Ngày 10/11, Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết như trên, sau thông tin một bệnh nhân 65 tuổi mắc uốn ván nguy kịch, phải thở máy dù cơ thể không có vết thương.
Theo bác sĩ Chính, mầm bệnh uốn ván tồn tại ở môi trường xung quanh như bụi, đất, phân, thông thường lây nhiễm vào cơ thể qua mọi loại vết thương hở. Tuy nhiên, vẫn có các ca bệnh không tìm thấy "ngõ vào". Trong trường hợp này, bệnh nhân có thể có vết thương nhỏ đã tự lành hoặc mầm bệnh xâm nhập qua răng sâu, thực hiện thủ thuật nha khoa, phẫu thuật đường tiêu hóa.
Giải thích rõ hơn, bác sĩ Chính dẫn một nghiên cứu về uốn ván thứ phát do nhiễm trùng đường miệng và răng trên 26 bệnh nhân của các nhà khoa học Peru, đăng tải trên Thư viện Y khoa quốc gia Mỹ năm 2023. 73% trường hợp uốn ván tại miệng liên quan đến thủ thuật nha khoa, trong đó sâu răng chiếm 23% trường hợp. Tỷ lệ tử vong của uốn ván do răng là 30,77%.
Cũng theo nghiên cứu trên, vi khuẩn uốn ván có thể đã có mặt trước đó trong khoang miệng và đi vào máu khi nhổ răng. Các bào tử Clostridium đọng lại ở vết thương sẽ tiết ra một loại độc tố protein có tên là Tetanospasmin. Chất này làm cản trở các dây thần kinh kiểm soát chuyển động cơ bắp, tăng trương lực cơ và gây ra các cơn co cứng, thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Với các trường hợp mắc uốn ván sau phẫu thuật đường tiêu hóa, một báo cáo về ca bệnh tại Roeselare, Bỉ năm 2019, đã giải thích cơ chế lây nhiễm. Vi khuẩn có mặt trong đường tiêu hóa có thể là nguồn lây nhiễm uốn ván nội sinh. Khi bệnh nhân có vết thương ở đường tiêu hóa, mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể.
Theo bác sĩ Chính, bệnh uốn ván có thể biến chứng co thắt thanh quản, gãy xương, thuyên tắc phổi, viêm phổi, khó thở... Tiêm vaccine là cách phòng bệnh chủ động, an toàn. Nếu tiêm đủ liều, hiệu quả phòng bệnh của vaccine lên đến 95%.
Người lớn không rõ lịch sử tiêm chủng, chủng ngừa ba mũi cơ bản. Mũi 2 cách mũi đầu tiên một tháng và mũi ba tiêm cách mũi hai 6 tháng. Sau đó, mỗi người cần tiêm nhắc 10 năm một lần hoặc khi có vết thương.
Nữ giới mang thai cần chủng ngừa uốn ván để tránh lây nhiễm và mắc bệnh khi chuyển dạ đồng thời hạn chế nguy cơ uốn ván sơ sinh. Trẻ em cần tuân thủ phác đồ tiêm vaccine uốn ván, thông thường trong các loại vaccine phối hợp như 5 trong 1, 6 trong 1, tiêm nhắc lại ở độ tuổi tiền học đường như 4-6 tuổi, thanh thiếu niên 9-15 tuổi.
Kim Oanh
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine tại đây để bác sĩ trả lời.
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/nhung-duong-lay-uon-van-it-biet-a105833.html