Sinh viên chán nản cách dạy tiếng Anh ở trường đại học

Nhiều sinh viên cho rằng chương trình tiếng Anh (không chuyên) ở bậc đại học không đủ để các bạn nâng cao trình độ. Nhiều em chán nản, không còn hứng thú với môn học này ở trường.

Nhiều sinh viên không hứng thú với trình học tiếng Anh ở trường. Ảnh: Pexels.

“Cách dạy tiếng Anh không chuyên ở đại học vẫn nặng ngữ pháp về lý thuyết. Nếu học giao tiếp, giảng viên vẫn giữ phương pháp ai giơ tay nói thì được điểm. Mình chán với cách dạy và học này nên được một kỳ, mình không học tiếng Anh ở trường nữa".

Đó là chia sẻ của N.A., sinh viên năm hai tại một trường đại học ở Hà Nội, khi được hỏi về chương trình đào tạo tiếng Anh trong trường đại học.

"Môn Tiếng Anh ở trường rất chán"

Trao đổi với Tri Thức - Znews, N.A. cho biết yêu cầu chuẩn đầu ra ngoại ngữ của trường là 450 TOEIC hoặc các chứng chỉ tương đương. Sau khi nhập học, sinh viên phải thi sàng lọc đầu vào. Nếu đủ điểm, sinh viên có thể lựa chọn học 14 tín chỉ ngoại ngữ (chia làm 4 học phần) và thi tại trường, hoặc thi chứng chỉ bên ngoài nộp về phòng đào tạo.

A. cho biết từ cấp ba, năng lực tiếng Anh của nam sinh không quá kém. Ngay từ năm nhất, A. lựa chọn học và thi tại trường, nghĩ sẽ tiện hơn và có thể hệ thống lại kiến thức.

Tuy nhiên, sau khi học một học phần, A. quyết định dừng lại và tự học để thi chứng chỉ bên ngoài. Quyết định này được A. đưa ra bởi nhiều lý do.

Thứ nhất là chất lượng giảng dạy. A. cho rằng đây cũng là lý do chính khiến sinh viên học không tiến bộ. Nam sin. không đánh đồng tất cả, song với giảng viên dạy cậu, A. nhận thấy cô phát âm không đúng, thiếu nhiệt tình và chưa truyền được cảm hứng cho sinh viên.

Cùng với đó, kiến thức và chương trình giảng dạy không khác quá nhiều so với việc học ở bậc phổ thông - đa phần học ngữ pháp, thiếu tính ứng dụng. Giảng viên thường dạy xen kẽ, mỗi tuần 2 buổi, một buổi học theo chủ đề và một buổi học phương pháp, mẹo làm bài thi.

“Nếu học theo chủ đề, giảng viên thuần giao và chữa bài tập, thiếu thực hành. Sinh viên cũng ngại giao tiếp với nhau, đọc từ vựng ê a, khiến việc học thiếu hiệu quả. Cách học này không khác với việc mình tự học là mấy", A. chia sẻ.

Lý do thứ hai là trình độ sinh viên trong một lớp thường chênh lệch nhau. Vượt qua vòng sàng lọc, dù điểm cao hay thấp, sinh viên đều phải học chung một lớp Tiếng Anh 1. Điều này khiến người học khá hơn sẽ cảm thấy việc học này mất thời gian, những người trình độ thấp hơn một chút như A. sẽ cảm thấy tự ti, lâu dần sẽ chán nản.

Lý do cuối cùng là A. cảm thấy áp lực với việc thi cử và điểm số. Việc thi cuối kỳ khá căng thẳng, sinh viên chưa chắc đạt điểm cao. Nếu không qua, các bạn tiếp tục học lại, việc này rất tốn thời gian. Trong khi đó, nếu đổi điểm chứng chỉ, sinh viên học tốt có thể chỉ cần thi một lần, đạt mốc 730 TOEIC sẽ được phủ toàn bộ A+ cho 14 tín. Ngoài ra, chi phí cũng là yếu tố khiến A. cân nhắc.

“Mới học 4 tín ở trường, mình đã phải đóng 2,8 triệu đồng. Trong khi đó, tự học và thi chứng chỉ bên ngoài, số tiền bỏ ra ít hơn nhiều, lại sử dụng được giấy tờ khi xin việc”, A. chia sẻ hết học kỳ đầu tiên, 16/24 bạn trong lớp đã chọn thi chứng chỉ.

sinh vien chan tieng Anh anh 1

Sinh viên nói rằng chương trình tiếng Anh không chuyên ở đại học vẫn đa phần học ngữ pháp, thiếu tính ứng dụng. Ảnh minh họa: Pexels.

M.T., sinh viên tại một trường đại học ở TP.HCM, cũng nói rằng chương trình môn tiếng Anh ở trường khá nhàm chán và không đủ hấp dẫn để sinh viên chú trọng học tập, rèn luyện. Là người vốn không có niềm yêu thích với tiếng Anh, giờ nữ sinh lại càng cảm thấy mệt mỗi khi đến tiết học của môn này.

T. nói rằng các học phần tiếng Anh ở trường đại học có dạy đủ 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, nhưng không đào quá sâu các nội dung bài mà chủ yếu dạy qua kiến thức, sau đó giao bài cho sinh viên tự làm hoặc làm bài tập nhóm.

Nữ sinh cũng nói thêm rằng cơ sở vật chất ở trường cũng là yếu tố ảnh hưởng đến việc học tiếng Anh của sinh viên. Ví dụ, loa trong các phòng học khá cũ và rè, sinh viên sẽ rất khó học kỹ năng nghe vì âm thanh phát ra từ loa không đủ rõ để các bạn làm bài thực hành kỹ năng nghe.

“Với tình hình như hiện tại, mình khá nản và không có hứng thú với việc học tiếng Anh. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, bản thân mình và một số bạn khác vẫn còn lười và chưa đủ động lực để tự học, tự trau dồi tiếng Anh sau giờ lên lớp”, T. chia sẻ.

N.A. cũng thừa nhận điều này. Dù chán nản với cách dạy tiếng Anh ở trường, nam sinh nói rằng nguyên nhân việc học thiếu hiệu quả đến từ cả người học. A. cho rằng nhiều sinh viên thiếu tính tự giác, bản thân không có động lực học thì cách dạy có hay đến mấy, các bạn cũng không tiến bộ.

Sinh viên cần có ý thức tự học nhiều hơn

Trao đổi với Tri Thức - Znews, cán bộ phòng đào tạo của một trường đại học tại Hà Nội cho rằng nguyên nhân sinh viên học tiếng Anh ở trường không hiệu quả xuất phát từ cách dạy là có cơ sở.

Tuy nhiên, cũng phải kể đến việc trình độ tiếng Anh đầu vào chênh lệch rất nhiều, thậm chí nhiều em mất căn bản. Giảng viên dạy tiếng Anh bổ trợ không thể theo sát từng em để kèm cặp như bậc THPT. Thời lượng mỗi buổi học cũng không cho phép điều đó.

Trong khi đó, sinh viên ngại học, nhiều em mải làm thêm, không có thời gian trau đồi. Với 2-3 học phần tiếng Anh bổ trợ, không trường đại học nào có thể dạy lại sinh viên từ mất gốc đến khi đạt chuẩn đầu ra. Vì vậy, cùng với học ở trường, các em cần phải chủ động tự học, tự trau dồi thêm.

sinh vien chan tieng Anh anh 2

Nguyên nhân học tiếng Anh không tiến bộ đến từ cả người dạy và người học. Ảnh minh họa: Pexels.

Tương tự, ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông của Đại học Công thương TP.HCM, cũng nói rằng chương trình tiếng Anh ở bậc đại học sẽ không đủ để giúp sinh viên thông thạo ngôn ngữ này, điều quan trọng vẫn là ý thức tự học và tự rèn luyện ở sinh viên.

Ở bậc đại học, chương trình giảng dạy môn tiếng Anh dành cho sinh viên không thuộc ngành Ngôn ngữ Anh thường có 4 học phần (tương đương khoảng 180 tiết học), tập trung dạy 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.

Nhìn chung, thời lượng đào tạo môn tiếng Anh ở đại học bị hạn chế, số lượng sinh viên một lớp lại quá đông, nên giảng viên sẽ không thể giúp sinh hình thành các kỹ năng cần thiết để sử dụng ngoại ngữ. Thay vào đó, thầy cô là người đóng vai trò hướng dẫn để sinh viên có nền tảng rèn luyện thêm.

“Chương trình tiếng Anh ở các trường đại học bây giờ khác xưa, tập trung giúp sinh viên hình thành 4 kỹ năng chứ không chỉ đơn giản là dạy mỗi ngữ pháp. Nhưng thời gian dạy môn tiếng Anh quá ít, các trường rất khó giúp sinh viên hình thành kỹ năng”, ThS Phạm Thái Sơn nói với Tri Thức - Znews.

Đại diện Đại học Công thương TP.HCM khuyên rằng ngoài thời gian học trên lớp, sinh viên nên dành ra ít nhất một giờ mỗi ngày để tự học tiếng Anh. Thời gian đầu, có thể các bạn sẽ gặp khó khăn vì kiến thức chưa đủ nhiều, nhưng nếu rèn luyện mỗi ngày, trình độ ngoại ngữ của các bạn sẽ được cải thiện.

Thầy giáo cũng đề cập đến tầm quan trọng của ngoại ngữ này đối với cơ hội tìm việc sau khi ra trường. Do đó, ông khuyên sinh viên nên đầu tư, nghiêm túc học tiếng Anh ngay trong thời gian học đại học để tránh gặp khó khăn về sau.

“Tiếng Anh là môn học đòi hỏi tính kiên trì. Vì thế, tôi khuyên các sinh viên nên dành thời gian rèn luyện thêm vì kiến thức học ở lớp sẽ không đủ để các bạn sử dụng ngoại ngữ thông thạo. Điều quan trọng là phải thật kiên trì thì mới có thể học tốt được”, ThS Phạm Thái Sơn nhấn mạnh.

Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?

Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.

Link nội dung: https://phunuvathoidaivn.com/sinh-vien-chan-nan-cach-day-tieng-anh-o-truong-dai-hoc-a104915.html