PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết thông tin trên tại Lễ mít tinh và hội thảo khoa học hưởng ứng Ngày Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) toàn cầu năm 2024, ngày 15/11.
COPD là một bệnh phổ biến trên thế giới, hơn 380 triệu người mắc bệnh. Đây cũng là nguyên nhân tử vong đứng thứ 3 toàn cầu. Ước tính có 3 triệu người trên toàn cầu tử vong mỗi năm do COPD. Con số dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên do dân số thế giới già đi và tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ như khói thuốc lá, khói bụi, khí độc hại.
Bệnh được đặc trưng bởi các triệu chứng hô hấp dai dẳng và giới hạn lưu lượng khí thở do sự bất thường của đường thở, hoặc phế nang. Nghiên cứu trên thế giới cho thấy, tỷ lệ mắc COPD lứa tuổi 30-79 là 10%; trong đó 80% người bệnh mắc sống ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình.
Người mắc bệnh giai đoạn đầu thường có biểu hiện ho, khạc đờm kéo dài, khó thở. Sang giai đoạn sau, bệnh nhân ở thể nặng hơn, khó thở thường xuyên hơn, khi gắng sức nhẹ hoặc liên tục. Tình trạng của bệnh nhân có thể xấu đi khi mắc phải các đợt kịch phát. Người bệnh COPD khi lên cơn đợt cấp sẽ dẫn đến khó thở nặng, phải đặt nội khí quản, thở máy ngay.
Thuốc điều trị dự phòng cho bệnh nhân COPD hầu hết được bảo hiểm y tế chi trả. Trường hợp không được bảo hiểm y tế trả, bệnh nhân phải dùng thuốc dự phòng tại nhà chi phí trung bình khoảng 1,5 triệu đồng một tháng. Khi bệnh nhân gặp biến chứng, chi phí điều trị có thể tăng gấp 13 lần, lên đến hơn 200 triệu đồng mỗi năm.
TS. Nguyễn Minh Hằng, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho biết COPD không thể chữa khỏi nhưng có thể cải thiện các triệu chứng nếu tránh hút thuốc và tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ. Tiêm vaccine, đặc biệt là vaccine phòng cúm, phế cầu, để ngăn ngừa nhiễm trùng hô hấp. Duy trì hoạt động thể chất như tập thể dục thường xuyên hoặc vật lý trị liệu để hồi chức năng phổi, luôn đảm bảo chế độ dinh dưỡng lành mạnh và giàu chất chống oxy hóa.
Tại Việt Nam, hoạt động phòng chống COPD và hen phế quản được bắt đầu từ năm 2011 trong chiến lược Quốc gia về phòng ngừa và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm. Bệnh viện Bạch Mai đã thành lập và duy trì hoạt động hơn 300 phòng quản lý ngoại trú, 3.000 trạm y tế xã/phường triển khai hoạt động dự phòng và phát hiện sớm người bệnh COPD, 700.000 người bệnh COPD và hen phế quản được quản lý tại các cơ sở y tế.
Lê Nga
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/nguoi-viet-mac-benh-phoi-tac-nghen-man-tinh-cao-nhat-chau-a-a106579.html