Việt Nam đứng thứ 63 về chỉ số thông thạo tiếng Anh, thuộc nhóm mức độ thông thạo thấp. Ảnh: Phương Lâm. |
Ngày 13/11, công ty TNHH EF Education First Việt Nam công bố Ấn bản Chỉ số Thông thạo Anh ngữ Toàn cầu Năm 2024. Ấn bản này được phân tích kết quả từ 2,1 triệu người trưởng thành đến từ 116 quốc gia, vùng lãnh thổ (các quốc gia không sử dụng tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ).
Kết quả của ấn bản lần này cho thấy trình độ tiếng Anh trên toàn thế giới đang giảm sút, trong đó nam giới vẫn thành thạo hơn phụ nữ, người trẻ ở độ tuổi lao động thành thạo hơn sinh viên và người lớn trên 40 tuổi.
Việt Nam tụt bậc
Theo chỉ số EF EPI 2024, chỉ số thông thạo về trình độ tiếng Anh của người Việt Nam đứng thứ 63 trên tổng số 116 quốc gia, với 498 điểm, đạt độ thông thạo thấp.
Nếu so với năm 2023, thứ hạng của Việt Nam giảm 5 bậc, từ 58 xuống 63. Thứ hạng này cũng cách khá xa so với thứ hạng tốt nhất mà Việt Nam đạt được vào năm 2019 là hạng 52.
Việt Nam đứng ở vị trí thứ 8 châu Á về mức độ thông thạo tiếng Anh. |
Nếu tính riêng trong khu vực châu Á, Việt Nam đứng 8 về mức độ thông thạo tiếng Anh, lần lượt xếp sau Singapore (609 điểm), Philippines (570 điểm), Malaysia (566 điểm), Hong Kong - Trung Quốc (549 điểm), Hàn Quốc (523 điểm), Nepal (512 điểm) và Bangladesh (500 điểm).
Nếu xét theo vùng địa lý, vùng châu thổ sông Hồng dẫn đầu cả nước về mức độ thông thạo tiếng Anh với 522 điểm, xếp sau đó là vùng Đông Nam bộ với 517 điểm và xếp cuối là vùng đồng bằng sông Cửu Long, chỉ đạt 464 điểm.
Khi tính riêng các thành phố, Hà Nội dẫn đầu cả nước vì đạt 524 điểm về chỉ số thông thạo tiếng Anh, nhưng vẫn bị giảm điểm so với năm 2023 (538 điểm).
Điểm đáng chú ý khác là Hải Phòng đồng hạng với TP.HCM, đều đạt vị trí số 2. Năm 2023, TP.HCM xếp thứ 2 cả nước trong danh sách này với 519 điểm nhưng năm 2024 lại tăng lên 523, Hải Phòng cũng đạt được số điểm này.
Ngoài ra, Nha Trang, Đà Nẵng cũng được xếp vào nhóm thông thạo tiếng Anh ở mức trung bình, còn Vũng Tàu, Hải Dương, Cần Thơ, Huế... thuộc nhóm thông thạo thấp.
Về xu hướng tiếng Anh của người Việt theo độ tuổi và giới tính, trong năm 2023, nhóm tuổi 26-30 dẫn đầu về trình độ tiếng Anh với điểm đánh giá là 522 điểm. So với năm 2023, điểm đánh giá của nhóm này tăng 11 điểm và đây là mức cao nhất mà nhóm tuổi 26-30 đạt được kể từ khi EF EPI ra đời.
Nếu xét về giới tính, nam giới vẫn là có xu hướng thành thạo tiếng Anh cao hơn nữ giới với điểm đánh giá ở hai nhóm là 507 (nam) và 489 (nữ). Điểm đánh giá của hai nhóm trong năm 2024 đều giảm so với năm 2023.
Hà Lan vẫn dẫn đầu
Hà Lan vẫn là quốc gia được đánh giá cao nhất về mức độ thông thạo tiếng Anh, nhưng điểm đánh giá có phần giảm so với năm 2023, từ 647/800 xuống còn 636/800 điểm.
Hà Lan vẫn dẫn đầu thế giới nhưng điểm đánh giá bị giảm. |
Na Uy gây chú ý khi vươn lên từ vị trí số 5 trong năm 2023 lên vị trí số 2 ở năm 2024 với 610 điểm, nhưng vẫn giảm điểm nhẹ so với năm 2023.
Singapore vừa tụt hạng, vừa giảm điểm trong báo cáo năm 2024. Trước đó, vào năm 2023, nước này đứng ở vị trí số 2 với 631 điểm, nhưng năm nay chỉ đạt 609 điểm và xếp ở vị trí số 3.
Ngoài 3 nước nêu trên, 6 nước còn lại được xếp vào nhóm thông thạo tiếng Anh ở mức rất cao bao gồm: Thụy Điển (608 điểm), Croatia (607 điểm), Bồ Đào Nha (605 điểm), Đan Mạch (603 điểm), Hy Lạp (602 điểm), Áo (600 điểm).
Nhìn chung, châu Á ghi nhận mức giảm lớn nhất về trình độ tiếng Anh so với năm ngoái, phần lớn do Ấn Độ và phần nào là do Trung Quốc.
Ở Châu Âu, trình độ tiếng Anh cũng giảm nhẹ còn tại Mỹ Latin, trình độ tiếng Anh duy trì ổn định sau nhiều năm tăng trưởng, nhưng một số quốc gia như Brazil, El Salvador và Cuba giảm hơn 10 điểm, trong khi Mexico có dấu hiệu phục hồi nhẹ, còn Uruguay và Colombia tiếp tục cải thiện đều đặn.
Ngược lại, tại Trung Đông, trình độ tiếng Anh dần tăng trưởng ổn định với sự dẫn đầu của Saudi Arabia.
Trong thập kỷ qua, EF phát hiện mối tương quan chặt chẽ giữa trình độ tiếng Anh và GDP, với thu nhập bình quân đầu người và một loạt các chỉ số kinh tế khác.
Kết quả đang cho thấy trình độ tiếng Anh tốt hơn đi đôi với lực lượng lao động hiệu quả hơn. Tiếng Anh tạo điều kiện cho xuất khẩu dịch vụ, tạo điều kiện cho thương mại quốc tế và cải thiện khả năng cạnh tranh.
Tổ chức này cũng thông tin thêm rằng nghiên cứu năm nay chỉ ra nhóm ngành dịch vụ, hàng không, truyền thông, thể thao và giải trí là các nhóm ngành có nguồn nhân lực với mức thông thạo tiếng Anh cao nhất.
Đối với nhiều chuyên gia, dù kinh nghiệm chuyên môn ở mức cao, trình độ tiếng Anh thấp hơn mức trung bình là rào cản cho sự phát triển nghề nghiệp và tiếp cận thông tin. Nhóm nhân sự ở cấp điều hành của khu vực châu Á có chỉ số EPI thấp hơn châu Âu, châu Mỹ Latinh và Trung Đông.
Đối với các cá nhân, việc nói tiếng Anh mở ra nhiều cơ hội tiếp cận thông tin, cơ hội học tập đa dạng, cơ hội có mức lương cao hơn và sự độc lập hơn so với mặt bằng lao động chung của từng địa phương.
Hầu hết cá nhân học tiếng Anh thường thu nhận những kiến thức cơ bản thông qua những chương trình đào tạo quy chuẩn. Do đó, sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận các chương trình đào tạo Anh ngữ chất lượng được xem như một nhân tố thúc đẩy sự không công bằng. EF lo ngại điều này sẽ kìm hãm tiềm năng phát triển của con người và truyền dẫn sự bất công này sang các thế hệ tiếp theo.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/viet-nam-lai-tut-bac-tren-bxh-ve-chi-so-thong-thao-tieng-anh-a106217.html