Tưởng trật khớp hóa đứt dây chằng

TP HCMChị Ái, 36 tuổi, tưởng trật khớp do ngã xe, bó thuốc trong một tuần dẫn đến dị ứng, bác sĩ chẩn đoán đứt hai dây chằng, rách sụn chêm.

ThS.BS.CKII Trần Anh Vũ, Trưởng khoa Y học và Nội soi, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết đứt dây chằng chéo trước và dây chằng bên ngoài, rách sụn chêm là tổn thương tương đối nghiêm trọng và rất thường gặp ở người bị tai nạn giao thông.

Nhiều người gặp các vấn đề về khớp, nhất ở đầu gối, có thói quen bó thuốc hoặc nắn bẻ để khớp trở về bình thường, khiến trì hoãn điều trị. "Các phương pháp này có thể hữu ích trong một số trường hợp nhưng không có tác dụng với tình trạng đứt dây chằng vì không thể tự lành", bác sĩ Vũ nói, thêm rằng các phương pháp điều trị bảo tồn không đúng cách có thể gây biến chứng như dị ứng da, nhiễm trùng, cứng khớp gối... Chị Ái cần được phẫu thuật để khôi phục chức năng vận động.

Bác sĩ Vũ thực hiện nội soi tái tạo dây chằng khớp gối cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Vũ thực hiện nội soi tái tạo dây chằng khớp gối cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ tái tạo dây chằng chéo trước bằng dây chằng nhân tạo. Đây là vật liệu y tế có cấu tạo từ một chuỗi khoảng 3000 sợi polyethylene terephthalate đơn, hoạt động như một dây chằng tự nhiên, có độ linh hoạt và mềm dẻo cao, giúp khớp gối vận động bình thường trở lại.

Trong khi đó, dây chằng bên ngoài được nối lại bằng hai neo tự tiêu, đồng thời bác sĩ khâu lại phần sụn chêm rách. Ca phẫu thuật được thực hiện bằng phương pháp nội soi all inside ít xâm lấn, giúp người bệnh ít đau và ít mất máu, phục hồi nhanh hơn.

Ngày đầu sau phẫu thuật, chị không còn đau và được tập đi lại ngay. Bác sĩ Vũ tiên lượng người bệnh có thể phục hồi hoàn toàn sau ba tháng nếu không có bất thường, tuân thủ chỉ định điều trị và tập vật lý trị liệu đúng cách.

Chị Ái tập đi lại ngay ngày đầu tiên sau phẫu thuật. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Chị Ái tập đi lại ngay ngày đầu tiên sau phẫu thuật. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Vũ khuyến cáo mọi người nên đi khám khi xảy ra chấn thương và xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo đứt dây chằng như khớp gối phát ra âm thanh tương tự tiếng nứt hoặc tiếng nổ nhỏ, bầm tím, sưng và đau, co thắt cơ, lỏng lẻo khớp, giảm khả năng vận động... Không nên tự chẩn đoán bệnh, nắn chỉnh khớp và tự dùng thuốc gây biến chứng.

Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, người bệnh được kiểm tra tình trạng chức năng dây chằng và phân tích tổn thương bằng robot lượng giá dây chằng Dyneelax, cho kết quả nhanh chóng, chính xác. Phát hiện tổn thương giúp bác sĩ chọn phương pháp điều trị tối ưu và trong thời gian "vàng" (ba tuần đầu tiên) giúp bệnh nhân nhanh hồi phục.

Phi Hồng

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/tuong-trat-khop-hoa-dut-day-chang-a105392.html