Trả lời:
Trẻ đại tiện không tự chủ là tình trạng đại tiện són phân ra quần mà trẻ không nhận thức được. Bệnh lý này thường xảy ra ở trẻ trên 4 tuổi. Trẻ nhỏ hơn chưa thể diễn đạt chính xác nhu cầu của bản thân, vì vậy phụ huynh cần chú ý tần suất đi đại tiện và hình dạng phân của trẻ. Trường hợp trẻ đi đại tiện nhiều lần trong ngày nhưng mỗi lần chỉ ra một ít phân mềm, không khô cứng là dấu hiệu đi đại tiện són phân.
Hai nguyên nhân đại tiện không tự chủ gồm táo bón và bất thường bẩm sinh (bất thường chức năng cơ thắt hậu môn, bất thường thần kinh...). Cả hai rối loạn này đều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, tâm lý, chất lượng cuộc sống của trẻ.
Phần lớn tình trạng này liên quan đến táo bón do trẻ nhịn đi đại tiện khiến phân tích tụ, có thể xảy ra cả vào ban ngày, ban đêm. Tình trạng xảy ra vào ban đêm dễ ảnh hưởng đến giấc ngủ, gây rối loạn nhịp sinh hoạt và sức khỏe. Trẻ bị bệnh có thể do thói quen ăn uống ít chất xơ, chưa biết đi đại tiện đúng cách, mắc chứng sợ nhà vệ sinh (thường gặp ở trẻ bắt đầu đi học, lạ nhà vệ sinh ở trường) hay bị hội chứng ruột kích thích.
Trường hợp của con bạn, phân bé có mùi tanh và nhầy là dấu hiệu thường thấy của táo bón, nghiêm trọng hơn là viêm ruột. Để chẩn đoán chính xác, bác sĩ cần hỏi bệnh sử chi tiết, đánh giá toàn diện, kết hợp một số xét nghiệm cận lâm sàng. Bạn cần đưa con đến cơ sở y tế uy tín để được khám và tư vấn.
Trường hợp trẻ bị đại tiện không tự chủ do táo bón, bên cạnh dùng thuốc, cha mẹ có thể áp dụng biện pháp khác như duy trì chế độ ăn giàu chất xơ, nhiều rau củ quả, uống nhiều nước, tập thể dục thường xuyên, tập thói quen đi đại tiện mỗi ngày (toilet training). Chất xơ trong chế độ ăn uống có thể thúc đẩy nhu động ruột, làm mềm phân và giảm táo bón. Trẻ cũng cần uống đủ nước để tối ưu tác dụng của thuốc nhuận tràng thẩm thấu và chất xơ.
Khi trẻ gặp tình trạng này, phụ huynh không nên mắng hay trách phạt bởi đây là hành động không thể tự chủ, cần để trẻ cảm thấy thoải mái khi đi vệ sinh. Người lớn động viên, ghi nhật ký đại tiện của trẻ và tập bé thói quen đại tiện ba lần một ngày. Bé cần ngồi vệ sinh với tư thế thoải mái, kê thêm ghế nhỏ ở bồn cầu để có chỗ đặt chân.
Trẻ đại tiện không kiểm soát có thể sẽ trải qua những rối loạn về cảm xúc. Phụ huynh cần đồng hành cùng con. Bệnh này có thể tái lại nhiều lần, mất thời gian dài điều trị.
BS.CKI Phạm Thị Ngọc Phú
Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7
Độc giả đặt câu hỏi bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/tre-dai-tien-khong-tu-chu-co-nguy-hiem-khong-a106006.html