Nhiều quan điểm cho rằng: “Các SMEs Việt – nhất là trong mảng thế mạnh của Temu như thời trang, mỹ phẩm và đồ gia dụng sẽ chết khi nền tảng này vào Việt Nam’. Tuy nhiên, theo quan điểm từ 3 chủ doanh nghiệp mà chúng tôi đã phỏng vấn, thì tương lai của các SMEs Việt nhiều khả năng sẽ không bi đát đến mức đó.
Trong quá khứ, SMEs Việt cũng đã trải nghiệm chiến lược giá rẻ từ Shopee và TikTok Shop, nên không quá ngỡ ngàng trước mức giá sập sàn mà Temu hiển thị. Hiện tại, không ít mặt hàng cùng loại trên Temu còn cao hơn Shopee.
Theo quan điểm của các CEO của Julyhoue, UniSpace hay Hagu Life; khi Temu vào Việt Nam, những công ty nhập hàng từ Trung Quốc về bán và những SMEs Việt chậm thích nghi và thay đổi nhiều khả năng sẽ chết. Còn những DN Việt đã sản xuất/phân phối hàng chất lượng và có thương hiệu vẫn sống được nếu tận dụng được sức mạnh địa phương ở khía cạnh marketing, sale hay logistics.
Không đối đầu trực tiếp
FuniMart của Nguyễn Minh Đức từng là một sàn TMĐT theo mô hình Dropshipping nổi bật ở thị trường TP.HCM.
FuniMart sẽ kết nối trực tiếp giữa các cộng tác viên (CTV) bán hàng và nhà sản xuất, nên cộng tác viên bán sỉ hay lẻ thì đều mua được hàng với giá rẻ - gần như tận gốc. Các cộng tác viên của FuniMart có thể bán hàng trên chính FuniMart, hoặc trên Shopee, Lazada, Facebook, Chợ Tốt…; phần giao hàng và tập hợp đơn hàng đã có FuniMart – đối tác nhà sản xuất lo. Thế mạnh của FuniMart chính là thời trang, đồ gia dụng…
Theo chia sẻ của Nguyễn Minh Đức vào tháng 9/2021, FuniMart có khoảng 500 nhà cung cấp, 40.000 cộng tác viên cài đặt app FuniMart - 60% trong đó hoạt động hàng tháng. Tuy nhiên, sau đó Nguyễn Minh Đức đã quyết định đóng cửa FuniMart.
“ Năm 2023, trên TikTok Shop, top 10 sản phẩm bán chạy là các thương hiệu Việt Nam; còn năm 2024, top 10 là các nhà xưởng hoạt động theo mô hình M2C và đặc biệt hiệu quả trong ngành thời trang. Temu cũng là một sàn theo mô hình M2C. Nên nếu FuniMart trụ lại sẽ rất khó ”, Nguyễn Minh Đức giải thích lý do vì sao từ bỏ dự án khởi nghiệp FuniMart.
Mới đây, Nguyễn Minh Đức lại lần nữa khởi nghiệp với sàn TMĐT Hagu Life – chuyên về mảng mẹ và bé. Hagu Life sẽ nhập các sản phẩm mẹ và bé có thương hiệu từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam…và bán trực tiếp cho người tiêu dùng, chứ không qua trung gian cộng tác viên như FuniMart nữa.
“ Ở góc độ người tiêu dùng thì ‘tình yêu với túi tiền là vĩnh cữu’. Khi Temu vào Việt Nam, các DN Việt trước giờ xây dựng mô hình kinh doanh nhập hàng Trung Quốc về bán sẽ ảnh hưởng nhiều nhất. Bởi thực tế là xu hướng M2C đang ngày càng mở rộng và tình trạng ‘dư thừa sản xuất tại Trung Quốc’ sẽ tăng tốc sự phát triển của M2C nhanh hơn chúng ta dự đoán nhiều.
Với sự xuất hiện của Temu, trong ngắn hạn sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường Việt Nam; ví dụ giá trị cho 1 đơn hàng của các DN Việt sẽ giảm. Theo đó, người trực tiếp bị ảnh hưởng đầu tiên là SMEs/hộ kinh doanh và tình huống xấu nhất có thể gây nên làn sóng phá sản ở 2 thành phần này, làm người lao động mất việc.
Khi dòng tiền của người tiêu dùng không quay lại Việt Nam mà chảy ra nước ngoài, thì cuối cùng người chịu thiệt hại nặng nhất chính là người mua hàng giá rẻ khi tiền của họ chi ra để mua rác về nhưng lại không được sử dụng để trả lương cho chính họ”, Nguyễn Minh Đức nêu quan điểm.
Cũng theo Nguyễn Minh Đức, bản chất câu chuyện Temu xâm nhập vào Việt Nam cũng giống Shopee, TikTok. Trong giai đoạn đầu, Shopee/TikTok Shop cũng từng tập trung vào hàng giá rẻ và khi người tiêu dùng nhận ra: đúng là hàng giá rẻ thật nhưng không sử dụng được lâu bền thì sẽ quay sang các sản phẩm chất lượng hơn. Chiến lược của Shopee hiện tại cũng tập trung vào các nhà bán hàng có sản phẩm chất lượng tốt được đánh giá 4.8 sao trở lên.
Để có thể sống sót, các DN Việt cần tập trung nhiều hơn vào R&D và chất lượng sản phẩm, lấy điểm yếu của hàng giá rẻ trên Temu là chất lượng, để làm điểm mạnh của doanh nghiệp. Nếu làm được điều này, các SMEs Việt còn phát triển bền vững hơn.
Dự đoán trước xu hướng thị trường, nên Hagu Life đã chuyển đổi mô hình kinh doanh - trong đó không đánh vào các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ tại Trung Quốc mà tập trung vào các thương hiệu uy tín và tập trung vào chất lượng sản phẩm có nguồn gốc từ Hàn Quốc, Nhật Bản ...
Do đó, khi Temu đổ bộ vào thị trường Việt Nam, Hagu sẽ chịu tác động nhưng không đáng kể vì họ đang định vị là ‘nhà phân phối các sản phẩm chất lượng - có nguồn gốc xuất xứ đáng tin cậy’ từ đó thu hút tập trung tệp khách hàng ưu tiên về chất lượng - trải nghiệm hơn là giá rẻ nhưng không chất lượng. Hơn nữa, tệp khách hàng của mẹ và bé thường chú trọng đến chất lượng sản phẩm hơn những mặt hàng khác như gia dụng – thời trang.
Tận dụng sức mạnh địa phương
“ Temu còn quá mới với thị trường Việt Nam, nên cũng khó để nói chính xác sàn TMĐT này sẽ ảnh hưởng đến các SMEs Việt Nam cụ thể như thế nào. Nói chung là Trung Quốc rất mạnh về thời trang – đồ gia dụng, nên khi Temu vào Việt Nam thì các DN Việt cùng ngành này sẽ bị ảnh hưởng, còn nhiều hay ít thì còn tùy sức mạnh của mỗi DN.
Những cửa hàng nào nhập hàng Trung Quốc về bán, sản phẩm không có sự khác biệt trên thị trường, chăm sóc khách không tốt, vận hành, giao hàng chậm thì sẽ ngày càng yếu trước Temu ”, anh Mạnh Nguyễn – Nhà sáng lập/CEO của UniSpace nhận định.
UniSpace là startup chuyên về sản xuất áo quần đồng phục với nhân sự khoảng 20 người, làm cả B2C (có cửa hàng trên TikTok Shop/Shopee/Facebook) và B2B.
Người tiêu dùng Việt Nam sẽ đặt hàng thời trang trên Temu nhiều vì tò mò và giá rẻ. Chắc chắn trong thời gian đầu Temu xuất hiện, doanh số của UniSpace sẽ giảm. Còn về lâu về dài, các cửa hàng nước ngoài trên Temu sẽ khó mà cạnh tranh lại nếu các SMEs Việt có thể tận dụng được lợi thế địa phương.
“ UniSpace đã có nhiều sự chuẩn bị cho cuộc chiến trường kỳ với Temu. Đầu tiên là khâu chăm sóc khách hàng, đổi trả, cách nói chuyện; mình là người Việt, có lợi thế địa lý và ngôn ngữ, nên khách sẽ thấy yên tâm khi mua hàng, bởi nếu có sự cố xảy ra sẽ được ghi nhận - giải quyết nhanh hơn shop Trung Quốc.
Bên cạnh đó, mình có thể bản địa hóa sản phẩm với những câu chuyện địa phương thú vị, điều mà những thương hiệu ngoại khó làm được. Cuối cùng, quan trọng nhất là phải nâng cao chất lượng sản phẩm như độ bền và cập nhập thị hiếu liên tục. Nói chung, ví dụ trước đây, để sống sót thì SMEs Việt hay UniSpace phải làm việc 5 tiếng thì bây giờ phải làm 8 tiếng.
Ở khía cạnh khác, nếu hàng nước ngoài vào Việt Nam bán được thì Việt Nam chúng ta cũng có thể mang hàng ra bán ở nước ngoài. Thực tế, các thương hiệu Việt Nam mang sản phẩm xuất khẩu trực tiếp ra nước khác như Thái Lan, Singapore hay Malaysia đã không còn là điều gì quá hiếm lạ. Và đây cũng là một cách để mình bù đắp – mở rộng thị trường ”, anh Mạnh Nguyễn khuyến nghị.
Trong tương lai, theo CEO của UniSpace, Temu có thể tìm đến các nhà sản xuất Việt để hợp tác nhằm tối ưu chi phí logistics.
Tập trung vào thương hiệu – chất lượng
Với anh Trần Lâm – Chủ của các thương hiệu hóa mỹ phẩm như Julyhouse, Macaland kiêm Nhà huấn luyện bán hàng – đại sứ Shopee; sự xuất hiện của Temu sẽ gây áp lực lớn lên các SMEs Việt, nhưng khó có thể giết chết họ.
“ Việc Temu gia nhập thị trường Việt Nam chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các thương hiệu Việt chuyên về thương mại điện tử, đặc biệt là trong các ngành hàng mà Trung Quốc có thế mạnh như hóa mỹ phẩm ”, anh Trần Lâm khẳng định.
Theo đó, các sản phẩm trên Temu, đặc biệt là các mặt hàng hóa mỹ phẩm, có giá thành rất thấp do khả năng tận dụng chuỗi cung ứng quy mô lớn từ Trung Quốc. Đây là một thách thức lớn cho các thương hiệu Việt, bao gồm các thương hiệu như Macaland và Julyhouse, khi các doanh nghiệp trong nước khó có thể cạnh tranh về giá nếu không có quy mô sản xuất tương đương.
Các sản phẩm của Temu sẽ dễ dàng thu hút người tiêu dùng đang tìm kiếm sản phẩm rẻ hơn, điều này sẽ tạo ra sự dịch chuyển khách hàng từ các thương hiệu nội địa sang sản phẩm nhập khẩu.
Tuy nhiên, một trong những lợi thế cạnh tranh của các thương hiệu Việt như Macaland và Julyhouse là chất lượng sản phẩm và giá trị khác biệt. Ví dụ, Macaland tập trung vào sản phẩm thiên nhiên và quy trình sản xuất bền vững, đặc biệt là hỗ trợ nông dân địa phương trong việc phát triển nguyên liệu hữu cơ.
Điều này không chỉ tạo ra sự khác biệt về sản phẩm mà còn đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về sản phẩm thân thiện với môi trường và sức khỏe của người tiêu dùng, điều mà các sản phẩm giá rẻ trên Temu có thể không làm được.
Để có thể sống sót trong chiến trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt như hiện tại, theo anh Trần Lâm, các SMEs Việt có thể làm theo 4 bước sau đây.
Đầu tiên, tận dụng lợi thế sản phẩm thủ công và địa phương: Các nhà bán hàng Việt nên tập trung vào sản phẩm thủ công mỹ nghệ và đồ gia dụng từ nguyên liệu tự nhiên như mây tre đan, gốm sứ, hoặc thời trang thủ công như áo dài, khăn quàng lụa. Những sản phẩm này không chỉ mang tính độc đáo mà còn gắn liền với giá trị văn hóa và tay nghề thủ công cao, điều mà các sản phẩm sản xuất hàng loạt trên Temu khó cạnh tranh.
Thứ hai, xây dựng câu chuyện thương hiệu mạnh. Một thương hiệu với câu chuyện gắn kết, đặc biệt là về nguồn gốc sản phẩm, quy trình sản xuất bền vững và tạo ra nhiều giá trị xã hội sẽ tạo sự khác biệt với hàng hóa giá rẻ. Khách hàng không chỉ mua sản phẩm mà còn mua giá trị và trải nghiệm mà sản phẩm mang lại.
Thứ ba, tối ưu chi phí và logistics qua hợp tác. Doanh nghiệp có thể liên kết với các nhà sản xuất và thương hiệu nội địa khác để chia sẻ chuỗi cung ứng và tối ưu logistics, giúp giảm chi phí sản xuất và vận chuyển. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam giữ mức giá cạnh tranh mà không phải hy sinh chất lượng.
Cuối cùng, tận dụng dịch vụ hậu mãi và chăm sóc khách hàng. Các doanh nghiệp Việt nên tập trung vào dịch vụ hậu mãi tốt, bao gồm chính sách đổi trả, bảo hành và chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp để tạo sự khác biệt. Dịch vụ này có thể giúp giữ chân khách hàng lâu dài, thay vì chỉ thu hút họ bằng giá cả.