Công nhân: Miếng mồi ngon của tội phạm công nghệ cao

100% các hội nhóm công nhân trên không gian mạng đều có đối tượng lừa đảo ẩn nấp, khai thác thông tin cá nhân để lừa đảo

Tại buổi thông tin chuyên đề "Tình hình an ninh mạng và tội phạm công nghệ cao hiện nay" do LĐLĐ TP HCM tổ chức vừa qua, thượng tá Đỗ Minh Kim - Phó Phòng 3, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an, thông tin tháng 4-2024, Cục A05 đã phối hợp với Công an các tỉnh Phú Yên, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Tiền Giang và Bến Tre triệt phá đường dây chuyên thu thập, sử dụng thông tin cá nhân (trong đó có thông tin nhiều công nhân, lao động) để mở tài khoản ngân hàng trực tuyến trái phép.

Theo đó, các đối tượng đã thành lập Công ty TNHH tư vấn tài chính Nhung Nguyễn và Công ty TNHH tư vấn tài chính Minh Anh với hàng chục chi nhánh hoạt động tại địa bàn các khu công nghiệp, khu đông dân cư. Dưới "vỏ bọc" tư vấn, cho vay vốn tín chấp miễn phí, các đối tượng đã thu thập thông tin người dân, công nhân, lao động (CCCD, hình ảnh cá nhân…), sau đó mở và sử dụng tài khoản trái phép.

Công nhân: Miếng mồi ngon của tội phạm công nghệ cao- Ảnh 1.

Công nhân, lao động luôn là đối tượng mà tội phạm lừa đảo công nghệ cao nhắm đến

Trung bình mỗi tháng nhóm này tạo lập và đưa ra thị trường khoảng 20.000 tài khoản các loại, chủ yếu là tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán...Với số lượng tài khoản trực tuyến được mở trái phép này, ngoài thu lợi bất chính ước tính hàng chục tỉ đồng, 2 công ty trên có thể đã tiếp tay cho các đối tượng, tổ chức lừa đảo trực tuyến; các loại tội phạm đánh bạc, tổ chức đánh bạc; rửa tiền và các hành vi vi phạm pháp luật khác. 

Trước mắt, mặc dù cá nhân bị sử dụng thông tin cá nhân trái phép chưa bị thiệt hại nhưng bị các đối tượng lợi dụng để thực hiện các hành vi để lừa đảo người khác.

Theo thượng tá Đỗ Minh Kim, diễn biến của lừa đảo trên không gian mạng ngày càng phức tạp, khó kiểm soát; Tội phạm mạng triệt để lợi dụng các tiện ích của internet và các vấn đề của đời sống kinh tế - xã hội, nhất là hoạt động hồi phục kinh tế, kết nối lại các chuỗi cung ứng hàng hóa sau đại dịch COVID-19, giao dịch trực tuyến... để thực hiện các hoạt động tấn công mạng, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Công nhân: Miếng mồi ngon của tội phạm công nghệ cao- Ảnh 2.

Buổi tuyên truyền phòng chống "tín dụng đen" cho công nhân ở trọ do LĐLĐ quận Tân Phú, TP HCM tổ chức

Các thiết bị di động đang là mục tiêu hướng đến lớn nhất của xu hướng tấn công, chiếm đoạt thông tin, thu thập dữ liệu để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Trong đó, công nhân, lao động luôn được các đối tượng lừa đảo ưu tiên nhắm đến. Đặc biệt,100% các hội nhóm công nhân trên không gian mạng đều có đối tượng lừa đảo ẩn nấp. 

Ngoài phát tán thông tin lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kêu gọi đầu tư, kêu gọi làm nhiệm vụ, đa cấp trái phép, tín dụng đen, lô xổ đề, đánh bạc.... các đối tượng còn tìm kiếm các thông tin cá nhân, đánh vào lòng tham…để lừa đảo.

Để tránh trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân, công nhân, lao động cần nâng cao ý thức cảnh giác trong bảo vệ thông tin cá nhân. Cụ thể, không công khai thông tin cá nhân trên mạng xã hội (ngày tháng năm sinh, số CCCD/CMND, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng…); Thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội và cần bảo mật tuyệt đối thông tin các tài khoản trên, không cung cấp cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào khi chưa xác định được danh tính;

Bên cạnh đó, cần tìm hiểu kỹ thông tin khi kết bạn với những người lạ trên mạng xã hội; Không truy cập các đường link trong tin nhắn hay email lạ không rõ nguồn gốc; Cẩn trọng trước lời mời chào hấp dẫn, nhất là giới thiệu làm việc nhẹ, kiếm tiền dễ; 

Không cài đặt trên điện thoại, máy tính các ứng dụng chưa được xác thực; Cẩn trọng đối với các website, ứng dụng giả mạo: Tuyệt đối không truy cập website, ứng dụng trong tin nhắn nhận được, trang web có nội dung không rõ ràng, giả mạo dịch vụ chuyển tiền quốc tế, trang web ngân hàng. Khi có dấu hiệu nghi ngờ cần thông báo với cơ quan chức năng để kịp thời xử lý, ngăn chặn…

Theo các chuyên gia bảo mật quốc tế, mỗi giây có 2 mã độc mới ra đời. Mỗi phút có 2,7 triệu nạn nhân của tội phạm mạng. Thiệt hại do tội phạm mạng gây ra lớn hơn bất kỳ loại hình phạm pháp nào, kể cả tội phạm ma túy. Hàng năm thiệt hại khoảng 600 tỉ USD.



Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/cong-nhan-mieng-moi-ngon-cua-toi-pham-cong-nghe-cao-a105155.html