Thận là cơ quan quan trọng trong hệ tiết niệu, có chức năng lọc máu để giữ lại các chất cần thiết và loại bỏ chất độc qua nước tiểu. Thận cũng tham gia quá trình tạo máu, cân bằng nước và điện giải, axit - bazơ trong cơ thể.
BS.CKI Đỗ Thị Hằng, Trưởng đơn vị Tiết niệu - Thận học - Lọc máu, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết xét nghiệm chức năng thận giúp bác sĩ đánh giá khả năng lọc máu của thận, sớm phát hiện những dấu hiệu bất thường để theo dõi, chăm sóc và điều trị phù hợp. Dưới đây là các xét nghiệm chức năng thận thiết yếu.
Xét nghiệm creatinine máu: Creatinine là sản phẩm của sự thoái hóa creatine trong các cơ, được đào thải qua thận. Thận duy trì creatinine trong máu ở nồng độ ổn định. Ở nam giới, giá trị creatinine máu bình thường là 0,6-1,2 mg/dl hoặc 53-106 umol/l, còn ở nữ giới là 0,5-1,1 mg/dl hoặc 44-97 umol/l. Nồng độ creatinine máu càng tăng cao chức năng thận càng suy giảm và ngược lại.
Xét nghiệm nitơ urê máu (BUN): Urê là sản phẩm cuối cùng của quá trình chuyển hóa protein trong cơ thể. Urê luôn tồn tại trong máu, được lọc và thải ra ngoài cơ thể qua thận. Nồng độ urê trong máu của người bình thường khoảng 2,5-7,5 mmol/l. Urê máu tăng có thể do chế độ ăn quá nhiều đạm hoặc do mắc bệnh liên quan đến thận như viêm cầu thận, viêm ống thận, suy giảm chức năng thận, suy tim sung huyết...
Xét nghiệm độ lọc cầu thận (eGFR): Độ lọc cầu thận là chỉ số đánh giá khả năng lọc máu của thận. Chức năng thận bình thường khi độ lọc cầu thận trên 90 ml/phút/1,73 m2. Độ lọc cầu thận dưới 60 đồng nghĩa chức năng thận suy giảm, cần can thiệp điều trị nhằm bảo tồn, làm chậm tốc độ suy giảm. Độ lọc cầu thận dưới 15 tương đương suy thận mạn giai đoạn cuối. Người bệnh cần được điều trị bằng thận thay thế như lọc máu hoặc ghép thận hoặc thẩm phân để duy trì sự sống.
Xét nghiệm rối loạn cân bằng kiềm toan: Thông thường, chỉ số pH máu được duy trì ở mức 7,37-7,45 (có tính kiềm) để đảm bảo các hoạt động bên trong cơ thể diễn ra bình thường. Thận suy giảm chức năng dẫn đến giảm đào thải axit hoặc gây mất nhiều bicarbonat, làm tăng nồng độ axit trong máu và các cơ quan trong cơ thể. Bác sĩ thường chỉ định xét nghiệm này khi nghi ngờ người bệnh mắc bệnh thận.
Xét nghiệm axit uric máu: Ở nam giới, nồng độ axit uric trong máu thường dao động trong khoảng 180-420 mmol/l, ở nữ giới là 150-360 mmol/l. Nồng độ axit uric trong máu tăng cao liên quan đến nhiều bệnh như suy thận, gout, vảy nến, thiếu máu do tán máu...
Xét nghiệm tỷ lệ microalbumin/creatinine niệu: Microalbumin niệu là lượng albumin (một loại protein có trong máu) rất nhỏ có trong nước tiểu mà các xét nghiệm nước tiểu thông thường không thể phát hiện. Nồng độ microalbumin càng cao đồng nghĩa chức năng thận suy giảm càng nghiêm trọng. Xét nghiệm này thường được chỉ định cho người bệnh tiểu đường, cao huyết áp, bệnh nhân có nguy cơ cao mắc bệnh thận để tầm soát nguy cơ phát sinh biến chứng suy thận mạn.
Tổng phân tích nước tiểu: Xét nghiệm phân tích các thành phần có trong mẫu nước tiểu nhằm phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe có thể ảnh hưởng đến chức năng thận như bệnh tiểu đường, nhiễm trùng đường tiểu, bệnh gan...
Xét nghiệm điện giải đồ: Rối loạn chức năng thận gây mất cân bằng điện giải trong cơ thể thông qua cơ chế bài tiết nước tiểu. Sự mất cân bằng điện giải liên quan đến suy giảm chức năng thận, kéo theo biến chứng tim mạch, thần kinh, thậm chí tử vong.
Xét nghiệm albumin huyết thanh: Albumin là loại protein có vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi và chuyển hóa. Thông thường, chỉ số albumin huyết thanh là 35-50 g/l, chiếm 60-80% lượng protein toàn phần trong máu. Nồng độ albumin máu giảm khi chức năng sản xuất albumin của gan bị ức chế, do albumin bị phân hủy nhiều hoặc đào thải nhiều qua nước tiểu (bệnh cầu thận cấp như viêm cầu thận cấp...)
Xét nghiệm định lượng protein toàn phần: Protein toàn phần bao gồm albumin và các globulin máu. Chỉ số protein trong máu bình thường dao động trong khoảng 60-80 g/l. Ở người mắc bệnh thận, chức năng lọc của thận suy giảm, khiến protein thất thoát vào nước tiểu tăng, dẫn đến giảm protein toàn phần.
Tổng phân tích tế bào máu: Xét nghiệm nhằm đánh giá nguy cơ thiếu máu do giảm số lượng hồng cầu ở người bệnh suy thận mạn. Xét nghiệm còn giúp phát hiện tình trạng nhiễm trùng, tăng hoặc giảm tiểu cầu, bệnh bạch cầu... để có cơ sở cho các xét nghiệm chức năng thận chuyên sâu hơn.
Siêu âm bụng: Phương pháp chẩn đoán hình ảnh giúp phát hiện sớm các vấn đề có thể ảnh hưởng chức năng thận như thận ứ nước, thận đa nang, sỏi thận, khối u thận....
Tùy từng trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện thêm một số các xét nghiệm khác như chụp cộng hưởng từ (MRI), xạ hình thận, sinh thiết thận... nhằm kiểm tra chuyên sâu hơn cấu trúc, chức năng thận.
Bác sĩ Hằng khuyến cáo người có biểu hiện nặng, phù mí mắt, phù tay chân vào buổi sáng thức dậy, tiểu ít hơn bình thường, tiểu máu, tiểu bọt lâu tan, dễ mệt mỏi, đau tức hông lưng dai dẳng... cần sớm đến bệnh viện khám, làm các xét nghiệm phù hợp nhằm xác định nguyên nhân, điều trị kịp thời, tránh tổn thương thận nghiêm trọng hơn. Người bị tăng huyết áp, tiểu đường... cần thường xuyên kiểm tra chức năng thận nhằm tầm soát nguy cơ mắc bệnh thận.
Thắng Vũ
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh thận tại đây để bác sĩ giải đáp |
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/cac-xet-nghiem-danh-gia-chuc-nang-than-a105246.html