Đầy hơi, chướng bụng cảnh báo nhiều bệnh nguy hiểm

Đầy hơi, chướng bụng kéo dài, tái lại có thể là dấu hiệu cảnh báo tắc ruột, liệt dạ dày, nhiễm trùng, cần được điều trị sớm tránh gây biến chứng nặng.

Đầy hơi, chướng bụng là cảm giác căng tức, khó chịu do tăng áp lực vùng bụng, có thể tiến triển từ nhẹ, vừa đến nặng. Thạc sĩ, bác sĩ Lê Minh Thùy, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết tình trạng này thường gặp và có thể biến mất một thời gian ngắn. Tuy nhiên, không ít trường hợp đầy hơi, chướng bụng lại là biểu hiện của những bệnh tiêu hóa nghiêm trọng.

Nhiễm trùng tiêu hóa xảy ra do nhiễm vi khuẩn hoặc virus như norovirus, rotavirus..., thông thường có xu hướng giảm sau vài ngày. Một số người bệnh bị mất nước nặng, triệu chứng có thể kéo dài kèm đau bụng, nôn ói, tiêu lỏng liên tục, phân có máu, sốt cao... cần đi khám và điều trị đúng cách.

Hội chứng ruột kích thích không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng tới chất lượng sống của người bệnh. Theo bác sĩ Thùy, hội chứng ruột kích thích gây rối loạn chức năng, tái lại nhiều lần nhưng lại không tìm thấy các tổn thương thực thể ở ruột khi làm các xét nghiệm. Người bệnh thường có triệu chứng kèm theo như đau bụng quặn từng cơn, sôi bụng, cảm giác muốn đi tiêu... Tình trạng này không được điều trị có thể khiến cơ thể thiếu chất, suy dinh dưỡng, suy kiệt.

Bác sĩ khám bụng cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ khám bụng cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Liệt dạ dày là rối loạn ảnh hưởng đến hoạt động làm rỗng dạ dày. Nguyên nhân là do các dây thần kinh chi phối cho dạ dày hoạt động thiếu chính xác, làm tiêu hóa thức ăn chậm hơn. Triệu chứng thường gặp như đầy hơi, chướng bụng, táo bón, no nhanh, chán ăn, ợ nóng, buồn nôn, ói mửa, khó chịu.

Tắc ruột có thể do khối u, phân, bã thức ăn, bệnh Crohn... Phân và thức ăn mắc kẹt trong đại tràng dẫn đến chướng bụng, đầy hơi và thường kèm theo đau bụng, nôn ói hoặc các dấu hiệu nhiễm trùng.

Viêm loét dạ dày tá tràng chủ yếu do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP), thói quen ăn uống không điều độ, uống nhiều bia rượu, thực phẩm chua cay. Ngoài đầy hơi, chướng bụng, người bệnh còn có thể bị khó tiêu, đau bụng, buồn nôn, đau thượng vị (vùng trên rốn), sụt cân.

Suy tụy làm giảm khả năng tiết enzyme tiêu hóa dẫn đến chướng bụng, khó tiêu. Trường hợp suy tụy nặng, người bệnh có triệu chứng nghiêm trọng hơn như chướng bụng, vàng da, sụt cân, chán ăn, đau vùng thượng vị lan ra sau lưng. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời dễ dẫn đến biến chứng suy dinh dưỡng, suy giảm mật độ xương, giảm vận động.

Ung thư dạ dày, đại tràng hoặc một số cơ quan như gan, tụy, buồng trứng, cũng có thể có triệu chứng chướng bụng, đầy hơi kéo dài. Đây là những bệnh lý ác tính nguy hiểm, có nguy cơ tử vong cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Bệnh cạnh nguyên nhân do bệnh lý, đầy hơi, chướng bụng còn là hệ quả của thói quen ăn uống, tăng cân quá mức, nhai kẹo cao su, hút thuốc lá, uống nước có gas, ăn uống quá nhanh nuốt không khí nhiều hơn bình thường... Ăn thường xuyên một số thực phẩm sinh hơi như đậu, bắp cải, bông cải xanh, các loại ngũ cốc, măng tây, hành, lê, lúa mì, yến mạch, đậu hà lan, khoai tây cũng là nguyên nhân dẫn đến căng tức, khó chịu vùng bụng.

Tác dụng phụ của một số loại thuốc, phụ nữ đang mang thai, giai đoạn tiền mãn kinh cũng gặp những triệu chứng này, do nội tiết tố trong cơ thể có sự thay đổi bất thường. Estrogen và progesterone là hai nội tiết tố quan trọng có mối quan hệ mật thiết với hệ tiêu hóa, có thể làm giảm hoặc tăng nhu động ruột dẫn đến chướng bụng, đầy hơi.

Đầy hơi, chướng bụng khá phổ biến, song nếu kéo dài hoặc đi kèm các dấu hiệu khác, người bệnh cần khám chuyên sâu để được chẩn đoán và điều trị kịp thời các bệnh lý nếu có.

Thảo Nhi

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/day-hoi-chuong-bung-canh-bao-nhieu-benh-nguy-hiem-a105456.html