Mẹ bé cho biết con uống thuốc nhưng không giảm đau bụng. Kết quả siêu âm, chụp CT bụng tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM ghi nhận bé có nang thực quản đôi đoạn bụng, nằm ở đường đi vào dạ dày nên gây ra các triệu chứng tiêu hóa và hô hấp.
Ngày 5/11, ThS.BS Lâm Thiên Kim, chuyên khoa Ngoại Nhi, cho biết nang đôi là tổn thương hình ống hoặc hình cầu, có thể xuất hiện bất cứ đâu trong hệ tiêu hóa, nếu ở thực quản gọi là nang thực quản đôi. Lúc này, thực quản có thêm một nang với tính chất mô học giống như thực quản ở bên cạnh.
Bác sĩ phẫu thuật cắt trọn nang thực quản cho bé, sau đó nội soi tiêu hóa trên kiểm tra để tránh bỏ sót tổn thương ở dạ dày thực quản. Hậu phẫu, sức khỏe bệnh nhi ổn định, xuất viện sau ba ngày.
Nang thực quản đôi hình thành trong thai kỳ và có thể gặp ở mọi vị trí của đường tiêu hóa, từ hầu họng cho tới hậu môn. Bác sĩ Kim cho biết đây là dị tật bẩm sinh ít gặp, chiếm khoảng 0,5-2,5% các bệnh u thực quản. Tỷ lệ mắc bệnh khoảng 1/8.200 trẻ, số bé trai bệnh cao gấp đôi bé gái.
Nang thực quản đôi có thể gặp ở bất kỳ tuổi nào, diễn tiến âm thầm, không có biểu hiện cụ thể. Triệu chứng bệnh phụ thuộc vào kích thước, vị trí và bản chất lớp niêm mạc lót bên trong của nang. Nang kích thước lớn có thể gây khó nuốt, ứ đọng thức ăn và nôn. Tùy vị trí, tính chất của nang và các dị tật bẩm sinh đi kèm, bệnh nhân có thể được phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ nang để tránh các biến chứng như nhiễm trùng, xuất huyết, chuyển hóa thành u ác tính...
"Bệnh không có biểu hiện rõ ràng nên rất khó chẩn đoán", bác sĩ Kim nói, thêm rằng siêu âm là phương pháp thường được lựa chọn để chẩn đoán bệnh. Với ca bệnh trên nền đau bụng mạn tính như bé Khang, bác sĩ có thể chụp cộng hưởng từ (MRI) và CT để lên kế hoạch điều trị. Trẻ có biểu hiện đau bụng, đầy hơi, chán ăn, nôn ói kéo dài cần được đưa đến bệnh viện khám và điều trị kịp thời.
Đình Lâm
Độc giả đặt câu hỏi bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/be-trai-mac-nang-thuc-quan-doi-a105243.html