Nghịch lý “thừa - thiếu”quỹ đất làm dự án nhà ở tại Hà Nội

Trong khi nguồn cung nhà ở, nhất là dự án có mức giá “vừa túi tiền” tại các đô thị lớn luôn trong tình trạng thiếu, cung không đủ cầu thì vẫn có hàng trăm dự án chậm tiến độ, hàng ngàn căn hộ bỏ không gây lãng phí lớn là nghịch lý cần sớm được giải quyết.

Nghịch lý “thừa - thiếu”quỹ đất làm dự án nhà ở tại Hà Nội- Ảnh 1.

Dự án nhà tái định cư N01-D17 nằm ở vị trí "khu đất vàng" góc ngã tư Trần Thái Tông - Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy đã xây dựng gần xong phần thô, nhưng đang để hoang.

Hàng ngàn căn hộ, hàng trăm ha đất “bỏ hoang”

Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), tính riêng Hà Nội hiện có ít nhất khoảng 18.000 căn hộ tái định cư bị bỏ hoang. Các tòa nhà xây dựng với quy mô lớn, đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng lại bị bỏ không hoặc sử dụng không hiệu quả khiến toàn bộ hạ tầng và các hạng mục bị xuống cấp nghiêm trọng.

Tại Hà Nội, một cái tên đã liên tục được nhắc tên trên địa bàn quận Cầu Giấy thời gian qua là dự án đầu tư xây dựng nhà ở chung cư cao tầng phục vụ di dân giải phóng mặt bằng - N01 tại ô đất D17 Khu đô thị mới Cầu Giấy (số 1 phố Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu), có quy mô 15 tầng với 299 căn hộ. Tuy nhiên dự án bị “đắp chiếu” nhiều năm dẫn đến tình trạng hoang hóa và xuống cấp.

Nguyên nhân được các chuyên gia chỉ ra là bởi còn nhiều bất cập về cơ chế bồi thường tái định cư, quy hoạch các dự án chưa hợp lý và chất lượng xây dựng nhanh chóng xuống cấp. Tại nhiều dự án chung cư tái định cư, tình trạng không hộ dân có đất bị thu hồi nào chuyển về sinh sống cũng cho thấy vướng mắc trong việc xây sẵn nhà ở mà không dựa trên khảo sát ý kiến và nhu cầu của người dân.

Bên cạnh loại hình nhà tái định cư, các toà nhà tại dự án khu nhà ở sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai) cũng bỏ trống nhiều năm. Theo đó, dự án này được khởi công từ năm 2009, xây dựng trên diện tích 40.000 m2. Dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước với tổng chi phí đầu tư 1.900 tỷ đồng, quy mô 6 hạng mục tòa nhà cao tầng (A1, A2, A3, A4, A5, A6), với kỳ vọng sẽ hỗ trợ chỗ ở cho khoảng 22.000 sinh viên học tập, nghiên cứu trên địa bàn Hà Nội.

Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc mà đến nay chỉ có khối nhà A5, A6 được hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Các khối nhà A2, A3 hiện chỉ mới xây xong phần thô, nhà A1 xây dựng xong nhưng bị bỏ hoang, nhà A4 chưa xây dựng do chưa giải phóng mặt bằng. Từ nhiều năm nay, khu ký túc xá Pháp Vân – Tứ Hiệp chỉ có 2 khối nhà (nhà A5 và A6) hoạt động và còn nhiều phòng trống, chưa thu hút được sinh viên đến ở.

Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, tính đến hết tháng 6/2024, Hà Nội có tổng số 712 dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai, trong đó đã có 705 dự án với tổng diện tích 11.345ha đất đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và chỉ đạo xử lý.

Ngoài 712 dự án trên, UBND các quận, huyện, thị xã đã rà soát, đề nghị xử lý đối với 117 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai trên địa bàn.

Các quận, huyện có nhiều dự án chậm tiến độ, chậm triển khai, vi phạm, có thể kể đến như: Long Biên 24 dự án; Thạch Thất 19 dự án; Nam Từ Liêm và Hà Đông 12 dự án; Sóc Sơn 9 dự án, Ba Vì, Thanh Trì, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm mỗi đơn vị 6 dự án...

Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố lại có những dự án toà nhà bị bỏ hoang nhiều năm, gây lãng phí lớn ngay trên những vị trí “đất vàng” của Thủ đô.

Điển hình trong số đó là dự án khu nhà ở tái định cư thuộc Khu Đô thị Đền Lừ III - nằm tại vị trí đắc địa, giao thông thuận lợi, với mặt tiền là tuyến phố Tân Mai, đối diện hồ Đền Lừ.

Khu nhà ở tái định cư này có 3 tòa chung cư cao hơn 10 tầng được hoàn thiện từ năm 2017 nhưng đến nay vẫn chưa có ai đến ở. Theo phản ánh của người dân, từ nhiều năm qua, 3 tòa nhà cao tầng tại khu tái định cư Đền Lừ III đã bị bỏ hoang, xuống cấp nghiêm trọng.

Ngoài dự án trên, tại quận Hoàng Mai còn có 1 dự án khác đang bị bỏ hoang, đó là Dự án Khu Nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp. Dự án triển khai xây dựng năm 2009, bằng nguồn vốn ngân sách với 1.900 tỷ đồng, phục vụ mục đích hỗ trợ chỗ ở cho 22.000 sinh viên đang học tập, nghiên cứu trên địa bàn Hà Nội.

Dự án gồm 6 toà nhà A1, A2, A3, A4, A5, A6. Đến nay, 2 toà A5, A6 được đưa vào sử dụng, 4 toà còn lại bỏ hoang. Trong 4 toà nhà bỏ hoang, toà A1 đã hoàn thiện, còn các toà khác mới xây xong phần thô, được rào tôn xung quanh, nhiều hạng mục công trình vẫn đang bỏ dở, xuống cấp, cỏ dại, rác thải bao phủ…

Nghịch lý “thừa - thiếu”quỹ đất làm dự án nhà ở tại Hà Nội- Ảnh 2.

Dự án khu nhà ở tái định cư thuộc Khu Đô thị Đền Lừ III bị bỏ không gây lãng phí nguồn lực giữa bối cảnh nguồn cung nhà ở tại Thủ đô đang khan hiếm.

Nghiên cứu chuyển các dự án tái định cư để không, dự án chậm tiến độ, bỏ hoang làm nhà ở xã hội

Tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, Chính phủ sẽ mở rộng quỹ đất cho nhà ở xã hội; rà soát quỹ nhà tái định cư để chuyển đổi; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Đồng thời, mở rộng đối tượng thụ hưởng, tăng khả năng tiếp cận nhà ở xã hội và sử dụng nhiều biện pháp để giữ giá nhà ở ở mức hợp lý nhằm nâng cao hiệu quả phát triển trong thời gian tới.

Vừa qua, Hà Nội đã thúc đẩy việc chuyển đổi Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp sang loại hình nhà ở xã hội, hoàn thành chậm nhất năm 2026-2027. Việc cải tạo khu nhà bỏ hoang thành nhà ở xã hội được các chuyên gia đánh giá là chính sách thiết thực cần sớm thực hiện trước bối cảnh giá nhà liên tục leo thang.

Mới đây, dự án công trình nhà ở NO-01 (hiện đang là nhà ở phục vụ tái định cư) tại ô đất PT1 Khu đô thị Tây Nam Linh Đàm ở quận Hoàng Mai đã được xin chuyển đổi sang làm nhà ở xã hội. Mục tiêu là xây dựng nhà ở tái định cư kết hợp nhà ở thương mại đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ nhu cầu nhà ở thực tế tại thành phố.

Bày tỏ lo ngại về sự thiếu hụt nghiêm trọng nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách và người thu nhập thấp hiện nay, TS Huỳnh Thanh Điền cho biết: "Việc bổ sung thêm bất cứ căn hộ nhà ở xã hội nào ở thời điểm hiện tại đều rất cần thiết". Theo ông Điền, hơn 70% nguồn cung trên thị trường hiện nay là phân khúc trung và cao cấp với giá bán trên 50 triệu đồng/m2, điều này khiến phần lớn người lao động thu nhập thấp tại các đô thị lớn khó có thể đạt được giấc mơ sở hữu nhà ở.

Bên cạnh đó, việc xã hội hóa các dự án nhà ở tái định cư, TS. Huỳnh Thanh Điền cũng cho là giải pháp để ngăn ngừa, hạn chế lãng phí nguồn lực đất đai, hóa giải nghịch lý hàng nghìn căn hộ tái định cư bị bỏ không.

Đánh giá cao đề xuất chuyển đổi nhà ở tái định cư sang nhà ở xã hội, song giới chuyên gia cho rằng, để đề xuất đi đến thực hiện và đảm bảo hiệu quả, Sở Xây dựng địa phương cần xác định rõ nhu cầu nhà ở tái định cư cũng như nhu cầu nhà ở xã hội của địa phương. Nếu nhu cầu nhà ở xã hội cao, trong khi nhu cầu nhà ở tái định cư ít hoặc không có thì việc chuyển đổi là hoàn toàn phù hợp và nên nhanh chóng thực hiện.

Đồng thời rà soát việc tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai và pháp luật có liên quan trong việc lựa chọn chủ đầu tư dự án, quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án. Điều này góp phần quan trọng trong việc lựa chọn chủ đầu tư có đủ năng lực thực hiện hay không.

Ngoài ra, đề xuất điều chỉnh dự án cần phải có phương án cụ thể về việc xác định nhà ở tại dự án sau khi điều chỉnh dành để đáp ứng, giải quyết nhu cầu cho các đối tượng được hỗ trợ về nhà ở tại địa phương theo đúng quy định pháp luật.

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/nghich-ly-thua-thieuquy-dat-lam-du-an-nha-o-tai-ha-noi-a105964.html