Tăng tiết mồ hôi có di truyền không?

Tôi 28 tuổi, mắc chứng đổ mồ hôi tay chân gần 10 năm nay. Bệnh này có di truyền không, cách nào điều trị khỏi? (Nhật An, TP HCM)

Trả lời:

Thông thường mồ hôi có thể tiết nhiều trong khi hoạt động thể thao cường độ cao hoặc thời tiết nóng nực. Lúc này, cơ thể tiết mồ hôi nhằm điều hòa thân nhiệt, loại bỏ độc tố.

Nếu mồ hôi đổ nhiều khi nghỉ ngơi, không hoạt động thể chất, trong không gian mát mẻ và tâm trạng bình thường... có thể bạn gặp chứng tăng tiết mồ hôi. Đây là rối loạn của cơ thể do sự kích thích quá mức của thụ thể cholinergic trên các tuyến mồ hôi. Đặc trưng của bệnh là mồ hôi tiết ra nhiều hơn nhu cầu của cơ thể, tập trung ở lòng bàn tay, nách, bàn chân... gây ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày.

Tăng tiết mồ hôi có khả năng di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Người có cha mẹ hoặc anh chị em ruột bị tăng tiết mồ hôi thì nguy cơ gặp tình trạng này cao hơn.

Bác sĩ Hoài khám cho bệnh nhân bị tăng tiết mồ hôi tay. Ảnh minh họa: Thu Hà

Bác sĩ Hoài khám cho bệnh nhân bị tăng tiết mồ hôi tay. Ảnh minh họa: Thu Hà

Tình trạng này không đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng có thể dẫn đến các vấn đề về thể chất, tinh thần. Một số tác hại khi mồ hôi tay chân tiết ra nhiều là nhiễm nấm, mắc bệnh về da (mụn cóc, nhọt, chàm da), mùi cơ thể, ảnh hưởng cảm xúc (chán nản, lo âu, tự ti, ngại giao tiếp). Do đó, bạn nên điều trị bệnh.

Nguyên tắc điều trị là thay đổi lối sống như tránh mặc quần áo bó sát, hạn chế thực phẩm chua cay, sử dụng tấm thấm nách, mang tất có khả năng hút ẩm, mang giày có miếng lót siêu thấm... Bạn cải thiện tình trạng bằng biện pháp ít xâm lấn trước như bôi thuốc có thành phần chính là nhôm clorua. Chúng giảm tiết mồ hôi hiệu quả qua cơ chế gây bít tắc tuyến mồ hôi ở bàn tay, bàn chân, nách.

Khi các biện pháp này không đạt hiệu quả, người bệnh được bác sĩ tư vấn phương pháp khác như thuốc kháng cholinergic toàn thân, công nghệ điện chuyển ion (iontophoresis), tiêm botulinum toxin (botox). Ở vùng nách, công nghệ MiraDry tiên tiến đã được cục Dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) công nhận giúp giảm phần lớn tăng tiết mồ hôi.

Trường hợp nặng hơn hoặc không đáp ứng các biện pháp điều trị nội khoa, phẫu thuật nội soi lồng ngực cắt hạch giao cảm được áp dụng. Bác sĩ rạch da nhỏ khoảng 6 mm ở vùng nách để đặt dụng cụ nội soi vào lồng ngực, sau đó cắt tín hiệu thần kinh giao cảm chi phối vùng tăng tiết mồ hôi. Phương pháp này cải thiện triệt để triệu chứng bệnh, không có biến chứng nguy hiểm. Một hạn chế của phẫu thuật nội soi là người bệnh có thể đối mặt nguy cơ tăng tiết mồ hôi bù trừ ở các phần khác của cơ thể.

BS.CKI Trần Quốc Hoài
Khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Độc giả đặt câu hỏi bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/tang-tiet-mo-hoi-co-di-truyen-khong-a105755.html