Thận đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng như lọc máu đào thải độc tố và chất dư thừa qua nước tiểu, cân bằng điện giải, ổn định huyết áp, tham gia vào quá trình tạo máu, cải thiện khả năng hấp thụ canxi vào xương giúp hệ xương chắc khỏe... BS.CKII Hồ Tấn Thông, Đơn vị Nội thận - Lọc máu, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, cho biết chức năng thận có thể bị ảnh hưởng, thậm chí suy giảm, bởi một số thói quen không tốt dưới đây.
Uống ít nước khiến thận không đủ lượng nước để thực hiện chức năng lọc thải độc tố, duy trì cân bằng điện giải trong cơ thể. Lúc này nước tiểu bị cô đặc khiến các chất trong nước tiểu dễ tích tụ thành sỏi thận.
Nhịn tiểu lâu làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận, phát sinh nhiễm trùng đường tiết niệu, nguy hiểm nhất là dẫn đến suy giảm chức năng thận.
Chế độ dinh dưỡng thiếu lành mạnh như ăn quá mặn, tiêu thụ nhiều đồ ngọt, nhiều đạm, nhiều dầu mỡ... tạo ra gánh nặng cho thận, khiến thận phải làm việc nhiều hơn. Trong thời gian dài, thói quen này có thể gây suy giảm chức năng thận âm thầm.
Sử dụng nhiều rượu bia và các loại đồ uống có cồn khiến thận quá tải, gây độc thận, tổn thương thận, suy giảm chức năng, nguy cơ tiến triển bệnh thận mạn.
Hút thuốc hoặc thường xuyên hít phải khói thuốc khiến các độc tố nguy hiểm trong thuốc lá ngấm vào máu, âm thầm phá hủy nhiều cơ quan trong cơ thể, bao gồm thận.
Tự ý dùng hoặc lạm dụng thuốc: Thận và gan là hai cơ quan chính đảm nhiệm chức năng lọc thải các thành phần tồn dư trong thuốc. Tự ý sử dụng thuốc hay lạm dụng thuốc, nhất là thuốc giảm đau, có thể dẫn đến tổn thương thận cấp tính, thậm chí tổn thương cơ quan này không phục hồi (suy thận mạn). Do đó, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, người bệnh cũng cần tham khảo ý kiến bác sĩ, nhất là với người bệnh thận.
Không kiểm soát tốt các bệnh hại thận: Tiểu đường, cao huyết áp, thừa cân béo phì... là những tác nhân dẫn đến bệnh thận mạn phổ biến. Không kiểm soát tốt các bệnh này và không theo dõi chức năng thận thường xuyên làm tăng nguy cơ phát sinh bệnh thận mạn, thậm chí suy thận mạn.
Không khám sức khỏe định kỳ: Bệnh thận mạn diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng hoặc triệu chứng khó nhận biết trong những giai đoạn đầu, chỉ biểu hiện rõ ràng khi chức năng thận đã suy giảm nặng. Khám sức khỏe, kiểm tra chức năng thận định kỳ, tư vấn với bác sĩ chuyên khoa thận giúp phát hiện sớm những tổn thương thận để có thể theo dõi và điều trị kịp thời, làm chậm tốc độ suy giảm chức năng thận.
Ít vận động: Thói quen ngồi nhiều, ít vận động ảnh hưởng khả năng lưu thông máu, huyết áp và chuyển hóa glucose trong máu, tăng nguy cơ hình thành sỏi thận. Về lâu dài, thói quen này có thể ảnh hưởng đến chức năng thận.
Bác sĩ Tấn Thông khuyến cáo hạn chế các thói quen gây hại thận nêu trên và thường xuyên khám sức khỏe. Người có triệu chứng phù nề tay chân hay mí mắt, thường xuyên mệt mỏi, sụt cân bất thường, đau tức hông lưng, khó ngủ, tiểu máu, lượng nước tiểu ít hơn bình thường... cần đến bệnh viện khám sớm vì đây là những dấu hiệu liên quan suy giảm chức năng thận.
Thắng Vũ
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh thận tại đây để bác sĩ giải đáp |
Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/nhung-thoi-quen-hai-than-a105079.html