Khoảnh khắc mệt mỏi của nam sinh khiến dân mạng tranh luận

Khi clip được chia sẻ lên mạng, nhiều người nói học sinh chịu áp lực quá lớn, nhưng có người cho rằng các em quá đủ đầy, không có chuyện gặp áp lực

Nam sinh Trung Quốc mệt mỏi trở về nhà lúc 23h, sau khi kết thúc các tiết học. Ảnh: Ixigua.

Những ngày vừa qua, dân mạng liên tục chia sẻ clip một nam sinh mệt mỏi trở về nhà sau khi kết thúc tiết học thêm cuối cùng lúc 23h. Trong clip, nam sinh lộ rõ vẻ mệt mỏi, em lê bước vào phòng khách, ngồi thẫn thờ trên sofa một lúc lâu.

Theo tìm hiểu của Tri Thức - Znews, nam sinh trong clip này sống tại Trung Quốc, clip cũng là do mẹ em chia sẻ lên mạng xã hội.

Người mẹ cho biết con trai phải dậy từ 6h để đi học và phải đến 23h mới về nhà. Vào ngày 19/9, bà thấy con trai bước vào cửa, vứt cặp sách xuống đất rồi ngồi thất thần trên ghế. Thấy con trai tựa như quả bóng bị xì hơi, người mẹ chợt nhận ra mỗi người đều có điểm mạnh và điểm yếu của riêng mình. Mỗi đứa trẻ là một hạt giống, thời gian đơm hoa kết trái khác nhau.

"Thời gian con cái ở bên chúng ta rất ngắn ngủi, vậy nên hãy trân trọng khoảng thời gian vui vẻ bên con, kiên nhẫn hơn và bớt đánh đập con", người mẹ viết trong bài đăng.

ap luc dong trang lua anh 1

Khoảnh khắc mệt mỏi của nam sinh được ghi lại vào 23h ngày 19/9. Ảnh: Ixigua.

Học sinh cũng có áp lực

Khi bài viết này được chia sẻ trên các trang mạng xã hội ở Việt Nam, nhiều người bày tỏ sự đồng cảm với nam sinh, nói rằng áp lực học tập của thế hệ trẻ ngày càng lớn vì các em phải học rất nhiều điều để không bị tụt hậu so với bạn bè.

Bên cạnh những bình luận động viên, một số người lại cho rằng thế hệ trẻ ngày nay yếu đuối, "chỉ ăn với học thôi cũng không làm được". Một người còn cho rằng đi học vẫn còn sướng chán, sau này đi làm, trở thành trụ cột gia đình mới đáng sợ.

Bàn về câu chuyện này, Minh Ngọc, sinh viên năm nhất ở Hà Nội, nói rằng em rất đồng cảm với nam sinh trong câu chuyện này. Vài tháng trước, khi còn là học sinh THPT và đang trong giai đoạn ôn thi tốt nghiệp THPT 2024, Ngọc cũng từng trải qua những ngày học căng thẳng, mệt mỏi đến mức chỉ muốn nằm một chỗ, không muốn trò chuyện, ăn uống.

Khi đọc bình luận của một số dân mạng nói rằng “chỉ học thôi cũng kêu mệt”, Minh Ngọc cảm thấy bất bình vì những người này không có sự cảm thông, chia sẻ cho thế hệ trẻ.

Nữ sinh nói rằng mỗi thế hệ, mỗi độ tuổi sẽ có những áp lực cuộc sống và sự mệt mỏi riêng. Người lớn áp lực vì cơm áo gạo tiền thì học sinh cũng gặp áp lực trong học tập vì kiến thức ngày càng nhiều, tỷ lệ cạnh tranh trong các kỳ thi ngày càng quyết liệt.

“Nhiều người cứ nói học sinh được gia đình nuôi ăn thì lấy đâu ra áp lực, nhưng họ lại không hiểu áp lực của học sinh bắt nguồn từ việc học và sự cạnh tranh trong thi cử, đó còn chưa kể đến áp lực đồng trang lứa, áp lực bị tụt hậu cũng khiến học sinh rất mệt mỏi”, Ngọc nói.

Chung quan điểm với Minh Ngọc, chị Hà Anh, phụ huynh ở Hà Nội, cũng nói rằng nhiều người đang quá khắt khe với thế hệ trẻ và coi thường cảm xúc của các bạn. Dù chưa kiếm ra tiền, dù đang được gia đình nuôi, học sinh cũng cần được tôn trọng và ghi nhận sự cố gắng chứ không phải bị chỉ trích và bác bỏ.

Có con ở độ tuổi đi học và sắp thi lên THPT, chị Hà Anh rất thấu hiểu những áp lực mà học sinh ngày nay đang trải qua. Ở thế hệ 8X như chị, trẻ con chỉ cần đọc thông viết thạo là đủ. Nhưng với gen Z, gen Alpha ngày nay, các con phải biết nhiều hơn thế. Chỉ cần thiếu đi một kỹ năng, các con cũng có thể bị bạn bè bỏ xa.

“Con tôi cũng như bạn nhỏ trong clip trên, mỗi ngày phải học rất nhiều ca, đến tối muộn mới về. Nhiều hôm, con tan học nhưng không nói năng gì, chỉ nằm gục đầu trên bàn rồi ngủ thiếp đi”, người mẹ kể lại.

ap luc dong trang lua anh 2

Học sinh gặp nhiều áp lực trong học tập, cần được động viên thay vì bị chỉ trích hay bị coi thường cảm xúc. Ảnh minh họa: Thế Bằng.

Thế hệ trẻ cần được cảm thông

Nói thêm về áp lực của các thế hệ, chị Hà Anh nói rằng người lớn không nên cho rằng học sinh không có áp lực hay chê các em yếu đuối. Người mẹ lấy ví dụ người lớn đi làm 8 giờ mỗi ngày, nhưng học sinh có thể phải học nhiều giờ hơn thế. Người lớn tan làm về nhà có thể nghỉ ngơi, nhưng các con tan học về nhà vẫn phải học thêm và làm bài tập.

“Nhiều khi, tôi đi làm thấy mệt còn xin nghỉ để lấy lại sức, nhưng các con thì không thể vì chỉ cần nghỉ một buổi, các con sẽ bị hụt đi rất nhiều kiến thức. Các con đi học cũng rất vất vả, người lớn đừng vì thấy mình kiếm tiền mệt mỏi mà nghĩ các con đang ngồi mát ăn bát vàng”, chị Hà Anh nói thêm.

Do đó, người mẹ mong rằng người lớn, cộng đồng mạng nên có cái nhìn cảm thông và yêu thương học sinh nhiều hơn. Thay vì chỉ trích, chê các em yếu đuối, chị Hà Anh mong mỗi người chỉ nên để lại những dòng bình luận động viên, cổ vũ học sinh cố gắng học tập nhiều hơn.

Minh Ngọc cũng bày tỏ mong muốn tương tự. Từng là học sinh, từng nhận được những lời động viên từ gia đình, nữ sinh hiểu rõ sức mạnh của những lời nói tích cực đối với người đang chịu áp lực. Dù chỉ là một lời nói đơn giản, nó vẫn có thể mang lại niềm vui và động lực sống mạnh mẽ.

“Lời động viên hay lời chúc có giá trị rất lớn. Nếu không tiện nói ra những lời yêu thương, mọi người cũng có thể dành cho các học sinh một cái ôm thật chặt. Cái ôm đó có thể xoa dịu những mệt mỏi mà các bạn đang trải qua”, Ngọc đề xuất

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.

Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.

TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/khoanh-khac-met-moi-cua-nam-sinh-khien-dan-mang-tranh-luan-a105119.html