Các phụ huynh cầu nguyện tại chùa Bomun hôm 10/11. Ảnh: Korea Joongang Daily. |
Ngày 14/11, khoảng 520.000 học sinh Hàn Quốc sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh đại học (CSAT). Đây được coi là một trong những kỳ thi áp lực nhất tại xứ sở kim chi, quyết định tương lai của người trẻ.
Phụ huynh kéo nhau đến chùa, nhà thờ
Vào mùa thi CSAT, các đền chùa, nhà thờ ở Hàn Quốc thường xuyên tổ chức các buổi lễ cầu nguyện cho các bậc phụ huynh. Trước ngày thi 100 ngày, những nơi này luôn chật cứng người.
Theo Korea Joongang Daily, tính đến ngày 10/11, chùa Bomun trên đảo Ganghwa (Incheon) đã nhận được 863 đơn đăng ký dịch vụ cầu nguyện kéo dài 100 ngày cho kỳ thi CSAT. Con số năm nay tăng đáng kể so với năm 2023 (666 đơn đăng ký) và năm 2022 (737 đơn).
Hôm 11/11, có mặt tại ngôi chùa, bà Jo Gyeong-ae (57 tuổi) chia sẻ rằng mỗi ngày, bà dành 20-30 phút leo núi để tham dự buổi cầu nguyện diễn ra vào 14h. Đây là ngày thứ 7 liên tiếp bà thực hiện hoạt động này với mong muốn con trai mình đỗ vào trường đại học như ý.
Cùng với bà Jo, khoảng 30 phụ huynh khác đã có mặt trong khoảng 13h đến 14h. Họ cúi đầu trước tượng Phật hoặc đặt tiền xu gần đó khi cầu nguyện.
Ông Yun Jong-hyun (52 tuổi) và vợ Park Hee-yeon (51 tuổi) thắp những ngọn nến trắng có khắc những câu như "Thành công trong CSAT" và "Trúng tuyển sớm". Hai vợ chồng cho biết đã nghỉ làm để đi cầu nguyện.
Một người thuộc ban quản lý chùa Bomun cho biết số lượng người tìm đến chùa để cầu nguyện trước kỳ thi ngày càng tăng. Không chỉ cuối tuần mà ngay cả trong tuần, ngôi chùa cũng đón tiếp rất nhiều phụ huynh. Thậm chí vào ngày thi, phụ huynh đến đông tới mức không có chỗ đứng.
Ngoài đi chùa, nhiều phụ huynh cũng cầu nguyện tại các nhà thờ. Vào lúc 19h30 ngày 10/11, khoảng 50 tín đồ đã tập trung tại nhà thờ Kwanglim ở quận Gangnam (Seoul) để tham dự buổi cầu nguyện CSAT kéo dài 40 ngày. Các phụynh hát thánh ca và đọc kinh cầu nguyện.
Bà Choi (51 tuổi) cho biết kể từ khi bắt đầu chuỗi cầu nguyện 40 ngày, bà chưa bỏ lỡ buổi nào.
"Với rất nhiều thí sinh tự do, tôi lo lắng cho con trai mình. Những gì tôi làm không là gì cả nếu con đạt điểm cao trong kỳ thi", vị phụ huynh nói.
Khoảng 50 phụ huynh khác cũng đã tập trung tại một nhà thờ Công giáo ở quận Yangcheon (Seoul) để tham dự chuỗi cầu nguyện 100 ngày, mặc dù thứ hai là ngày nghỉ của nhiều giáo sĩ.
Cầm trong tay cuốn kinh “Cầu nguyện 100 ngày cho người đi thi”, bà Choi Jeong-yoon (47 tuổi) cho biết đó là nguồn động viên, giúp bà vững tin hơn trong những ngày con ôn thi căng thẳng.
"40-50 năm trước, chỉ 4-5 người tập trung trong một căn phòng nhỏ để cầu nguyện cho con. Nhưng hiện nay, số lượng người tham gia tăng lên hàng năm", đại diện của nhà thờ Kwanglim nói.
Học sinh mang theo thẻ ảnh của giảng viên Lee Ji-young. Ảnh: Korea Joongang Daily. |
Học sinh cũng tìm cách cầu may
Không riêng phụ huynh, các học sinh cũng chuẩn bị bùa may mắn dựa trên sở thích cá nhân. Một số học sinh cho biết luôn mang theo ảnh của nam diễn viên Cha Eun-woo, cựu sinh viên Đại học Sungkyunkwan, với hy vọng trúng tuyển vào cùng trường đại học.
Những học sinh khác lại sử dụng ảnh của các giảng viên nổi tiếng để mang lại may mắn cho họ.
“Nhờ các bài giảng của giáo sư Lee Ji-young, em đã tiến bộ rõ rệt trong môn Xã hội. Đây là môn học em yếu nhất”, Yang, học sinh lớp 12, nói và cho biết em dự định mang theo ảnh của giáo sư Lee vào phòng thi để tiếp thêm may mắn.
Một số học sinh gắn móc khóa biểu tượng các trường đại học vào túi hoặc dán logo trường đại học lên tài liệu học tập.
Kim (19 tuổi, thí sinh tự do) cho biết bạn bè đã tặng cô 3 móc chìa khóa tượng trưng cho 3 trường đại học mà cô yêu thích.
"Em hy vọng sẽ đạt được kết quả tốt hơn và được nhận vào trường đại học mơ ước", Kim nói.
Các chuyên gia nhận định rằng việc nhiều người tìm đến những vật phẩm mang tính tâm linh (như bùa hộ mệnh) xuất phát từ áp lực cạnh tranh ngày càng lớn trong xã hội hiện đại.
Dân số trong độ tuổi đi học đang giảm hàng năm, nhưng áp lực vào các trường đại học, đặc biệt là các trường y, ngày càng tăng cao. Năm nay, 522.670 học sinh sẽ tham dự kỳ thi, tăng 18.082 người so với năm ngoái.
Lý giải điều này, giáo sư Tâm lý học Lim Myung-ho (Đại học Dankook) nhận định ngày càng nhiều người chọn thi lại để vào các trường đại học danh giá. Do đó, mức độ cạnh tranh lớn.
"Áp lực từ cuộc sống hiện đại, đặc biệt là sự chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn, khiến nhiều người tìm đến tôn giáo để tìm kiếm sự an ủi và hy vọng", GS Lim nói.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/muon-kieu-cau-nguyen-100-ngay-truoc-ky-thi-dai-hoc-cua-con-o-han-quoc-a106248.html