Nhà trường sẽ có phôi bằng đúng quyết định mở ngành đào tạo
Mới đây, Đại học Duy Tân đã tổ chức lễ tốt nghiệp cho 60 sinh viên khóa đầu tiên của ngành Bác sĩ Răng – Hàm – Mặt, trong đó có 14 sinh viên đạt loại xuất sắc và 37 sinh viên đạt loại giỏi. Tuy nhiên, một vấn đề bất ngờ đã phát sinh liên quan đến phôi bằng tốt nghiệp, gây khó khăn cho các tân bác sĩ sau khi ra trường.
Cụ thể, trên phôi bằng tốt nghiệp của các sinh viên ghi "Bác sĩ Nha khoa" thay vì "Bác sĩ Răng – Hàm – Mặt", điều này đã gây khó khăn khi họ nộp bằng để xin chứng nhận hành nghề y, xin việc.
Các bệnh viện, theo quy định hiện hành, không công nhận bằng "Bác sĩ Nha khoa" vì theo quy định pháp luật, ngành nghề này không tồn tại trong hệ thống đào tạo y tế ở Việt Nam. Điều này đã khiến nhiều sinh viên gặp phải sự từ chối khi xin việc.
Liên quan vấn đề này, giám đốc một bệnh viện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, yêu cầu giấu tên, cho biết, theo quy định hiện nay, chỉ có ngành Bác sĩ Răng – Hàm – Mặt, không có ngành Bác sĩ Nha khoa. Vì vậy, khi các sinh viên có bằng "Bác sĩ Nha khoa" nộp đơn xin chứng nhận hành nghề y, sẽ không được chấp nhận.
Vị giám đốc này cũng cho rằng, đối với trường hợp trên, nhà trường cần có hướng giải quyết hợp lý và thuận lợi để đảm bảo quyền lợi cho các sinh viên, giúp họ có thể tiếp tục theo đuổi nghề nghiệp của mình mà không gặp phải những trở ngại không đáng có.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Đại học Duy Tân cho biết, sinh viên vẫn tốt nghiệp ngành Răng – Hàm – Mặt theo đúng chương trình đào tạo của trường. Tuy nhiên, phôi bằng lại ghi "Bác sĩ Nha khoa" là do quy định tại Nghị định 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019.
Đại học Duy Tân đã làm việc với các cơ quan quản lý văn bằng để giải quyết vấn đề cho sinh viên. Theo đó, dù phôi bằng có ghi "Bác sĩ Nha khoa", nhưng bảng điểm tốt nghiệp, ngành tốt nghiệp của sinh viên do nhà trường đào tạo đều ghi rõ ngành Răng – Hàm – Mặt.
Đồng thời, ông Hải khẳng định, phía nhà trường làm việc với các cơ quan có liên quan để đảm bảo quyền lợi cho sinh viên.
Đến chiều 15/11, ông Hải thông tin, phía nhà trường đã nhận được hướng dẫn giải quyết. Vào tuần sau sẽ có phôi bằng đúng với quyết định mở ngành đào tạo Răng – Hàm – Mặt.
Phôi bằng ghi "Bác sĩ nha khoa" có thể phát sinh vướng mắc liên quan khi hành nghề
Luật sư Phạm Ngọc Hải, Đoàn luật sư thành phố Đà Nẵng, cho rằng, theo quy định tại Thông tư số 19/2011/TT-BGDĐT ngày 24/05/2011 ban hành mẫu bằng tốt nghiệp Đại học thì tên văn bằng đối với ngành y thì sẽ được ghi "Bằng Bác sĩ" hoặc "Bằng Cử nhân".
Tuy nhiên, Thông tư này hiện nay đã hết hiệu lực vào ngày 1/3/2020, bị thay thế bằng Thông tư 27/2019/TT-BGDĐT ngày 30/12/2019, Thông tư mới này không còn quy định chi tiết về cách ghi bắt buộc đối với mục tên văn bằng. Cơ sở giáo dục đại học tự thiết kế mẫu và được bổ sung các nội dung khác ghi trên phụ lục văn bằng phù hợp với quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Thông tư số 24/2017/TT-BGDĐT cũng như Thông tư số 09/2022/TT-BGDĐT về danh mục thống kê ngành đào tạo của giáo dục đại học thì tên gọi của ngành đào tạo là: Răng – Hàm – Mặt (Nha khoa), thuộc mã ngành 77205.
Tuy nhiên, theo quy định tại Thông tư 32/2023/TT-BYT hướng dẫn Luật Khám, Chữa Bệnh thì chỉ quy định về phạm vi hành nghề của Bác sĩ Răng Hàm Mặt, không dùng khái niệm Bác sĩ Nha Khoa.
Khoản 1 Điều 10 Thông tư này cũng có quy định việc xác định phạm vi hành nghề của người hành nghề phải phù hợp với văn bằng, chứng chỉ chuyên môn liên quan đến y tế mà người đó đã được cấp hoặc công nhận tại Việt Nam; phù hợp với năng lực thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm các phương pháp, kỹ thuật chuyên môn của người hành nghề theo chuyên khoa đăng ký hành nghề.
Cần làm rõ rằng đây chỉ là vấn đề liên quan đến tên gọi của văn bằng, bản chất tên văn bằng là "Bằng Bác sĩ" hay "Bằng Bác sĩ Nha Khoa" (Phôi bằng theo Nghị định 99/2019/NĐ-CP) thì ngành đào tạo vẫn là ngành Răng Hàm Mặt nên người được cấp văn bằng vẫn đủ các điều kiện liên quan để hành nghề theo quy định pháp luật.
Nhưng nếu tên văn bằng ghi là "Bác sĩ Nha khoa" thì sẽ có thể phát sinh vướng mắc liên quan khi hành nghề do cách hiểu khác nhau của các đơn vị tiếp nhận về việc tên của bằng đại học khác với tên gọi theo quy định pháp luật về phạm vi hành nghề của người hành nghề là "Bác sĩ Răng Hàm Mặt".
Trong trường hợp nêu trên, Nhà trường cần có phương án để xử lý, giải quyết để giúp sinh viên hạn chế tối đa các vướng mắc có thể phát sinh trong tương lai khi ra trường và hành nghề theo quy định pháp luật.
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/da-nang-sinh-vien-dai-hoc-duy-tan-tot-nghiep-gap-kho-voi-phoi-bang-bac-si-nha-khoa-a106506.html