Loạt ‘ông lớn’ Mỹ, Hà Lan, Singapore nhìn thấy ‘cơ hội tăng trưởng’ của Việt Nam trong lĩnh vực 1.000 tỷ USD, nhưng vẫn còn nhiều chuyện cần bàn luận

Trong khuôn khổ các hoạt động của Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam 2024 - SEMIExpo Viet Nam 2024, hội thảo “Chuỗi cung ứng thiết bị bán dẫn toàn cầu: Cơ hội cho ngành sản xuất Việt Nam” đã có những phân tích về cơ hội của Việt Nam trong việc tham gia vào ngành công nghiệp bán dẫn, đặc biệt là trong chuỗi giá trị về sản xuất thiết bị bán dẫn.

Loạt ‘ông lớn’ Mỹ, Hà Lan, Singapore nhìn thấy ‘cơ hội tăng trưởng’ của Việt Nam trong lĩnh vực 1.000 tỷ USD, nhưng vẫn còn nhiều chuyện cần bàn luận- Ảnh 1.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Đức Tâm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhấn mạnh, Việt Nam đã và đang thúc đẩy hợp tác phát triển ngành công nghiệp bán dẫn với các quốc gia, nền kinh tế phát triển, từng bước đồng hành cùng các đối tác để tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất công nghiệp bán dẫn.

“Việt Nam đã hội tụ đủ các điều kiện để sẵn sàng đón nhận cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư khẳng định.

Ông Knees van Baar, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam cho biết, chuỗi cung ứng sản xuất thiết bị bán dẫn vốn rất đồ sộ với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn-nhỏ trên toàn thế giới trên toàn phân khúc.

Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng và phát huy ngành công nghiệp phụ trợ hiện có để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị này. Sản xuất thiết bị là trụ cột của ngành công nghiệp bán dẫn Hà Lan, và Hà Lan sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để cùng đóng góp vào sự phát triển chung của ngành bán dẫn toàn cầu.

Việt Nam đang nổi lên như một nhân tố quan trọng trong chuỗi cung ứng thiết bị bán dẫn toàn cầu

Tại tọa đàm “Cơ hội cho Việt Nam trong chuỗi cung ứng thiết bị bán dẫn toàn cầu”, các chuyên gia đều nhấn mạnh, Việt Nam hiện đang nổi lên như một nhân tố quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và đang có những bước tiến lớn. Theo dự báo của Gartner, năm 2024, ngành công nghiệp bán dẫn có thể mang lại doanh thu hơn 620 tỷ USD trên toàn cầu và sẽ tăng mạnh tới 1.000 tỷ USD vào năm 2030.

Ông Hans Duisters, Người sáng lập Brainport Industries - Giám đốc Điều hành và Nhà sáng lập Tập đoàn Sioux chia sẻ, một trong những lý do Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của lĩnh vực sản xuất chế tạo là nguồn nhân lực. Ông cho biết, Việt Nam đã khá thành công với mục tiêu phát triển kỹ sư công nghệ thông tin, đó là lý do tại sao nhà đầu tư chọn Việt Nam để phát triển phần mềm bán dẫn.

“Chúng tôi cũng nhìn thấy cơ hội tăng trưởng của Việt Nam”, ông Hans nhấn mạnh. Lãnh đạo Sioux cho biết, danh mục kinh doanh của doanh nghiệp sẽ tập trung rất nhiều ngành kỹ thuật mới, ông tin rằng, Việt Nam có thể đáp ứng nhu cầu này.

Loạt ‘ông lớn’ Mỹ, Hà Lan, Singapore nhìn thấy ‘cơ hội tăng trưởng’ của Việt Nam trong lĩnh vực 1.000 tỷ USD, nhưng vẫn còn nhiều chuyện cần bàn luận- Ảnh 2.

Tọa đàm “Cơ hội cho Việt Nam trong chuỗi cung ứng thiết bị bán dẫn toàn cầu” (Ảnh: Thùy Dương)

Ông Steven Lim KT, Phó Chủ tịch BESI phụ trách dự án chiến lược tại Việt Nam khẳng định: Nhà máy BESI tại Việt Nam là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng thiết bị đóng gói bán dẫn tiên tiến của BESI, đồng thời, BESI cũng luôn chào đón các nhà cung cấp tại Việt Nam.

Thành viên Hội đồng, Hội đồng cố vấn Khu vực Đông Nam Á của SEMI, CEO Advantest Singapore, ông Ricky Sim chia sẻ, khi sản xuất các thiết bị kiểm thử, các tiêu chí chính khi mở nhà máy của Tập đoàn là khả năng vận chuyển dễ dàng, độ tin cậy và điều kiện kinh doanh thuận lợi của quốc gia. “Khi Advantest quyết định mở rộng trung tâm sản xuất thì chắc chắn chúng tôi sẽ cân nhắc Việt Nam như một điểm đến tiềm năng”, ông Ricky Sim nhấn mạnh.

Nhìn lại những cải thiện của Việt Nam trong thời gian qua, TS. Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch Tập đoàn CNC Tech cho biết, Việt Nam đã có bước tiến nổi bật về cơ sở hạ tầng như: Hệ thống đường cao tốc thuận tiện, hạ tầng về cấp điện, hạ tầng cấp nước… Bên cạnh đó, khung pháp lý, cải thiện thủ tục hành chính cũng đang được cải thiện.

Làm thế nào để “mở khóa” cơ hội to lớn của Việt Nam?

Theo ước tính, các nhà cung ứng thiết bị bán dẫn có thể đóng góp đến 90% giá trị giá trị của sản phẩm cuối - Một cơ hội to lớn mà Việt Nam nên khai thác.

“Hiện nay, chúng tôi nhận thấy có nhiều công ty sản xuất thiết bị bán dẫn trên thế giới rất quan tâm đến Việt Nam, trong đó có nhiều mối quan tâm đến ngành Cơ khí chính xác”, ông Ông Tomas Konigs - Bí thư thứ 2, Đại sứ quán Hà Lan tại Hà Nội thông tin. Để mở rộng vào ngành công nghiệp bán dẫn, đòi hỏi các doanh nghiệp phải nâng cao công nghệ kỹ thuật của mình lên độ chính xác cao.

Loạt ‘ông lớn’ Mỹ, Hà Lan, Singapore nhìn thấy ‘cơ hội tăng trưởng’ của Việt Nam trong lĩnh vực 1.000 tỷ USD, nhưng vẫn còn nhiều chuyện cần bàn luận- Ảnh 3.

Để tham gia vào chuỗi cung ứng bán dẫn, Việt Nam cần có sự đầu tư trên nhiều khía cạnh (Ảnh: Internet)

Trả lời câu hỏi làm thế nào để thuyết phục đối tác nước ngoài về độ chính xác, độ tin cậy của các nhà cung ứng Việt Nam, TS. Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký, Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho biết, trước đây, các doanh nghiệp Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn trong các ngành sản xuất, dần dần, họ phát triển năng lực, đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn quốc tế.

TS. Trương Thị Chí Bình thông tin, các doanh nghiệp trong Hiệp hội nhận thức rõ những cơ hội to lớn trong lĩnh vực bán dẫn và một số ngành như năng lượng tái tạo, năng lượng xanh. “Các thành viên trong Hiệp hội sẽ cố gắng giải quyết vấn đề như trước đây họ đã từng làm được”, bà cho biết.

Chia sẻ kinh nghiệm về việc làm thế nào để tham gia vào chuỗi cung ứng thiết bị bán dẫn, theo ông Ricky Sim: “Chúng ta cần phải đảm bảo năng lực cạnh tranh và chất lượng cũng phải đạt mức đẳng cấp thế giới, là mức cao nhất”. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng phải có khả năng chống chịu những cú sốc trong ngành và cần có quan hệ hợp tác mạnh mẽ với khách hàng.

Ở phía ông Andrew Goh, Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn Khu vực Đông Nam Á của SEMI, Phó Chủ tịch Tập đoàn Lam Research cho biết, trong bối cảnh công nghệ biến đổi rất nhanh, việc hợp tác với các chuỗi cung ứng đóng vai trò rất quan trọng, các bên phải có độ linh hoạt, tính kiên cường cao.

“Các doanh nghiệp cần phải đào tạo nhân lực, đáp ứng các tiêu chuẩn từ rất sớm”, Lãnh đạo Lam Research cho biết. Các công ty phải nhanh chóng đầu tư cho con người, máy móc, chứng chỉ để bắt kịp với sự thay đổi. Bên cạnh đó, chuyên gia cũng đề cao tính minh bạch, trao đổi cởi mở giữa các bên.

"Có được nguồn nhân lực phù hợp là một yếu tố quan trọng”

Tại tọa đàm "Chuẩn bị lực lượng lao động của Việt Nam cho ngành thiết bị bán dẫn toàn cầu", bà Ly Nguyễn, Giám đốc dự án, Viện Tony Blair Việt Nam nhận định, để thực hiện mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2025, Việt Nam cần thu hút các dòng đầu trị có giá trị, phát triển hệ sinh thái toàn diện - Điều có tác động tới phát triển nhân lực tại Việt Nam.

“Các doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài cần phải có sự đầu tư cho cả cơ sở hạ tầng cũng như đầu tư phát triển các chương trình đào tạo. Bởi lẽ, có được nguồn nhân lực phù hợp là một yếu tố quan trọng”, bà Ly Nguyễn nhấn mạnh.

Loạt ‘ông lớn’ Mỹ, Hà Lan, Singapore nhìn thấy ‘cơ hội tăng trưởng’ của Việt Nam trong lĩnh vực 1.000 tỷ USD, nhưng vẫn còn nhiều chuyện cần bàn luận- Ảnh 4.

Tạo đàm "Chuẩn bị lực lượng lao động của Việt Nam cho ngành thiết bị bán dẫn toàn cầu" (Ảnh: MH)

Với kinh nghiệm làm việc tại Việt Nam, ông Frank Steinert, Tổng Giám đốc, NXP Semiconductors Việt Nam nhìn thấy các kỹ sư trẻ ở Việt Nam có tinh thần học hỏi rất cao, rất mong muốn được học hỏi công nghệ và phát triển sự nghiệp.

Tuy nhiên, điều cần phải cải thiện là nhân lực Việt Nam không sẵn sàng mắc lỗi hay thảo luận về lỗi. Trong khi, các kỹ sư cần phải tìm ra nguyên nhân tại sao xảy ra lỗi. “Ở Việt Nam, mắc lỗi là điều gì đó không được chào đón”, ông Frank Steinert chia sẻ.

Lãnh đạo NXP Semiconductors cũng phân tích, các bạn trẻ Việt Nam quan tâm đến vấn đề thăng tiến qua các bước, tuy nhiên họ nên tìm cách hiểu rõ hơn về công việc của mình, với các vị trí khác nhau và ở các khía cạnh khác nhau. Ngoài ra, trình độ ngoại ngữ cũng là rào cản cho nhân sự bán dẫn tại Việt Nam.

TS. Lê Thái Hà, Giám đốc Trung tâm đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn, Trường Đại học Phenikaa phân tích, cần phải tạo cơ hội cho các kỹ sư trẻ, kỹ sư mới ra trường để họ có cơ hội nâng cao tay nghề. Hiện nay, các Trung tâm của Phenikaa đang cố gắng để giải quyết "bài toán" khoảng cách giữa kỹ năng, năng lực với yêu cầu của doanh nghiệp.

Trong quá trình phát triển nhân lực bán dẫn, Trung tâm của Phenikaa đã nghiên cứu các nhu cầu của doanh nghiệp, đặt ra câu hỏi cho doanh nghiệp về những kỹ năng, yêu cầu họ cần. Trên cơ sở đó, Trung tâm thiết kế chương trình học và thiết kế các phòng lab phục vụ thực hành, các hệ thống mô phỏng… Bên cạnh đó, Trung tâm cũng có những chương trình đào tạo giảng viên nguồn, gửi những giảng viên xuất sắc nhất tới Đài Loan (Trung Quốc) để đào tạo chuyên sâu hơn.

Các đại biểu tham dự hội thảo đều thống nhất rằng việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực thiết bị bán dẫn là một quá trình dài hơi, đòi hỏi sự nỗ lực và hợp tác của nhiều bên liên quan. Việt Nam cần chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, bao gồm đội ngũ kỹ sư có chuyên môn và lao động có tay nghề, đáp ứng yêu cầu đặc thù của ngành.

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/loat-ong-lon-my-ha-lan-singapore-nhin-thay-co-hoi-tang-truong-cua-viet-nam-trong-linh-vuc-1000-ty-usd-nhung-van-con-nhieu-chuyen-can-ban-luan-a105792.html