đôi giày bình dân hàng Trung chỉ khoảng 100.000 - 150.000 đồng, trong khi hàng Việt cùng phân khúc này 150.000 - 200.000 đồng. Chưa kể Trung Quốc có đến cả 30 - 40 mẫu giày, gần như tháng nào cũng có mẫu mới nên dễ bán hơn hẳn", bà Hoa nói.
Theo một số người bán hàng, không cần qua Trung Quốc tiểu thương vẫn có thể lấy hàng từ các kho xưởng trong nước, nhưng khoảng 70 - 80% là nhập hàng từ Trung Quốc. Ngoài đồ thời trang, hàng gia dụng của Trung Quốc như thau chậu, xoong nồi, cây lau nhà... với số lượng dồi dào và giá rất rẻ, thậm chí bằng nửa giá hàng Việt.
Tương tự, các chương trình giảm giá lớn từ nhiều sàn thương mại điện tử (TMĐT) cũng tràn ngập hàng Trung Quốc. Vào một sàn TMĐT lớn, chỉ cần gõ cụm từ "hàng Trung Quốc" vào ô tìm kiếm, ngay lập tức hiển thị hàng loạt kết quả với rất nhiều loại hàng hóa từ đồ gia dụng, văn phòng phẩm, mỹ phẩm, thời trang, thực phẩm, thậm chí có cả cây giống...
Tìm đến một tài khoản chuyên bán quần áo Trung Quốc trên sàn này, chúng tôi ghi nhận sàn này đang giảm giá 50%, miễn phí giao hàng, thậm chí tặng thêm tiền nếu giao hàng trễ so với cam kết... Những chính sách này giúp thu hút đông đảo người mua.
Chia sẻ trên Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đặng Hiến, phó chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM (HBA), cho rằng hàng Trung Quốc đi theo chính sách giá rẻ và mẫu mã đa dạng, đánh đúng tâm lý tiêu dùng của những nước đang phát triển như Việt Nam, đặc biệt là các vùng nông thôn.
Do đó theo ông Hiến, dễ hiểu khi hàng Trung ngày càng lấn át hàng Việt, gần như đi đâu, nhóm hàng nào cũng thấy. Nhưng không chỉ chiếm ưu thế trong lĩnh vực giày da, may mặc, đồ gia dụng, ngành sản xuất thực phẩm của Trung Quốc cũng đang lấn sân sang Việt Nam rất nhanh.
"Các công ty nước giải khát - đồ uống trong nước chỉ chiết khấu cho nhà phân phối cấp 1 từ 12 - 15%, nhưng hàng Trung Quốc có thể đưa ra mức chiết khấu cao hơn nhiều. Điều này dễ khiến nhà phân phối xiêu lòng và lựa chọn "sống chết" với hàng Trung Quốc, ngó lơ sản phẩm khác", ông Hiến nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Luận, giám đốc Công ty TNHH Liên kết thương mại toàn cầu (TP.HCM), cho biết ngay cả sản phẩm cà phê vốn là thế mạnh của Việt Nam nhưng doanh nghiệp này cũng gặp khó khi cạnh tranh hàng Trung Quốc, chưa nói đến chuyện xâm nhập thị trường này.
Bởi việc bán hàng trên các sàn TMĐT, livestream bán hàng thì không dễ vì vướng nhiều chính sách và mức thuế, phí cao. Trong khi đó, ngoài giá rẻ, hàng Trung Quốc thường được sự đồng hành, hỗ trợ lớn của sàn TMĐT đến từ Trung Quốc như TikTok, Temu... khiến hàng Việt đã khó cạnh tranh càng gặp khó.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Khánh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Da giày TP.HCM, cho biết trước dịch COVID-19, thị trường trong nước tiêu thụ đến khoảng 50 - 60% hàng da giày được doanh nghiệp nội sản xuất, nhưng tỉ lệ này đang giảm rất mạnh.
Theo ông Khánh, ngoài lý do kinh tế khó khăn, hàng Trung Quốc giá rẻ tràn ngập là lý do chính khiến doanh nghiệp Việt đang sống mòn. Đơn cử, đôi giày thể thao Trung Quốc được bán tại Việt Nam có loại chỉ 60.000 - 70.000 đồng/đôi nhưng nếu doanh nghiệp Việt sản xuất, ít nhất giá vốn phải 100.000 đồng/đôi.
"Trung Quốc tự chủ được nguyên vật liệu, công nghệ, trong khi Việt Nam gần như nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, mẫu mã luôn đi sau. Nên so về giá thành, mẫu mã, Trung Quốc đã ăn đứt rồi. Chưa kể Trung Quốc xây dựng các trung tâm thương mại lớn sát biên giới và cho doanh nghiệp vào trưng bày, giới thiệu hàng gần như không tốn phí", ông Khánh nói.
Theo ông Nguyễn Đặng Hiến, hàng Trung Quốc muốn thâm nhập thị trường nào đó thường được "hộ tống" của các trang TMĐT, hệ thống vận tải, kho vận lớn ở dọc biên giới, chưa kể được ưu đãi nhiều về vốn, công nghệ trong quá trình sản xuất giúp tiết giảm giá thành.
Một chuyên gia trong lĩnh vực TMĐT cho biết không riêng gì Trung Quốc, Thái Lan cũng đang dần học theo và làm khá tốt chiến thuật này, đặc biệt là xây dựng kho vận dọc biên giới. Ngược lại, các doanh nghiệp Việt gần như tự bơi.
"Những kho vận, trung tâm thương mại dọc biên giới, cửa khẩu của chúng ta gần như chỉ đếm trên đầu ngón tay, điều này ảnh hưởng rất lớn đến khâu logistics khi thâm nhập thị trường nước ngoài", vị này nói.
Cứ sản phẩm Trung Quốc là chất lượng kém?Một chiếc giá đỡ điện thoại của một gian hàng Trung Quốc bán với giá 33.000 đồng trên sàn thương mại điện tử Shopee đã ghi nhận 5.300 lượt mua. Tuy nhiên, có không ít người dùng đánh giá sản phẩm lỏng lẻo, quá yếu không giữ được điện thoại và cho rằng phí tiền khi mua.
Tương tự, sản phẩm son bóng của một gian hàng Trung Quốc bán giá chỉ 21.000 đồng/cây đã thu hút hơn 57.000 lượt mua trên Shopee cũng nhận về loạt đánh giá chất lượng kém. "Mùi hăng, chất lượng thấp, thấy giá rẻ lượt đánh giá lại cao nên mua thử nhưng khi nhận son, tôi cảm thấy rất thất vọng", một tài khoản bình luận.
Chị Nguyễn Hoài (Cầu Giấy, Hà Nội) kể chị từng mua một số sản phẩm Trung Quốc trên sàn thương mại điện tử nhưng cảm thấy phí tiền vì chất lượng kém, nhanh hỏng.
"Tôi từng đặt mua một chiếc áo sơ mi chỉ hơn 100.000 đồng nhưng khi nhận về chiếc áo rất mỏng, màu sắc không hề giống mẫu. Đến nay, tôi vẫn chưa mặc lần nào", chị nói và cho biết nhiều sản phẩm khác chị mua từ shop quốc tế có giá rẻ nhưng khá chất lượng, dùng bền.
Thực tế, không phải sản phẩm nào từ shop (gian hàng) Trung Quốc cũng có chất lượng kém. Hàng Trung Quốc khá đa dạng, việc người Việt quan điểm sản phẩm Trung Quốc rẻ, chất lượng kém là bởi người bán thường lựa chọn loại sản phẩm này để tiếp cận khách hàng.
Thu Thủy (quận Đống Đa, Hà Nội), chuyên order (đặt hàng) sản phẩm thời trang local brand (thương hiệu thời trang nội địa) Trung Quốc cho biết gần đây người dùng rất quan tâm đến sản phẩm cao cấp của một số shop ở Trung Quốc.
"Các mẫu có giá khá cao, dao động từ 500.000 đồng đến vài triệu đồng nhưng chất lượng vải, đường may... không hề kém thời trang cao cấp trên thế giới. Hàng cũng cam kết chuẩn như hình mẫu, tuy nhiên người mua cần cẩn trọng với sản phẩm nhái", chị nói.
Theo chị, sản phẩm nội địa của Trung Quốc không chỉ có mẫu nhái giá rẻ, chất lượng kém mà cũng có nhiều sản phẩm chất lượng rất cao, mẫu mã đa dạng. Mức giá thường đi đôi với chất lượng sản phẩm.
Chia sẻ trên , ông Đỗ Quang Huy, chuyên gia mảng thương mại điện tử, cho biết giống như hàng hóa Việt Nam trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, TikTok Shop... thì trên các sàn Trung Quốc, cũng có shop chất lượng kém và chất lượng cao.
"Với shop Việt Nam, khi người tiêu dùng biết cách lựa chọn gian hàng, sản phẩm như đánh giá, shop chính hãng... sẽ tránh tình trạng mua hàng kém chất lượng. Tương tự, với các shop Trung Quốc cũng vậy", ông nói.
Về mức giá siêu rẻ của sản phẩm Trung Quốc khi vào Việt Nam, ông Huy cho biết trước hết, do sản phẩm có giá trị nhỏ từ quốc gia này nhập khẩu về Việt Nam thông qua các sàn thương mại điện tử chưa bị đánh thuế.
Bên cạnh đó, sản phẩm phân phối qua các trang thương mại điện tử Trung Quốc như Temu, 1688... đa số đều được vận chuyển từ nhà sản xuất đến thẳng tay người tiêu dùng nên có giá rất rẻ. "Được sản xuất số lượng lớn, giá rẻ, phí vận chuyển được hỗ trợ... giúp sản phẩm Trung Quốc có giá rẻ", ông lý giải.
Ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc Công ty TNHH Liên kết thương mại toàn cầu (TP.HCM) cho rằng, cần có giải pháp để hàng Việt Nam phủ hết kệ hàng tại các siêu thị, trong sân bay. Chẳng hạn như phải có nhiều những gian hàng OCOP, có không gian để trưng bày.
"Không chỉ xây dựng hàng rào thuế quan với hàng nhập giá rẻ, cần có chính sách hỗ trợ hàng Việt Nam như hỗ trợ xúc tiến, giảm thuế phí cho khâu nguyên liệu...", ông Luận nói.
Khánh Linh (t/h)
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/hang-ngoai-nhap-gia-re-ap-dao-hang-viet-lieu-gia-ca-co-di-doi-voi-chat-luong-a106876.html