Ngáy to - dấu hiệu ngưng thở khi ngủ

Ngáy kèm theo triệu chứng như buồn ngủ nhiều, mệt mỏi vào ban ngày, thường xuyên thức giấc do khó thở có thể là dấu hiệu ngưng thở khi ngủ.

Ngủ ngáy là tình trạng phát ra âm thanh trong vô thức khi ngủ. Theo ThS.BS Đặng Thành Đô, khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, đa phần ngáy không ảnh hưởng tới sức khỏe. Tuy nhiên, đây có thể là dấu hiệu của hội chứng ngưng thở khi ngủ - dạng rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng.

Ngưng thở khi ngủ là tình trạng luồng khí hít vào bị gián đoạn tạm thời hơn 10 giây do tắc nghẽn đường thở hoặc tổn thương thần kinh trung ương. Trong đó, nguyên nhân phổ biến là do tắc nghẽn, xảy ra khi các mô trong vùng hầu họng chèn ép khiến luồng không khí đi qua bị gián đoạn, dẫn đến ngáy. Người bệnh thường có tiếng ngáy to, gián đoạn, kèm theo tiếng thở hổn hển gây thức giấc đột ngột. Người ngủ ngáy thường phát ra tiếng ngáy liên tục trong đêm, cho đến khi tỉnh giấc.

Ngưng thở khi ngủ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, hay gặp hơn ở tuổi trung niên. Người nghiện rượu, sử dụng thuốc an thần, chất gây nghiện, bị đái tháo đường, tăng huyết áp, nhược giáp, suy tim, bệnh mạch máu não... có nguy cơ ngưng thở khi ngủ cao. Người béo phì, cổ họng hẹp, cằm lẹm cũng thường bị ngưng thở khi ngủ. Ngoài ra, bệnh có thể do não không gửi tín hiệu đúng để điều khiển hô hấp, có liên quan đến đột quỵ hoặc suy tim. Người mắc bệnh phổi mạn như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường gặp khó khăn khi thở, dẫn đến ngủ ngáy.

Ngưng thở khi ngủ kéo dài nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, nguy cơ gây đột tử. Người bệnh buồn ngủ ban ngày, tăng nguy cơ xảy ra tai nạn ô tô, khó khăn trong công việc và rối loạn chức năng tình dục.

Bác sĩ tiến hành đo đa ký giấc ngủ kiểm tra tình trạng ngưng thở khi ngủ. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bác sĩ đo đa ký giấc ngủ kiểm tra tình trạng ngưng thở khi ngủ. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Gián đoạn giấc ngủ có liên quan đến tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch như suy tim, rung nhĩ và các rối loạn nhịp tim khác, huyết áp cao, đột quỵ. Nguy cơ đột quỵ, tử vong tăng lên dù kiểm soát các yếu tố nguy cơ khác ví dụ như huyết áp cao, tiểu đường...

Đo đa ký giấc ngủ giúp đánh giá tình trạng rối loạn giấc ngủ, chẩn đoán ngưng thở khi ngủ. Máy ghi lại tất cả những thay đổi sinh lý xảy ra trong giấc ngủ, không gây đau đớn. Bệnh nhân có thể tự đo tại nhà với máy đo đa ký hô hấp (loại máy có cấu tạo đơn giản, ít kênh tín hiệu hơn nhưng dễ sử dụng hơn máy đa ký giấc ngủ) theo tư vấn của bác sĩ. Bên cạnh đó, nội soi tai mũi họng cũng hỗ trợ phát hiện bệnh lý, cấu trúc gây hẹp tắc đường thở. Dựa trên các kết quả thu được kết hợp yếu tố lâm sàng, bác sĩ có thể kết luận người bệnh ngủ ngáy có liên quan tới ngưng thở khi ngủ hay không.

Sau khi được chẩn đoán, đánh giá mức độ ngưng thở khi ngủ, bác sĩ tư vấn điều trị phù hợp. Người bệnh nhẹ cần giảm cân, ngủ nghiêng, gối cao đầu khi ngủ, thay đổi lối sống như giảm bia rượu, thuốc lá... hỗ trợ cải thiện chất lượng giấc ngủ, có thể cải thiện tình trạng ngáy.

Người bệnh có thể dùng dụng cụ hỗ trợ gắn miệng đẩy hàm, điều trị viêm mũi dị ứng, bệnh tai mũi họng gây hẹp tắc đường thở nếu có. Bệnh nhân ở mức độ trung bình hoặc nặng thường đeo máy thở áp lực dương liên tục (CPAP) khi ngủ hoặc phẫu thuật chỉnh hình màn hầu - lưỡi gà (UPPP) để điều trị ngáy và các biến chứng do ngưng thở khi ngủ gây nên.

Khuê Lâm

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/ngay-to-dau-hieu-ngung-tho-khi-ngu-a106688.html