Giáo viên, đại biểu Quốc hội đặt ra nhiều kỳ vọng ở Luật Nhà giáo. Ảnh: Việt Linh. |
Dự thảo Luật Nhà giáo trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 đang thu hút sự quan tâm lớn, đặc biệt là ở 6 điểm mới về các quy định với nhà giáo ngoài công lập, chuẩn hóa hệ thống chức danh...
Điểm đặc biệt đầu tiên là lần đầu tiên xác lập các quy định đối với nhà giáo ngoài công lập, vị trí pháp lý của nhà giáo ngoài công lập được xác lập đầy đủ, đồng bộ với tư cách nhà giáo chứ không chỉ là người lao động theo cơ chế hợp đồng lao động.
Thứ hai, nhà giáo được chuẩn hóa qua hệ thống chức danh, chuẩn nghề nghiệp. Luật Nhà giáo chuẩn đội ngũ nhà giáo thông qua hệ thống chức danh, chuẩn nghề nghiệp nhà giáo với các tiêu chuẩn bám sát yêu cầu về năng lực nghề nghiệp nhưng vẫn đảm bảo yếu tố riêng biệt gắn với từng cấp học và trình độ đào tạo.
Thứ ba là chính sách tuyển dụng, sử dụng gắn với đặc điểm hoạt động nghề nghiệp. Quy định việc tuyển dụng nhà giáo đảm bảo phải có thực hành sư phạm nhằm lựa chọn người có đủ năng lực gắn với chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, đáp ứng hoạt động nghề nghiệp nhà giáo theo từng cấp học, trình độ đào tạo.
Thứ 4 là chính sách bảo vệ, thu hút nhà giáo. Nhà giáo được bảo vệ thông qua quyền và những điều không được làm đối với nhà giáo theo định hướng tăng quyền chủ động, sáng tạo và tăng tính bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp.
Thứ 5 là chính sách tiền lương và đãi ngộ. Trong dự thảo Luật Nhà giáo, lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; có chế độ ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác đối với nhà giáo cấp học mầm non… Tuổi nghỉ hưu của nhà giáo có quy định riêng phù hợp với đặc điểm hoạt động nghề nghiệp.
Thứ 6 là tăng giao quyền chủ động cho ngành giáo dục. Dự thảo Luật Nhà giáo cũng đưa nội dung giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo.
Bàn về những điểm mới này, Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn ĐBQH TP.HCM) bày tỏ mong muốn đưa nghề giáo về đúng với vị thế là nghề cao quý, được xã hội tôn trọng.
Đồng thời, bà Lan cũng đề nghị đề có thêm những chính sách thu hút sinh viên ngành sư phạm, cũng như các chính sách hỗ trợ, đãi ngộ giáo viên gắn bó với nghề, nhất là giáo viên vùng sâu, vùng xa; có chính sách tiền lương đủ sức hấp dẫn để thu hút nhân tài vào ngành giáo dục.
Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc tại Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) nói rằng sự ra đời của luật nhà giáo rất có ý nghĩa và cần thiết vì nó khẳng định nghề giáo có tầm quan trọng, có vị thế đặc biệt trong xã hội. Đây cũng là nhân tố quyết định chất lượng của một hệ thống giáo dục.
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (Đoàn ĐBQH TP.HCM) nêu quan điểm tương tự. Ông tin rằng việc có Luật Nhà giáo sẽ tạo được chuyển biến tích cực trong ngành giáo dục.
Tuy nhiên, vị đại biểu lưu ý cần bổ sung căn cứ của các Luật Giáo dục 2019, Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014, Luật Giáo dục Đại học 2013 để làm cơ sở xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo.
Đồng thời, ông cũng cho rằng dự thảo Luật cần có chính sách tạo điều kiện để nhà giáo nâng cao trình độ cũng như ghi nhận sự đóng góp, cống hiến của người thầy cho sự nghiệp giáo dục.
Sách về nghề giáo
Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:
Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.
Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên.
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/dai-bieu-quoc-hoi-de-xuat-them-chinh-sach-thu-hut-giao-vien-a105922.html