Mở quán cà phê: Cuộc chiến khó lường

Mặt bằng là một trong những yếu tố chính ảnh hưởng đến khả năng tồn tại của các quán cà phê.

Hình ảnh những quán cà phê san sát nhau đã trở nên quen thuộc tại các đô thị lớn của Việt Nam. Sự phát triển nhanh chóng của thị trường này phản ánh nhu cầu thưởng thức cà phê ngày càng tăng của người tiêu dùng. Tuy nhiên, đằng sau sự sôi động ấy là một cuộc cạnh tranh khốc liệt, nơi nhiều quán cà phê phải đối mặt với nguy cơ đóng cửa chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động.

Đua nhau sang nhượng

Ghi nhận thực tế thời gian gần đây, không ít quán cà phê, dù được đầu tư bài bản với số vốn lớn, vẫn phải sang nhượng với giá rẻ mạt. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này rất đa dạng - từ việc chủ quán lớn tuổi, không đủ sức quản lý đến những khó khăn trong việc tìm kiếm mặt bằng, kiểm soát chi phí và cạnh tranh với các đối thủ.

Anh Huỳnh Phương - chủ một quán cà phê từng hoạt động tại quận Tân Bình, TP HCM - chia sẻ: "Mặc dù chi phí thuê mặt bằng quán tôi không cao nhưng do vị trí nằm trong hẻm, không có chỗ để xe cho khách nên tôi đành phải đóng cửa". Câu chuyện của anh Phương phản ánh một thực tế rằng việc lựa chọn mặt bằng kinh doanh phù hợp đóng vai trò then chốt trong việc thu hút và giữ chân khách hàng.

Bà Nguyễn Trâm - một chủ quán khác trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, TP HCM - lại gặp khó khăn do giá thuê mặt bằng tăng cao sau đại dịch COVID-19. "Diện tích quán không lớn, khó tăng doanh thu, trong khi chi phí mặt bằng lại quá lớn nên tôi quyết định trả mặt bằng" - bà Trâm cho biết.

Mở quán cà phê: Cuộc chiến khó lường- Ảnh 1.

Một quán cà phê ở quận 1, TP HCM đông đúc vào cuối tuần. Ảnh: NGỌC ÁNH

Báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 do Công ty iPOS Việt Nam công bố mới đây cho thấy 6 tháng đầu năm, có ít nhất 30.000 cửa hàng ăn uống (F&B) trên toàn quốc đã đóng cửa, cùng với số lượng mở mới có phần hạn chế. Mặc dù vậy, tổng giá trị doanh thu ngành F&B vẫn tăng cao, gần 70% của năm 2023, đạt 403.900 tỉ đồng.

Cũng theo khảo sát của iPOS, có 61,2% doanh nghiệp (DN) cố gắng duy trì quy mô như hiện tại, trong khi đó, 34,4% dự kiến mở rộng thêm cơ sở mới. So với khảo sát cùng kỳ năm 2023, số lượng DN F&B có tham vọng tương tự lên tới 51,7%.

Ngoài ra, báo cáo của iPOS cũng cho thấy mức chi cho việc "đi cà phê" giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm 2024. Mức giá 41.000 - 71.000 đồng/ly trở nên phổ biến hơn, với sự tăng trưởng 11,5% về tỉ lệ người lựa chọn nhưng các phân khúc cao cấp lại gặp khó khăn. Tỉ lệ người chi tiêu trên 100.000 đồng/ly đã giảm mạnh từ 6% còn 1,7%. Điều này cho thấy người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn những quán cà phê có giá cả phải chăng, trong khi phân khúc cà phê cao cấp gặp nhiều khó khăn.

Bài toán cạnh tranh và cơ hội phát triển

Ông Trần Khải Minh Nhật - Phó Chủ tịch, Trưởng Ban Đào tạo Hiệp hội Ẩm thực TP HCM (FBA), chuyên gia đào tạo, tư vấn & phát triển dự án F&B - cho rằng việc nở rộ quán cà phê là điều dễ hiểu vì cà phê đã trở thành một phần văn hóa của người Việt. Tuy nhiên, nhiều người mở quán chỉ vì thấy vẻ hào nhoáng bên ngoài mà không lường trước được khó khăn. Bởi lẽ, để thành công, quán cà phê cần nhiều hơn là không gian đẹp và đồ uống ngon. Yếu tố then chốt là chiến lược kinh doanh bài bản, quản lý tốt và bản sắc riêng. Nếu không, quán sẽ dễ bị "chìm nghỉm" giữa hàng trăm quán cà phê na ná nhau.

Theo ông Nhật, kinh doanh cà phê là một cuộc đua đường dài, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng, am hiểu thị trường và tầm nhìn dài hạn. Những người thành công là những người nắm vững quản trị, tạo dựng giá trị khác biệt và kiên trì xây dựng thương hiệu. "Chạy theo xu hướng nhất thời mà không có giá trị cốt lõi sẽ khiến các quán cà phê nhanh chóng mất đi sức hút. Kinh doanh bền vững cần dựa trên nền tảng vững chắc, chứ không phải phong trào nhất thời" - chuyên gia này phân tích.

Là người trong cuộc, bà Hoàng Thu - chủ quán cà phê ở quận 3, TP HCM - cho biết đa phần những người mới bắt đầu mở quán thường đưa ra rất nhiều mục tiêu nhưng chung quy lại chỉ là "mình thích thì mình mở" nên rất khó thành công.

Dưới góc nhìn của ông Đỗ Duy Thanh, Giám đốc Công ty Tư vấn FnB Director, thị trường cà phê Việt Nam tuy cạnh tranh khốc liệt nhưng vẫn còn nhiều cơ hội cho những người kinh doanh có chuyên môn. Các mô hình cà phê hiện đại, đầu tư vào chất lượng sản phẩm, dịch vụ và không gian độc đáo sẽ có nhiều tiềm năng phát triển.

Ông Thanh thông tin hiện nay vẫn có một số mô hình quán cà phê có khả năng sinh lời tốt. Đó là những quán cà phê hiện đại, đầu tư nhiều cho món từ trà và khai thác trực tuyến. Mô hình này thường có quy mô đầu tư từ 150-300 triệu đồng, tập trung vào thực đơn sáng tạo và phục vụ khách hàng trẻ, đặc biệt là thông qua kênh trực tuyến. Ngoài ra, mô hình cà phê bistro (kết hợp nhiều hình thức F&B) đáp ứng cả nhu cầu ăn uống và tiếp khách. Đây là mô hình đầu tư lớn hơn, từ 2-5 tỉ đồng, phù hợp với khách hàng muốn trải nghiệm không gian gặp gỡ, ăn uống và thư giãn trong cùng một địa điểm. 

Việt Nam có hơn nửa triệu quán cà phê

Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) dẫn báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo niên vụ 2024-2025 (từ tháng 10-2024 đến tháng 9-2025), tổng sản lượng cà phê Việt Nam đạt khoảng 29 triệu bao (mỗi bao 60 kg), trong đó xuất khẩu 24,4 triệu bao, còn 4,6 triệu bao tiêu thụ nội địa. Như vậy, trong niên vụ tới, Việt Nam tiêu thụ khoảng 276.000 tấn cà phê. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam dự báo tốc độ tăng trưởng thị trường nội địa ở mức 6,6% cho giai đoạn 2025-2030.

Theo số liệu được Công ty Tư vấn thương hiệu Mibrand Việt Nam công bố hồi tháng 8, Việt Nam hiện có hơn 500.000 quán cà phê - từ những cửa hiệu nhỏ lẻ tại các ngõ phố đến các chuỗi cà phê hiện đại với không gian và dịch vụ đẳng cấp. Đặc biệt, sự đa dạng về loại hình quán cà phê đã góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.


Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/mo-quan-ca-phe-cuoc-chien-kho-luong-a106500.html