Giới trẻ TP.HCM làm việc nhanh gấp đôi, được sếp khen nhờ AI

Nhanh chóng tiếp cận, sử dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) trong công việc, nhiều nhân sự trẻ nâng cao hiệu suất làm việc hơn hẳn so với trước đây.

Cách đây không lâu, Hồng Anh (chuyên viên quản lý mạng xã hội, TP.HCM) bất ngờ được giao nhiệm vụ viết khoảng 5-7 bài đăng vì nhân viên phụ trách đầu việc này nghỉ đột xuất. Chỉ có khoảng 1 giờ để thực hiện, lại đúng ngày bận bù đầu với nhiều cuộc họp, cô khá căng thẳng.

Tuy nhiên, nhờ có Gemini (mô hình AI được phát triển bởi Google), Hồng Anh giải quyết xong các đầu việc chỉ trong khoảng 45 phút.

“Chỉ cần nhập prompt (câu lệnh) chuẩn là ‘khỏe’ lắm”, nữ nhân viên truyền thông chia sẻ với Tri Thức - Znews.

Không chỉ với Hồng Anh, các công cụ AI (trí tuệ nhân tạo) với khả năng xử lý thông tin mạnh mẽ đang trở thành nguồn hỗ trợ đắc lực cho nhiều nhân sự trẻ, đặc biệt ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội. Đi kèm với đó, việc sử dụng sao cho đem lại trải nghiệm tốt nhất, không bị phụ thuộc vào các công cụ cũng là điều không ít người lao động lưu tâm và liên tục trau dồi.

Nhanh, hiệu quả

Hồi tháng 8, công ty Samsung Electronics công bố báo cáo "Hiệu ứng AI-Preneur năm 2024: Cách thế hệ Z và thế hệ tiếp theo đang chuyển đổi văn hóa làm việc", thực hiện khảo sát 5.048 người thuộc thế hệ Z (18-27 tuổi) tại 5 quốc gia (Hàn Quốc, Đức, Anh, Mỹ, Pháp).

Theo đó, 80% số thanh niên được hỏi ở Hàn Quốc nghĩ đến các công cụ AI đầu tiên khi cần nguồn lực hỗ trợ trong công việc, xếp sau là Đức (61%), Anh (59%), Mỹ (56%) và Pháp (55%).

Báo cáo cũng cho thấy nhiều người trẻ có các công việc tay trái dùng AI tận dụng các công cụ này cho nhiều nhiệm vụ khác nhau. Cụ thể 47% người được hỏi ở Anh dùng AI để tóm tắt tài liệu hoặc ghi chú cuộc họp, 39% hỗ trợ trong nghiên cứu hoặc tìm cảm hứng ý tưởng.

Tại Việt Nam, các hội nhóm trên Facebook chia sẻ kinh nghiệm, cách sử dụng các công cụ AI trong công việc cũng thu hút từ hàng chục đến hàng trăm nghìn thành viên.

dung AI trong cong viec anh 1

Nhiều nhân sự trẻ tại các quốc gia như Hàn Quốc, Đức, Mỹ cũng đang ứng dụng AI vào công việc. Ảnh minh họa: Korea Times.

Hoàng Thiên (sinh năm 2002) là một trong những thành viên học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ các hội nhóm này. Cô hiện đảm nhiệm vị trí Social Media Editor và Content Writer cho một công ty tại TP.HCM.

Bắt đầu sử dụng từ năm 4 đại học, Thiên chủ yếu dùng ChatGPT hoặc Gemini. Ban đầu, cô viết các câu lệnh theo bản năng, song dần dần học được cách viết prompt chuẩn, giúp AI hiểu ý mình hơn.

“Tôi từng phải tốn nguyên một ngày để lên kế hoạch truyền thông tháng cho fanpage, từ khâu lên ý tưởng, sắp xếp nội dung sao cho phù hợp, trong tháng có ngày lễ nào, nhưng giờ với sự hỗ trợ, chắc tôi chỉ mất một buổi sáng là đã xong mà vẫn đảm bảo các yêu cầu cho một kế hoạch, nhanh gấp đôi”, Thiên chia sẻ.

Nữ nhân viên truyền thông thường chia các đoạn hội thoại riêng cho từng chủ đề thay vì hỏi nhiều vấn đề trong một cuộc trò chuyện để đạt hiệu quả tìm kiếm cao hơn. Cô cũng thường đặt tên cho từng đoạn hội thoại để dễ tìm lại khi cần. Vì các công cụ đang sử dụng đều ở phiên bản miễn phí, Thiên không đòi hỏi gì thêm song hy vọng chúng có thể cải thiện để hiểu ý người dùng hơn nữa.

“Tôi vào công ty được 3 tháng, đều có sử dụng AI trong công việc và may mắn mọi thứ đều suôn sẻ, nhanh chóng và được khen thưởng cả 3 tháng qua”, Thiên nói.

Sử dụng thông minh

Trước nhiều lợi ích dễ thấy và nhanh chóng, AI ngày càng trở thành thứ quen thuộc với Hoàng Thiên trong công việc. Tuy nhiên, cô tự tin không lo sẽ bị phụ thuộc hay ỷ lại vào các công cụ trí tuệ nhân tạo bởi luôn sử dụng một cách “đủ” và thông minh.

“Với các thông tin nhận được từ ChatGPT, tôi luôn mài dũa, lọc lại, viết lại và không bao giờ ‘copy-paste’ từ phần trả lời. Thực ra ngôn ngữ ChatGPT cũng khá đặc trưng, đọc là biết nên tôi chỉ thường nhờ nó khơi ý tưởng, phần viết sao cho hay thì con người vẫn cần tự làm”, cô nói, cho biết thêm cấp trên khuyến khích cô và đồng nghiệp sử dụng trí tuệ nhân tạo để nâng cao hiệu quả công việc.

Tương tự, Hồng Anh cũng đầu tư thời gian và nhờ đồng nghiệp hướng dẫn để biết “hỏi” AI sao cho hiệu quả, ví dụ như với công cụ Sonix. Đặc biệt, cô còn được công ty hỗ trợ chi phí sử dụng công cụ này.

“Sếp tôi rất khuyến khích nhân viên học cách dùng AI, nhất là với môi trường agency như chúng tôi. Bạn bè, đồng nghiệp quanh tôi gần như cũng đều đang sử dụng một (vài) công cụ. Thậm chí giờ tôi thấy hơi thiếu thiếu nếu không có chúng nữa”, cô chia sẻ.

dung AI trong cong viec anh 4

Thanh chi khoảng 100 USD mỗi tháng cho các công cụ AI trả phí. Ảnh: NVCC.

Với Lê Viết Thanh (27 tuổi, TP.HCM), anh thậm chí tự bỏ ra khoảng 100 USD (2,5 triệu đồng) một tháng cho các công cụ AI trả phí để phục vụ công việc phóng viên ảnh, sản xuất hình ảnh tại các sự kiện âm nhạc, thời trang vì những lợi ích nó đem lại. Với công cụ Generative Fill của Adobe Photoshop, anh đánh giá nó như “một bước tiến mới trong việc chỉnh sửa ảnh” của bản thân và giới nhiếp ảnh nói chung.

“Ví dụ, có những khung hình khi chụp, tôi không thể có được bố cục ưng ý do tiêu cự ống kính hay không gian không cho phép. Khi hậu kỳ, công cụ gần như giúp tôi thay đổi được bố cục một cách ưng ý, giúp ‘vẽ’ thêm các chi tiết vào ảnh với độ chính xác cao, rất tiện dụng. Điều này chắc chắn sẽ rất khó nếu dùng kỹ thuật của bản thân, có thể nói là gần như không thể.

Một việc khó chịu hơn trong lĩnh vực nhiếp ảnh sự kiện là đôi khi có những người vô tình đi vào khung hình trong những khoảnh khắc quan trọng, việc sử dụng AI gần như giúp tiết kiệm 3, 4 lần thời gian để xóa các chủ thể đó, mất chừng 5 giây là xong, có khi còn hiệu quả hơn làm bằng thao tác thủ công”, anh kể. Với sự đánh giá cao dành cho các công cụ AI khi giúp tăng hiệu suất làm việc, nâng cao thu nhập, không khó hiểu khi Thanh sẵn sàng trả phí để đổi lại các sản phẩm tốt, tốc độ hơn.

Tương tự những lĩnh vực khác, Thanh cho rằng nên hiểu bản chất của công cụ, từ đó sẽ vận dụng được nó một cách tốt nhất.

“Ví dụ hiện nay, AI đang giúp tôi chỉnh sửa ảnh nhàn hơn, nhưng đôi lúc sẽ không làm đúng mục đích mong muốn, lúc này, kiến thức nền tảng của việc chỉnh sửa ảnh sẽ giúp tôi điều chỉnh công cụ để có được sản phẩm tốt hơn. Tôi không sợ bị phụ thuộc vào các công cụ này, nhưng có thể nó sẽ là thói quen khó bỏ nếu không còn tồn tại nữa”, anh nói.

AI có cướp đi công việc của chúng ta?

Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/gioi-tre-tphcm-lam-viec-nhanh-gap-doi-duoc-sep-khen-nho-ai-a106619.html